Hội thảo đánh giá khả năng phát triển bò lai F1

(NTO) Ngày 15-5, Sở Khoa học và Công nghệ (KH&CN) 3 tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng và Khánh Hòa phối hợp tổ chức Hội thảo Đánh giá kết quả thực hiện đề tài “Nghiên cứu giám định di truyền và khả năng phát triển của bò lai F1 giữa bò tót (Bos gaurus) và bò nhà (Bos taurus) tại vùng giáp ranh tỉnh Ninh Thuận và Lâm Đồng”.

Đây là đề tài đang được Trung tâm ứng dụng KH&CN tỉnh Lâm Đồng và Vườn Quốc gia Phước Bình, tỉnh Ninh Thuận triển khai từ tháng 2-2012, với tổng kinh phí gần 2 tỷ đồng, trên cơ sở chọn mua, nuôi tập trung 10 bò lai F1 (gồm 5 bò đực và 5 bò cái) và hiện đang chăn thả trong khu vực 1 ha tại Vườn Quốc gia Phước Bình.

 
Hội thảo đánh giá khả năng phát triển bò lai F1 giữa bò tót và bò nhà.

Tại hội thảo, trên cơ sở thông tin nền về hiện trạng bò tót hoang dã ở Vườn Quốc gia Phước Bình và những trường hợp lai tạo tự nhiên, các chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực chăn nuôi thuộc các viện, trường đại học trong nước và một số nước ngoài như: Malaysia, Thái Lan đã tập trung phân tích việc giám định Karyotyp thể lai của bò tót và bò nhà; cung cấp một số thông tin về đặc trưng nhiễm sắc thể của bò tót và bò rừng; đánh giá kết quả khôi phục và tái hoạt tinh trùng từ mẫu bò tót hoang dã ở Quảng Nam và Phước Bình; đặc trưng di truyền của bò tót hoang dã ở Việt Nam, cũng như chủng loại phát sinh và triển vọng công nghệ sinh học trong chọn giống…

Những kinh nghiệm mà các chuyên gia đã trình bày tại hội thảo là cơ sở khoa học giúp Sở KH&CN các tỉnh tiếp tục xây dựng dự án nhân rộng kết quả đề tài này thành đề tài cấp nhà nước “Khai thác và phát triển nguồn gen bò quý hiếm tại vùng giáp ranh 3 tỉnh Ninh Thuận, Lâm Đồng và Khánh Hòa giai đoạn 2015 – 2017”, nhằm tạo ra các bò lai F2 làm bò giống thương phẩm có chất lượng, để thương mại hóa sản phẩm trên thị trường trong những năm tới.