Quản lý trật tự xây dựng: Cần có giải pháp căn cơ

(NTO) Trong những năm qua, cùng với sự phát triển đi lên của tỉnh, nhiều công trình xây dựng mới ngày càng khang trang, hiện đại. Đi đôi với quá trình đô thị hóa, các công trình xây dựng nhà ở không phép, sai phép, vi phạm quy hoạch xây dựng cũng diễn ra khá phổ biến.

Vi phạm nhiều nhưng xử lý chưa nghiêm

Thực hiện Chỉ thị số 32/2008/CT-UBND ngày 31-12-2008 của UBND tỉnh về “Tăng cường và nâng cao hiệu quả công tác xử lý vi phạm trật tự đô thị trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận”, từ năm 2009 đến nay, các huyện, thành phố đã xử lý 1.394 trường hợp xây dựng vi phạm quy hoạch xây dựng và quy hoạch sử dụng đất. Thanh tra Sở Xây dựng đã kiểm tra và phát hiện 428 trường hợp xây dựng nhà ở vi phạm trật tự xây dựng. Tuy nhiên, việc kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng tại các địa phương hầu hết chỉ dừng lại ở hình thức phạt tiền, còn công trình xây dựng vẫn cứ tồn tại. Trong tổng số 1.394 công trình vi phạm chỉ có 21 trường hợp bị tháo dỡ. Không chỉ xây dựng trái phép, việc chấp hành quyết định xử phạt của người vi phạm vẫn không được thực thi. Đa số quyết định xử phạt vi phạm hành chính đã được ban hành nhưng người dân không chấp hành việc nộp tiền phạt và thực hiện các biện pháp khắc phục cho đến khi quyết định hết hiệu lực thi hành. Riêng UBND thành phố Phan Rang-Tháp Chàm hiện có 677 trường hợp có Quyết định xử phạt vi phạm hành chính, nhưng chỉ có 164 trường hợp đã nộp tiền phạt, còn lại 503 trường hợp không chấp hành. Đối với các huyện, công tác quản lý quy hoạch về trật tự xây dựng cũng chưa được quan tâm đúng mức, nên kết quả kiểm tra, xử lý chưa thể hiện đúng thực trạng vi phạm ở địa phương. Mặc dù, đến nay, hầu hết các xã trên địa bàn tỉnh đã có quy hoạch chi tiết xây dựng (tỷ lệ 1/500) được phê duyệt và công bố để các địa phương có cơ sở quản lý, nhưng đa số các địa phương chưa thực hiện việc cắm mốc và quản lý theo quy hoạch.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến công tác quản lý trật tự xây dựng còn nhiều bất cập, trước hết phải thấy rằng, do công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về xây dựng, đất đai từ trước đến nay tại các địa phương chưa được thường xuyên. Mặt khác, đội ngũ làm công tác quản lý chuyên môn chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm của mình. Công tác phát hiện và xử lý công trình vi phạm trật tự xây dựng tại các địa phương thời gian qua không kịp thời, chưa đồng bộ, thiếu kiên quyết, còn nể nang và thiếu tính răn đe. Công tác kiểm tra việc chấp hành quyết định xử phạt của địa phương đối với các trường hợp vi phạm thiếu chặt chẽ.

Cần xử lý, ngăn chặn từ “gốc”

Để thiết lập trật tự kỷ cương, tạo chuyển biến trong quản lý xây dựng, UBND tỉnh đã chỉ đạo và ban hành nhiều văn bản thực hiện việc quản lý trật tự xây dựng như Chỉ thị 32; ban hành quy chế phối hợp trong kiểm tra, xử lý vi phạm trật tự xây dựng, theo đó có sự phân công, phân cấp và giao trách nhiệm cụ thể cho các sở, ngành liên quan. Với sự nỗ lực của các địa phương, thời gian qua, người dân đã dần có ý thức chấp hành pháp luật về xây dựng và xác định được quyền lợi, nghĩa vụ của mình khi xin cấp phép xây dựng. Thể hiện ở việc số lượng giấy phép xây dựng nhà ở năm sau cao hơn năm trước, tình hình xây dựng vi phạm chỉ giới giảm.

