Thế giới trong tuần

1. Với chủ đề “Hướng đến một nền kinh tế năng động toàn cầu”, Hội nghị các Bộ trưởng Tài chính và Thống đốc Ngân hàng Trung ương nhóm G7 bắt đầu cuộc họp tại thành phố Dresden (Đức), nhằm thảo luận những biện pháp giúp đảm bảo ổn định sự phục hồi toàn cầu, không bị ảnh hưởng bởi những nguy cơ có thể xảy ra như cuộc khủng hoảng Hy Lạp, giá dầu tăng và bất ổn trên thị trường tài chính.

Nền kinh tế toàn cầu có nhiều dấu hiệu khôi phục sau cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu nổ ra năm 2008. Tuy nhiên trong vòng một năm trở lại đây, sự phục này đang chững lại do tốc độ tăng trưởng chậm của những nền kinh tế đầu tàu như Mỹ, Trung Quốc và Đức. Triển vọng u ám đang bao phủ các nước sử dụng đồng Euro khi căng thẳng gia tăng giữa Hy Lạp và các chủ nợ quốc tế, với nhiều đồn đoán về khả năng Hy Lạp rời khỏi khu vực.

Cuộc họp tại Dresden là cơ hội để những nền kinh tế hàng đầu thế giới vực dậy tăng trưởng, tránh những nguy cơ về giá dầu, bất ổn trên thị trường tài chính ảnh hưởng đến sự phục hồi ổn định của nền kinh tế toàn cầu. 

2. Thời tiết cực đoan do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp và tác động tiêu cực tới cuộc sống của người dân nhiều nước.

Nắng nóng đến chảy cả nhựa đường ở Ấn Độ.

Tình trạng hạn hán và nắng nóng bất thường dường như đang biến mùa hè năm nay trở nên vô cùng khắc nghiệt đối với các nước như Ấn Độ, Israel và Ai Cập.  Cho tới nay, tổng số người tử vong do nắng nóng tại Ấn Độ đã lên tới hơn 1.240 người.

Cơ quan khí tượng Israel cũng vừa thông báo nước này cũng đang hứng chịu thời tiết cực đoan với nhiệt độ tăng cao lên tới 45 độ C. Trong khi đó, thủ đô Cairo và các tỉnh khác của Ai Cập cũng vừa trải qua thời tiết nắng nóng chưa từng thấy với nhiệt độ cao nhất lên tới 45 độ C.

Giới khoa học cảnh báo, biến đổi khí hậu toàn cầu đang diễn biến ngày càng phức tạp theo hướng nghiêm trọng hơn. Trong khi các nước Nam Âu đang đứng trước nguy cơ hạn hán nghiêm trọng, các nước Tây Âu bị đe dọa bởi tình trạng nước biển dâng, cùng với đó là những mùa đông băng giá khắc nghiệt, thì hàng trăm triệu người ở Nam Á, châu Phi cũng đang phải oằn mình đối phó với lũ lụt nghiêm trọng. Chính vì vậy, việc ứng phó với các thảm họa do biến đổi khí hậu gây ra đang là thách thức không nhỏ không chỉ riêng với quốc gia nào.

3. Thượng viện Mỹ đã bỏ phiếu thông qua dự luật trao cho Tổng thống B.Obama “Quyền thúc đẩy thương mại” (TPA), hay còn gọi là quyền đàm phán nhanh. Động thái này cho thấy các nhà lập pháp Mỹ đã vượt qua những rào cản đảng phái và thỏa hiệp về chính sách thương mại quan trọng.

Sau khi vượt qua “ải” Thượng viện, dự luật về TPA sẽ được đưa ra tranh luận, bỏ phiếu tại Hạ viện và quá trình này dự kiến bắt đầu ngay tháng 6 tới, nơi cuộc chiến được cho là sẽ căng thẳng không kém.

Nếu được Quốc hội Mỹ thông qua, dự luật TPA sẽ trao cho Tổng thống Obama toàn quyền đàm phán và thỏa hiệp các điều khoản của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với 11 quốc gia đối tác. Sau khi đàm phán hoàn tất, Quốc hội Mỹ chỉ có quyền phê chuẩn hoặc phủ quyết, mà không có quyền điều chỉnh các điều khoản trong TPP. Đây là thắng lợi lớn của chính quyền Tổng thống Obama, góp phần giải tỏa những hoài nghi của 11 đối tác đàm phán, cũng là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông Obama trước khi rời Nhà trắng vào đầu năm 2017.