Đề xuất nâng cấp Cục Hàng hải lên Tổng cục Hàng hải

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII, sáng 22/6, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hàng hải Việt Nam.

Đa số đại biểu Quốc hội đều đồng tình với tính cấp thiết khi sửa đổi Bộ luật. Các đại biểu (ĐB) cũng cho rằng, việc sửa đổi Bộ luật với nhiều nội dung quan trọng nhằm phát huy thế mạnh của hàng hải đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong giai đoạn mới, cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 và khắc phục những bất cập, hạn chế của Bộ luật hiện hành…Tuy nhiên, các ĐB cũng cho ý kiến bổ sung về một số vấn đề còn chưa cụ thể của Bộ luật như: về Ban quản lý và khai thác cảng; về việc bổ sung quy định về đóng mới, sửa chữa tàu biển; về an ninh hàng hải…

 

Đại biểu Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) phát biểu tại kỳ họp. ( Ảnh: TTXVN)

Nâng cấp Cục Hàng hải lên Tổng cục Hàng hải

Về Ban quản lý và khai thác cảng, nhiều ĐB đề nghị chỉ thành lập Ban quản lý và khai thác cảng biển với dự án trọng điểm quốc gia về cảng biển, cảng biển đầu mối lớn, trung chuyển lớn mà Nhà nước đầu tư hoàn toàn và không thay thế chức năng quản lý nhà nước chuyên ngành của Cảng vụ hàng hải; chỉ thành lập Ban quản lý và khai thác cảng tại những cảng mới.

Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội) cho rằng, mặc dù trong dự thảo Bộ luật có thêm quy định của Chính phủ quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Ban Quản lý và khai thác cảng, việc áp dụng mô hình Ban Quản lý và khai thác cảng rất có khả năng gây chồng chéo hệ thống pháp luật về bộ máy tổ chức Nhà nước, làm giảm sự phối hợp giữa cơ quan lãnh đạo cảng và các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương và Trung ương. Đại biểu Khánh đề nghị cần phải nghiên cứu vấn đề này nhằm làm giảm sự lòng vòng về thủ tục của các cơ quan quản lý nhà nước tại các địa phương có cảng biển.

Về vấn đề này, ĐB Trần Du Lịch (TP. Hồ Chí Minh) cũng cho rằng, không nên cảng nào cũng tổ chức cơ quan này mà chỉ tổ chức ở những cảng đặc biệt. ĐB cũng đề xuất nâng cấp Cục Hàng hải lên Tổng cục Hàng hải để có thể thực hiện chức năng quản lý và kết nối tất cả hoạt động.

Theo ĐB Chu Sơn Hà (Hà Nội), để tạo điều kiện cho ngành hàng hải Việt Nam phát triển thì cần thiết phải nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước, củng cố địa vị pháp lý và sắp xếp lại cơ cấu tổ chức hợp lý để nâng cao vai trò quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải; đồng thời coi trọng duy trì bảo đảm an ninh quốc phòng, an toàn hàng hải, an ninh hàng hải đi đôi với đáp ứng nhu cầu đảm bảo quyền tự do hàng hải theo quy định của Hiến pháp.

Trên cơ sở đó, ĐB Hà đề xuất nâng cấp cơ quan trực thuộc Bộ Giao thông vận tải thực thi quản lý chuyên ngành hàng hải là Cục Hàng hải Việt Nam lên thành Tổng cục Hàng hải Việt Nam, qua đó xác định rõ địa vị pháp lý, những nội dung phân cấp cho cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hàng hải, quy định cụ thể mối quan hệ giữa Tổng cục Hàng hải với cảng vụ hàng hải, các lực lượng, tổ chức có liên quan, thực hiện minh bạch trách nhiệm, quyền hạn của mỗi tổ chức, cá nhân, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước chuyên ngành này ở cả Trung ương và địa phương.

Đóng mới, sửa chữa tàu biển phải đi đôi với bảo vệ môi trường

Về việc bổ sung quy định về đóng mới, sửa chữa tàu biển, ĐB Đặng Đình Luyến (Khánh Hòa) cho rằng, việc bổ sung quy định về đóng mới, sửa chữa tàu biển vào dự thảo Bộ luật Hàng hải lần này nhằm tạo cơ sở pháp lý đưa các hoạt động này đi vào nề nếp, nâng cao hiệu lực trong việc đóng mới và sửa chữa tàu biển. Tuy nhiên, đối với việc phá dỡ tàu biển, cần cân nhắc không nên đưa vấn đề này vào, bởi nếu có quy định này trong luật sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhập tàu cũ, hỏng của nước ngoài về tháo dỡ tại Việt Nam, gây ô nhiễm môi trường.

Trong khi đó, ĐB Thân Đức Nam (TP Đà Nẵng) bày tỏ tán thành việc đưa quy định về việc đóng mới, hoán cải tàu biển, sửa chữa và phá dỡ tàu biển. Tuy nhiên, cần phải đưa nguyên tắc của hoạt động này trong Bộ luật Hàng hải thống nhất với các quy định của Luật Bảo vệ môi trường, Luật Đầu tư. Trong đó, cần có quy định bổ sung điều kiện riêng của những cơ sở sửa chữa và phá dỡ tàu cũ, đảm bảo tính khả thi, minh bạch theo hướng vừa tạo điều kiện cho phát triển đội tàu Việt Nam về số lượng, chất lượng con tàu, tránh để xảy ra tình trạng nhập khẩu phế thải vào Việt Nam, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường, gây thiệt hại về kinh tế./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam