Bước đột phá từ giao thông

(NTO) Là người có nhiều năm gắn bó với nghề viết báo, có điều kiện đi lại nhiều nơi, ghi dấu kỷ niệm trên nhiều cung đường, nhưng sau một ngày trên nẻo đường tác nghiệp từ Bình Tiên đến Vĩnh Hy - Cà Ná, qua các xã ở Ninh Phước, ngược lên vùng cao Phước Bình... nhìn những con đường vừa được láng nhựa mịn màng, thơm mùi nhựa mới, thật tình tôi mới hiểu thế nào là ý tưởng bắt nhịp, đón đầu của những người làm công tác quản lý.

Bởi những tuyến đường hôm nay như “vòng tay lớn” ôm lấy quê hương, đang từng ngày, từng giờ phát triển.

Thành quả một chặng đường

Ngược dòng thời gian 23 năm về trước, khi Ninh Thuận tái lập, hệ thống giao thông của tỉnh chỉ gói gọn chưa đến 500km và tập trung chủ yếu nội ô Tp.Phan Rang – Tháp Chàm. Thế mà, như một sự biến đổi diệu kỳ, đến nay 100% số xã đã có đường ô tô đến tận trung tâm, không chỉ thuận lợi trong việc đi lại, mà còn tạo động lực thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương phát triển.

Cầu Ninh Chử đưa vào sử dụng, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội huyện Ninh Hải.
Ảnh: Thanh Long

Đồng chí Võ Đức Triều, Giám đốc Sở Giao thông vận tải chia sẻ: Thành công lớn nhất trong tiến trình xây dựng giao thông ở tỉnh ta là sự tranh thủ được các nguồn vốn. Chỉ tính riêng trong 5 năm trở lại đây, thông qua các nguồn như: Vốn trái phiếu Chính phủ, vốn ODA, BOT..., tỉnh đã đầu tư trên 3.500 tỷ đồng để xây dựng 50 tuyến đường các loại, như: Đường Phước Sơn – Hòa Sơn (20km); Ninh Bình – Phước Bình (39km); đường từ Quốc lộ 27 đi Ma Nới (16km); đường đôi vào Tp.Phan Rang – Tháp Chàm (đoạn phía Bắc 1,9km); đường từ An Hòa – Phước Trung – Đồng Mé (31km)... Trong đó, đáng chú ý là tuyến đường ven biển Bình Tiên – Cà Ná dài 116km, đây là tuyến đường giao thông chiến lược đáp ứng cùng lúc nhiều nhiệm vụ: Bảo đảm quốc phòng an ninh, mở hướng liên kết vùng trong phát triển kinh tế và bảo đảm giao thông thông suốt trong mùa mưa lũ.

Trong lần về thăm và làm việc tại tỉnh ta vào trung tuần tháng 3 vừa qua, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cũng đánh giá cao về tốc độ phát triển của hệ thống giao thông tỉnh nhà. Theo Chủ tịch nước, thành quả có được hôm nay, ngoài kinh phí đầu tư của Nhà nước thì Ninh Thuận còn thực hiện tốt công tác vận động nguồn đóng góp từ người dân. Thống kê của Sở Giao thông vận tải cho thấy, với phương thức “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, đến nay toàn tỉnh đã xây dựng được gần 400 km đường liên thôn, khu phố, xóm, nội đồng, với tổng kinh phí gần 200 tỷ đồng. Trong đó, ngân sách Nhà nước đầu tư trên 160 tỷ đồng và vốn huy động từ nhân dân đóng góp gần 40 tỷ đồng. Qua đó, nâng tổng chiều dài đường bộ của tỉnh ta đến nay lên gần 1.200 km. Trong đó, 3 tuyến Quốc lộ (QL:1A, 27 và 27B) có chiều dài trên 170 km; 10 tuyến đường tỉnh trên 289,6 km; 25 tuyến đường huyện trên 220 km; 130 tuyến đường đô thị hơn 158 km; các tuyến đường xã trên 341 km và đường chuyên dùng 2,63 km, tăng gần 3 lần so với thời điểm mới tái lập tỉnh.

