Nói dễ, làm mới khó!

(NTO) Mới đây, Bộ Y tế phát động trong toàn ngành cuộc vận động “3 xin”, đó là xin chào, xin lỗi, xin phép với mục đích là nhằm thay đổi phong cách ứng xử, giao tiếp với bệnh nhân của đội ngũ y, bác sĩ cũng như nhân viên y tế.

Thực ra, cái sự chào hỏi khi làm quen, xin lỗi khi không làm được việc gì được người khác nhờ và xin chào khi chia tay... vốn dĩ là văn hóa ứng xử thông thường mà dường như mọi người đều biết, đều được học từ khi mới cắp sách đến trường. Đối với những người có học thức cao hơn thì tất nhiên việc ứng xử với nhau “thấm đẫm” chất văn hóa hơn. Thế nhưng thực tế lại không hoàn toàn như vậy mà biểu hiện rõ nhất trong ngành y. Từ nhiều năm qua không ít người bệnh thường than phiền về thái độ thờ ơ, lãnh cảm thậm chí vô cảm của không ít người hành nghề y tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh, từ trạm y tế đến bệnh viện tuyến huyện, tỉnh. Hộ lý, y tá thì quá “kiệm lời” với bệnh nhân khi được hỏi thăm bệnh tình, bác sĩ thì quá “ít lời” khi khám bệnh mà lẽ ra phải ân cần, trao đổi...để khả dĩ phán đoán bệnh chính xác nhằm đưa ra liệu pháp thích hợp để chữa trị cho bệnh nhân. Cho nên câu chuyện bệnh một đằng, chỉ định điều trị một nẻo cũng không phải là ngoại lệ... Nguyên nhân dễ hiểu là tư tưởng “ban phát”, “xin-cho” đã thành thói quen của y, bác sĩ và nhân viên y tế, xem mình là người “ban ơn” còn bệnh nhân là phải chịu ơn!. Nói đi cũng phải nói lại, đó là không ít bệnh nhân cũng quá quắt, xem thường thậm chí là có những hành vi quá thô lỗ đối với y, bác sĩ. Đó là chưa nói đến tình trạng hành hung những người chữa trị cho người thân của mình. Tình trạng quá tải tại các bệnh viện cũng góp phần làm cho y, bác sĩ và nhân viên y tế tỏ thái độ chưa “đẹp” với bệnh nhân…

Suy cho cùng, việc thực hiện “3 xin” mà ngành y tế đã phát động không quá khó để thực hiện. Tuy nhiên, nói thì dễ nhưng làm lại.... không dễ chút nào bởi các lẽ sau: Đầu tiên đó là thói quen “bất bình đẳng” với bệnh nhân đã ăn sâu trong tiềm thức nhiều người nên không thể một sớm, một chiều mà mở lời “xin chào”, “xin lỗi”... được ngoại trừ với bệnh nhân là người... quen. Kế đến là thiếu quy định giám sát việc thực hiện kèm theo đó là các hình thức xử lý cần thiết. Thứ ba là thiếu các lớp bồi dưỡng về cách giao tiếp với bệnh nhân đặc biệt là bồi dưởng kiến thức về tâm lý nhằm thấu hiểu, thấu cảm với nỗi đau của người bệnh để sẽ chia thay vì “lạnh tanh” từ cử chỉ đến hành động...

Mong rằng, cuộc vận động “3 xin” sẽ được thực hiện có hiệu quả tại các cơ sở y tế trong tỉnh, từ đó tạo sự tôn trọng từ 2 phía: y, bác sĩ và người bệnh. Tất nhiên, cũng không thể yêu cầu đội ngũ y, bác sĩ phải có thái độ niềm nở, ân cần trong khi ngược lại bệnh nhân hoặc người nhà bệnh nhân lại có hành động quá quắt được! .