Hiệu quả mô hình nhóm truyền thông cho phụ nữ mang thai về làm mẹ an toàn/KHHGĐ tại các huyện miền núi

(NTO) Được thành lập từ năm 2011, mô hình Nhóm truyền thông cho phụ nữ mang thai về làm mẹ an toàn-kế hoạch hóa gia đình (LMAT/KHHGĐ) tại các huyện miền núi bước đầu đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận.

Từ nguồn hỗ trợ của Dự án UNFPA về xây dựng chiến lược LMAT, mô hình nhằm hỗ trợ tuyên truyền về việc chăm sóc sức khỏe sinh sản, LMAT/KHHGĐ…cho đồng bào dân tộc thiểu số. Để mô hình hoạt động hiệu quả, dự án thành lập các nhóm truyền thông nhỏ gồm các phụ nữ mang thai, những chị em trong độ tuổi sinh đẻ tại ở các xã Phước Bình, Phước Tân, Phước Hòa ( Bác Ái), Phước Chiến, Bắc Sơn (Thuận Bắc), Ma Nới, Hòa Sơn (Ninh Sơn). Đến nay, toàn tỉnh đã thành lập và duy trì 30 nhóm truyền thông. Các nhóm tổ chức sinh hoạt định kỳ 1 lần/tháng. Thông qua các tờ rơi có nội dung ngắn gọn, hình ảnh dễ hiểu, người nhóm trưởng tổ chức hướng dẫn cho phụ nữ mang thai, phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ cách LMAT, hỗ trợ thực hành những hành vi có lợi cho sức khỏe của bản thân, gia đình và cộng đồng; trách nhiệm của người chồng khi vợ mang thai, các biện pháp thực hiện KHHGĐ...

Là địa phương còn nhiều khó khăn, xã Phước Hòa (Bác Ái) từ lâu vẫn tồn tại nhiều tập tục lạc hậu, người dân ít đến sinh ở cơ sở y tế. Tuy nhiên, thông qua các buổi sinh hoạt, chị em đã hiểu được lợi ích của việc sinh con tại cơ sở y tế và tác hại của việc sinh con tại nhà. Toàn xã hiện có 4 nhóm truyền thông, với 60 thành viên, đều đặn mỗi tháng các chị tổ chức sinh hoạt định kỳ 1 lần. Chị Goll-how Kim Tuyết, cán bộ chuyên trách dân số xã Phước Hòa cho biết: Thông qua các nhóm truyền thông về LMAT, hầu hết chị em trong xã đã hiểu được lợi ích của việc sinh con tại cơ sở y tế, biết cách chăm sóc sức khỏe trước, trong khi mang thai, sau sinh và thực hiện KHHGĐ. Số phụ nữ đến sinh con tại các cơ sở y tế do vậy cũng tăng lên. Từ đầu năm đến nay, có gần 80% phụ nữ đến sinh tại các cơ sở y tế, riêng những phụ nữ sinh tại nhà đều có cô đỡ thôn hỗ trợ.

Chị Phạm Thị Cẩm Vân, Phó Chi cục Trưởng Chi cục Dân số tỉnh cho biết: Qua hơn 3 năm hoạt động, mô hình truyền thông cho phụ nữ mang thai về LMAT/KHHGĐ đã đem lại hiệu quả thiết thực, giúp nâng cao nhận thức, chuyển đổi hành vi của đồng bào dân tộc thiểu số. Mô hình góp phần giảm tỷ lệ sinh tại nhà; giảm tỷ lệ sinh thông qua việc thực hiện KHHGĐ, góp phần nâng cao chất lượng dân số tại các huyện miền núi.