Hướng mở tương lai

Trong tiến trình đô thị hóa hôm nay, có lẽ điều mà mọi người dễ cảm nhận nhất, đó là hệ thống giao thông tỉnh ta đã có bước “nhảy vọt ngoạn mục”. Đề cập như vậy để thấy, kể từ khi các tuyến đường giao thông trong tỉnh được kết nối với nhau, đã tạo điều kiện cho người dân thuận lợi trong đi lại và giao thương. Dọc theo các tuyến đường, nhiều mô hình phát triển kinh tế vườn rừng, chăn nuôi, khai thác- nuôi trồng thủy sản đã xuất hiện với nhiều hứa hẹn. Một số công trình, dự án du lịch tiềm năng như biển Bình Sơn, vịnh Vĩnh Hy, Khu du lịch sinh thái Nam Núi Chúa..., cũng đang được đánh thức, ngày càng thu hút đông du khách đến tham quan, nghỉ dưỡng.

Tuyến đường ven biển hoàn thành thúc đẩy
du lịch tỉnh nhà phát triển. Ảnh: Duy Anh

Với mục tiêu phát triển hệ thống giao thông ngày càng đồng bộ và hiện đại, phục vụ tốt cho sự phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng – an ninh theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đề ra, trong năm 2015, Sở Giao thông vận tải tiếp tục tham mưu UBND tỉnh triển khai các dự án trọng điểm theo Quy hoạch tổng thể của tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Cụ thể, về kết cấu hạ tầng đường huyện, đường tỉnh phấn đấu hoàn thiện mạng lưới đường hiện có, trong đó đảm bảo các trục đường chính đô thị Phan Rang – Tháp Chàm đều có vỉa hè. Về đường giao thông nông thôn phấn đấu cứng hóa từ 75% trở lên.

Để đạt được mục tiêu đề ra, trước hết ngành tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành 3 công trình chuyển tiếp, gồm: Hợp phần đường Vĩnh Hy - Ninh Chử, Mũi Dinh - Cà Ná và Cầu An Đông; nâng cấp đường Phước Đại – Phước Trung (18,2 km) và khởi công làm mới đường Ba Tháp – Suối Le – Phước Kháng (17,1 km). Bên cạnh đó, ngành sẽ phối hợp các tỉnh Khánh Hòa, Lâm Đồng cùng kiến nghị Bộ Giao thông vận tải sớm hoàn thành dự án Nâng cấp mở rộng tuyến Quốc lộ 1A đoạn từ sân bay Cam Ranh đến Phan Rang; phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam hoàn thành tiểu dự án thành phần giải phóng mặt bằng phục vụ cho thi công sớm hoàn thành tuyến Quốc lộ 27.

Ngoài ra, ngành còn tham mưu UBND tỉnh tích cực đàm phán với các nhà tài trợ quốc tế để tranh thủ nguồn vốn đầu tư một số công trình lớn như: Tuyến đường vành đai tỉnh Ninh Thuận nối từ Tỉnh lộ 702 - Quốc lộ 1A - Quốc lộ 27 và các tuyến đường nối hành lang Quốc lộ 1A với tuyến đường ven biển như: Văn Lâm – Sơn Hải (13,8km), đường tỉnh lộ 704 (5,6km). Khi hoàn thành đi vào hoạt động sẽ mở ra một không gian hợp lý cho cả ba lĩnh vực kinh tế: Công nghiệp – Du lịch – Nông nghiệp, nông thôn, tạo thành “cầu nối” trong mối quan hệ gắn kết hài hoà với Tp.Cam Ranh (Khánh Hòa) và các tỉnh lân cận như Bình Thuận, Lâm Đồng đang trong thế mạnh phát triển. Đây là bước đột phá lớn, quan trọng, không chỉ góp phần đưa nhiều vùng quê hẻo lánh từng bước chuyển mình, mà còn mang tính chiến lược trong thực hiện nhiệm vụ CNH, HĐH nông nghiệp, nông thôn mà tỉnh ta đang triển khai thực hiện.