Vấn đề hôm nay:

“Trẻ em và an toàn giao thông”!

(NTO) Tuần lễ An toàn giao thông (ATGT) đường bộ lần thứ 3 do Liên hợp quốc kêu gọi, với chủ đề “Trẻ em và an toàn giao thông” được triển khai trong cả nước nói chung, tỉnh ta nói riêng từ ngày 4-5 đến ngày 10-5-2015.

Mục đích của tuần lễ ATGT là nhằm tuyên truyền rộng rãi trong toàn xã hội những nguyên nhân phổ biến gây tử vong và chấn thương cho trẻ em khi tham gia giao thông ở nước ta hiện nay; những hậu quả do tai nạn giao thông tác động đến trẻ em, gia đình và xã hội; đồng thời, nâng cao nhận thức và trách nhiệm của toàn xã hội trong việc bảo vệ sự an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông, góp phần xây dựng văn hóa giao thông... Đây còn là cơ hội để phát động và duy trì các hoạt động đảm bảo ATGT lâu dài được triển khai một cách đồng bộ nhằm đẩy lùi “đại dịch” tai nạn giao thông (TNGT) và giảm thiểu ảnh hưởng tới trẻ em.

 
Nhiều phụ huynh đưa đón con nhưng không đội MBH cho các em.

Theo Ủy ban ATGT quốc gia, hiện TNGT đã trở thành một trong bốn nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em từ 5 tuổi trở lên. Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho thấy, mỗi năm có hơn 186.300 trẻ em tử vong do TNGT đường bộ. Như vậy, cứ 4 phút trôi qua lại có 1 trẻ em trên thế giới bị tử vong vì TNGT.

Con số này ở Việt Nam là gần 2.000 trẻ em, trong đó TNGT do không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe máy là một trong những nguyên nhân gây tử vong hàng đầu.  Đáng lo ngại hơn khi tỷ lệ trẻ bị tai nạn do đi bộ một mình chiếm đến 36%, và khi tham gia giao thông bằng xe đạp, mô-tô, xe máy là 20%.

Đối với tỉnh ta, thời gian qua đã có nhiều nỗ lực trong việc kéo giảm TNGT trên cả 3 tiêu chí: về số vụ, số người chết và bị thương, phấn đấu năm sau giảm từ 5 đến 10% so với năm trước, trong đó đặc biệt là bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông; vận động và thực hiện chế tài theo quy định về đội mũ bảo hiểm (MBH) cho trẻ em, nhất là đối với học sinh các cấp học… Công an tỉnh cũng đã mở đợt tuyên truyền, tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm quy định về đội MBH cho trẻ em. Ban ATGT các huyện, thành phố đã tăng cường tuyên truyền, triển khai lực lượng đẩy mạnh tuần tra, kiểm soát và xử lý nhiều phụ huynh, học sinh vi phạm các quy định về ATGT. Qua đó, đã nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về giao thông trong học sinh nói riêng và toàn xã hội nói chung. Tuy nhiên, trên thực tế việc đảm bảo ATGT nói chung, cho trẻ em nói riêng khi tham gia giao thông vẫn còn nhiều bất cập. Đó là, không ít phụ huynh còn chủ quan, không thực hiện nghiêm túc quy định đội MBH khi đưa đón con em tới trường hay tham gia giao thông hoặc sử dụng MBH không đúng quy cách, chất lượng kém. Một số gia đình còn bất cẩn để trẻ chạy ra giữa đường, hoặc chở con nhỏ ngồi sau xe không có người giữ dẫn đến té ngã gây tai nạn… Về khách quan, đó là tình trạng nhiều địa phương do không có sân chơi nên trẻ em tổ chức đánh banh, đá bóng… ngay ngoài đường dễ dẫn đến tai nạn không chỉ cho chính các em mà còn gây nguy hiểm cho người đi đường.

Để Tuần lễ ATGT đường bộ lần thứ 3 với chủ đề như đã nêu trên đạt kết quả cao, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch thực hiện số 1733/KH-UBND ngày 25-4-2015. Theo đó, cần thực hiện nghiêm túc quy định bắt buộc về đội MBH cho trẻ em khi tham gia giao thông bằng mô-tô, xe gắn máy, kể cả ngồi trên xe đạp điện. Chấp hành những quy tắc đi bộ an toàn đối với trẻ em như không đi vào đường cấm, không đi xe dàn hàng ba, hàng bốn, không tụ tập trước cổng trường, không bám, kéo đẩy xe khác; không điều khiển xe lạng lách, đuổi nhau trên đường, không cầm ô dù khi đi xe; chú ý quan sát khi chuyển hướng, khi đi sang đường và qua đoạn đường giao nhau với đường sắt... Có thể nói, đây là những lỗi mà rất nhiều trẻ em mắc phải. Chấn chỉnh được tình trạng này không những bảo đảm an toàn cho trẻ em khi tham gia giao thông, mà còn góp phần nâng cao văn hóa giao thông trong xã hội, từng bước đẩy lùi tai nạn giao thông.

Để làm được điều đó, nhà trường, phụ huynh học sinh, các cơ quan chức năng, các ban, ngành, đoàn thể cần nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc bảo đảm an toàn giao thông cho trẻ em, tiếp tục thực hiện và tuyên truyền rộng rãi về quy định bắt buộc đội MBH cho trẻ em khi tham gia giao thông, nhằm hướng tới một môi trường giao thông thân thiện, an toàn, hạnh phúc cho trẻ em. Ông Greig Craff – Chủ tịch Quỹ Phòng chống thương vong châu Á so sánh một cách chí lý rằng việc đội MBH cho trẻ em quan trọng như việc tiêm chủng: “Tôi thấy ở Việt Nam, các bậc cha mẹ rất quan tâm đến việc đưa trẻ đi tiêm chủng phòng ngừa bệnh. Việc đội MBH cho trẻ cũng quan trọng như vậy, nó như liều vaccine để bảo vệ trẻ hàng ngày khi tham gia giao thông”.