Vấn đề hôm nay:

Giá trị của thương hiệu!

(NTO) Đã có không ít người phàn nàn khi đi mua sắm, ví như cũng là chiếc áo sơ mi với cùng chất liệu vải nhưng với thương hiệu này giá thấp nhưng thương hiệu khác giá lại tăng gấp đôi, thậm chí là gấp ba!. Có lần anh bạn làm việc ở một công ty may gia công cho doanh nghiệp xuất khẩu quần áo khá nổi tiếng của Việt Nam tâm sự rằng, làm ăn trong thời kinh tế thị trường, việc xây dựng thương hiệu rất quan trọng.

Cụ thể là cũng sản phẩm đơn vị anh làm nhưng nếu đưa ra thị trường ít được khách hàng ưa chuộng vì chưa khẳng định được “tên tuổi”, trong khi “đóng mạc” doanh nghiệp có tên tuổi thì khác hoàn toàn về sức mua cũng như giá cả cao không kém!. Không đâu xa, ngay trên địa bàn tỉnh một số mặt hàng nông sản tuy gọi là đã “xác lập” nhãn hiệu hàng hóa như nho, táo, tỏi... thế nhưng đâu phải bao giờ cũng bán được giá cao và ổn định, ngoại trừ ông Ba Mọi!. Nhiều người đã phải thán phục cách làm hay của ông nông dân Ba Mọi vì đã khép kín “quy trình” từ sản xuất đến thị trường và bán hàng tận tay người tiêu dùng.

Du khách tham quan và mua sản phẩm nho tươi tại Trang trại Ba Mọi. Ảnh: Sơn Ngọc

Không ít du khách đến Ninh Thuận cho rằng nếu chưa đến điểm “nho Ba Mọi” trên “bản đồ” du lịch của tỉnh thì coi như chưa đến Ninh Thuận!. Tất nhiên là tùy đánh giá của du khách nhưng quả thật có đến mới cảm nhận hết. Từ thái độ chân tình đón tiếp đến giới thiệu cặn kẽ từ cách trồng nho đến chế biến các sản phẩm nho sau thu hoạch và đặc sắc là mời khách thưởng thức từng sản phẩm... của chính ông chủ Ba Mọi. Cái hay là du khách mua sản phẩm của ông cũng được mà không mua cũng... không sao!. Chính cách làm như vậy đã “hữu xạ tự nhiên hương” và chính du khách mới là người quảng bá cho thương hiệu của ông nhanh nhất, rộng nhất, hiệu quả nhất. Đương nhiên là giá bán các sản phẩm của cơ sở ông Ba Mọi riêng phần giá trị thương hiệu cũng chiếm không dưới 50% giá thành.

Mô hình của ông Ba Mọi không phải khó làm nhưng đến nay duy nhất cũng mới chỉ có một. Vì sao?. Theo tìm hiểu của chúng tôi, cái chính là nhiều nông hộ chỉ nặng về sản xuất mà chưa chú ý đến “đầu ra” nên tâm lý chung là sản phẩm của cây trồng nào bán được thì đổ xô vào trồng, dễ dẫn đến hệ lụy “khủng hoảng” thừa nên tất yếu là bị ép giá, mất giá. Thử làm khảo sát nhỏ về thị trường và thương hiệu thì đa phần câu trả lời chúng tôi nhận được là không hiểu, chạy theo tâm lý “ai sao tôi vậy!”. Một số ít cho rằng có biết nhưng không đủ nguồn lực từ quy mô sản xuất, vốn liếng đến tiếp cận thị trường nên... làm nhỏ lẻ cho chắc!...

Để tỉnh ta ngày càng có nhiều ông nông dân Ba Mọi trong làm ăn luôn là mong muốn nhưng điều đầu tiên là cơ quan chức năng cần phải giúp “cầm tay chỉ việc” thì mới mong đạt được và ngay chính các nông hộ cũng cần thay đổi tư duy sản xuất gắn với thị trường. Phương châm:”Cung cấp những sản phẩm thị trường cần chứ không phải cung cấp cho thị trường những sản phẩm nông dân có” xem ra đến nay cũng rất cần được nông dân chú trọng.