Chuyển giao kinh nghiệm chính quyền điện tử cho 17 địa phương

Mô hình chính quyền điện tử giúp Đà Nẵng hiện đại hóa nền hành chính công cũng kì vọng được ứng dụng thành công tại các địa phương, góp phần hoàn thành tiến trình xây dựng Chính phủ điện tử của Việt Nam.

Chiều 24-7, Sở Thông tin và Truyền thông (TTTT) TP Đà Nẵng đã thực hiện chuyển giao mô hình Chính quyền điện tử (CQĐT) của Đà Nẵng cho Sở TTTT 17 tỉnh, thành trong cả nước theo tinh thần Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 3/1/2015 của Chính phủ về việc nhân rộng mô hình hệ thống thông tin CQĐT Đà Nẵng.

Ảnh: VGP/Hồng Hạnh

Cụ thể, Đà Nẵng sẽ chuyển giao tài liệu Kiến trúc tổng thể CQĐT TP Đà Nẵng, gồm tài liệu mô tả chi tiết về kiến trúc nghiệp vụ, ứng dụng, dữ liệu cũng như kỹ thuật, an toàn an ninh thông tin, dịch vụ và các tiêu chuẩn.

Đồng thời, các sở TTTT cũng được cung cấp và hướng dẫn mô tả hạ tầng CNTT như hạ tầng kỹ thuật TP (mạng LAN, trung tâm dữ liệu, mạng wifi công cộng); trung tâm thông tin dịch vụ công, trung tâm đào tạo và nghiên cứu ứng dụng CNTT; tài liệu mô tả nền tảng ứng dụng chính quyền điện tử Đà Nẵng Egovplatform và các ứng dụng quan trọng được tích hợp trong nền tảng này như cổng xác thực, ứng dụng Một cửa điện tử, ứng dụng Quản lý văn bản và điều hành, ứng dụng Quản lý hộ tịch, các dịch vụ công trực tuyến.

Bên cạnh việc cung cấp các dữ liệu liên quan, Sở TTTT Đà Nẵng sẽ tiến hành khảo sát thực tế và hỗ trợ các địa phương xây dựng kiến trúc tổng thể CQĐT cũng như các dịch vụ liên quan vào quí III/2015.

Theo đánh giá của Bộ TTTT, mô hình CQĐT Đà Nẵng có thành phần cơ bản là nền tảng ứng dụng DNG eGov Platform đã tạo ra một hệ thống ứng dụng CQĐT toàn diện, thống nhất, tích hợp cho cán bộ, người dân và doanh nghiệp. DNG eGov Platform hướng dẫn việc bảo đảm các ứng dụng được phát triển với công nghệ thích hợp, tăng cường chia sẻ nguồn lực và tích hợp dữ liệu, khả năng đáp ứng các thay đổi về các qui trình nghiệp vụ cũng như các tiến bộ công nghệ trong tương lai.

Mô hình CQĐT Đà Nẵng cho phép triển khai nhanh các dịch vụ công trực tuyến mức độ cao với chi phí thấp. Trong đó, trong 2 năm 2013-2014, Đà Nẵng đã triển khai thêm khoảng 400 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3-4 với chi phí phát triển bình quân giảm 50% tính trên mỗi dịch vụ. Mức độ hài lòng với chất lượng cung ứng dịch vụ hành chính công cũng đạt hơn 98%.

Mô hình trên cũng góp phần hiện đại hóa nền hành chính công của TP. Qua đó, đưa Đà Nẵng trở thành địa phương đứng đầu về chỉ số sẵn sàng và phát triển ứng dụng CNTT (ICT Index) 6 năm liên tiếp của cả nước; xếp thứ nhất về chỉ số cải cách hành chính 2 năm liên tiếp và nhiều giải thưởng quốc tế như eAsian Award 2013 và WeGo 2014 về thu hẹp khoảng cách CNTT…

Nguồn www.chinhphu.vn