Tuy nhiên, tình trạng xây dựng không phép, sai phép vẫn diễn ra khá phức tạp, đòi hỏi các cấp chính quyền phải tập trung hơn nữa nguồn lực, sự quan tâm phối hợp nhằm tăng cường và nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý trật tự xây dựng. Trong đó, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền đến người dân tại các xã, phường để mọi người nhận thức đầy đủ và chấp hành; chú trọng công tác củng cố, bố trí lực lượng làm công tác quản lý trật tự xây dựng, thành lập bộ phận chuyên trách về công tác quản lý trật tự xây dựng, đất đai của địa phương nhằm phát hiện, ngăn chặn và xử lý việc vi phạm trật tự xây dựng ngay từ đầu ở cơ sở, hạn chế phá dỡ công trình vi phạm gây thiệt hại và lãng phí cho xã hội và người dân. Đối với thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, đi đôi với công tác lập quy hoạch xây dựng, lập quy chế quản lý kiến trúc đô thị, cần rà soát các quy hoạch xây dựng trên địa bàn; điều chỉnh lập mới quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500, nhất là khu vực đất nông nghiệp nằm xen trong các quy hoạch chỉnh trang đô thị để giải quyết nhu cầu đất ở cho người dân và thuận lợi cho công tác quản lý trật tự xây dựng, cấp giấy phép xây dựng. Các huyện gắn việc quản lý trật tự xây dựng với thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới của địa phương, bám sát quy hoạch chi tiết xây dựng đã phê duyệt, tiến hành việc cắm mốc quy hoạch để các địa phương có cơ sở quản lý quy hoạch và cấp giấy phép xây dựng cho người dân.

Đồng chí Võ Đại, Phó Chủ tịch UBND tỉnh

Tình trạng xây dựng trái phép hiện nay rất lộn xộn và “nóng”. Để quản lý tốt cần có sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất của các sở, ngành, địa phương. Trong đó Sở Tài nguyên & Môi trường và Sở Xây dựng có vai trò định hướng và quản lý quy hoạch. Các địa phương được phân cấp quản lý cần phát huy vai trò, trách nhiệm, nắm vững quy hoạch và các quy định, có sự nhuần nhuyễn, linh động trong việc cấp phép xây dựng cho người dân. Trường hợp chưa đủ điều kiện cấp phép xây dựng thì xem xét cấp phép tạm để vừa tạo điều kiện cho người dân, vừa làm tốt công tác quản lý. Tránh tình trạng dân không xin được giấy phép xây dựng phải xây dựng trái phép. Trường hợp khó khăn, vướng mắc, báo cáo cơ quan chức năng cho ý kiến để kịp thời tháo gỡ.

Ông Bùi Văn Lai, Chánh Thanh tra Sở Xây dựng:

Qua thực tế cho thấy, các phường, xã sau khi phát hiện vi phạm, lập biên bản, ban hành quyết định đình chỉ thi công nhưng không kiên quyết tổ chức lực lượng cấm thi công và cưỡng chế phá dỡ công trình vi phạm. Còn có biểu hiện nể nang, ngại va chạm, thiếu tính răn đe. Trong thời gian tới, các xã, phường, thị trấn cần tăng cường công tác chỉ đạo và kiểm tra việc quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn, kịp thời ban hành các quyết định đình chỉ thi công, phá dỡ công trình xây dựng vi phạm ngay từ đầu theo Nghị định 108 của Chính phủ nhằm răn đe, giáo dục; phối hợp với lực lượng Thanh tra Xây dựng trong công tác quản lý trật tự xây dựng theo quy định.

Bà Đàng Sinh Ái Chi, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước:

Cán bộ làm công tác quản lý trật tự xây dựng tại các xã, thị trấn còn hạn chế về năng lực chuyên môn, phần lớn là kiêm nhiệm nên công tác kiểm tra, phát hiện, xử lý vi phạm trật tự xây dựng chưa được thường xuyên và kịp thời. Do đó, trong thời gian tới, bên cạnh việc công khai kịp thời quy hoạch chi tiết, tăng cường phổ biến các quy định về trật tự xây dựng, cần củng cố đội ngũ cán bộ, thường xuyên bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho cán bộ quản lý trật tự xây dựng, sớm thành lập Đội quản lý trật tự xây dựng huyện để phối hợp quản lý trật tự và quy hoạch xây dựng.

Ông Tô Công Trung, Đội trưởng Đội Quản lý Đô thị Tp. Phan Rang-Tháp Chàm:

Do quá trình đô thị hóa, nhu cầu xây dựng nhà ở ngày càng tăng, trong khi đó, nhận thức của người dân về trật tự xây dựng chưa cao, công tác kiểm tra, quản lý chưa kiên quyết nên tình trạng vi phạm về xây dựng còn khá phổ biến. Nhằm hạn chế vi phạm trong trật tự xây dựng cần tăng cường công tác tuyên truyền nâng cao ý thức pháp luật cho người dân, công bố quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 các xã, phường để người dân biết nơi nào được phép xây dựng. Mặt khác, tăng cường công tác kiểm tra của lực lượng chức năng, nhất là từ cơ sở để ngăn chặn từ đầu. Tránh tình trạng công trình đã xây dựng xong rồi mới cưỡng chế, tháo dỡ rất tốn kém, thiệt hại cho người dân.