CHUYỆN NHƯ ĐÙA:

Chiếc cầu mới, nỗi lo cũ

(NTO) Quê mình mới đưa vào sử dụng cây cầu An Đông, nối liền phường Mỹ Đông của thành phố tỉnh lỵ với xã An Hải của một huyện. Cầu quá xá đẹp, bọn trẻ quê mình có đứa còn đòi lấy hình ảnh cây cầu dây văng đầu tiên làm biểu tương của tỉnh, cũng xứng đáng thôi!

Phải nói chiếc cầu là niềm tự hào, là ước mơ ngàn đời của người dân trong tỉnh nói chung và cù lao nhỏ bé Phú Thọ quê mình nói riêng. Gọi là khu phố 12 hay là thôn cũng được, Phú Thọ là một bộ phận không thể tách rời của phường Đông Hải. Làng chài ven biển này chỉ cách thành phố cái cửa sông dài hơn cây số. Nhưng, như ông bà mình nói “gần nhà mà xa ngõ…”. Đúng vậy! Muốn về thành phố thì phải bơi thúng sang… sông, còn muốn kết hợp công chuyện trên…thành phố, phải đi ô tô, xe máy , thì buộc đi đường…vòng vèo lên xã An Hải, qua cầu Đạo Long, rồi men theo con sông Dinh về lại, mất ngót ngét mười mấy cây số; Nhớ lại mà tội các giáo viên, ra trường được phân công tác tại thành phố, mừng hơn…trúng số, nhưng ai dè lại về ngay trường Phú Thọ, le lưỡi luôn. Thà ở huyện còn hơn, nhưng vì yêu nghề nên kiên cường bám trụ mãi tới hôm nay thì được…ông bà thương (?) Đỡ khổ! Đó là còn chưa kể hết sự mừng vui của người dân biển. Có được mớ tôm cá, cần bán, phải…dặm trường cực khổ. Cho nên cây cầu mới đã thực sự “đổi đời” người dân bên kia sông!

Một góc cầu An Đông về đêm. Ảnh: Sơn Ngọc

Kể từ buổi lễ khánh thành, đưa chiếc cầu vào sử dụng, niềm vui vỡ oà, người dân Phú Thọ hầu như ngày nào cũng tổ chức…ăn mừng sự kiện. Chiều nào cũng thế, đám thanh niên mang rượu bia ra đường dẫn lên cầu bày ra ăn nhậu, người lớn và trẻ con thì lên cầu hóng gió, ngồi “tám”, có khi lại bày biện cơm nước ra ăn uống, xe cộ đậu đỗ bừa bãi, lộn xộn, trẻ con chạy nhảy qua lại trên cầu, chưa kể các “cụ trẻ” khi “xỉn” rồi, bày trò đua xe, “anh hùng xa lộ”, cầu mới đường láng, lạng lách vô tư, nguy hiểm không kể xiết!

Còn nữa. Khu vực ngày xưa là đất hoang, bồi bãi, nghĩa địa…, chả ai đoái hoài. Nhưng bây giờ, ngay tại chân cầu, đất đai bờ bụi, khỉ ho cò gáy, coi như là vô chủ trước đây, nay đã thành đất vàng, người dân quanh vùng đã ra chiếm dụng ráo trọi, rồi “sang tay”, rồi dựng nhà, mở quán…Mới hơn tuần mà đã hình thành “góc phố” với đầy đủ cà phê, ka-rao-ô-kê, ăn nhậu…thật nhộn nhịp còn hơn phố thị. Xóm làng không còn “bình yên” như trước rồi!

Như một hệ luỵ, đã có nguyên nhân thì phải có kết quả (hay hậu quả). Đã có những vụ tai nạn giao thông xãy ra, đã có nhiều vụ xô xát, ẩu đả do tranh chấp đất đai hoặc do băng nhóm tranh giành lãnh địa làm ăn…

Phú Thọ và vùng lân cận đâu phải là vùng sâu, vùng xa gì cho cam nên việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho người dân xem ra “quá mỏng”. Nói tóm lại, nhiều vấn đề về môi trường, cảnh quan đô thị, an toàn giao thông, an ninh trật tự… từ khi có cây cầu mới là trách nhiệm của chính quyền các cấp.

Chiếc cầu mới nhưng vẫn còn đó nỗi lo cũ!