Nhân vật và sự kiện lịch sử trong nước ngày 19-9

* Sự kiện

- Ngày 19-9-1945: Báo Cứu Quốc đăng bài “Chính phủ là công bộc của dân” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, bút danh Chiến Thắng. Trong bài báo, Bác viết: “Chính phủ đối với ta như người “anh cả” trong gia đình, một đồng chí phụ trách trong một địa phương, một người đứng mũi chịu sào ta có thể vững lòng trông cậy và gửi số mệnh vào. Người xưa nói: Quan là công bộc của dân, ta cũng có thể nói: Chính phủ là công bộc của dân vậy. Các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu cầu tự do hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh... Nói tóm lại,... ủy ban nhân dân là ủy ban có nhiệm vụ thực hiện tự do dân chủ cho dân chúng. Nó phải hành động đúng tinh thần tự do dân chủ đó”.

- Ngày 19-9-1954: Bác Hồ về thăm Đền Hùng (Phú Thọ). Sau ngày thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã về Phú Thọ, thắp hương viếng các Vua Hùng và gặp gỡ cán bộ, chiến sỹ Đại đoàn quân Tiên Phong giao nhiệm vụ trước khi về tiếp quản Thủ đô. Bác khẳng định nhiệm vụ tiếp quản Thủ đô của Đại đoàn quân Tiên phong là rất quan trọng và vinh dự. Bác căn dặn: Khi vào tiếp quản Thủ đô phải giữ gìn quân phong, giữ nghiêm kỷ luật; phải đoàn kết rộng rãi, tôn trọng, gần dân và giúp đỡ Nhân dân; chú ý học tập, rèn luyện tránh xa ngã, bị cám dỗ trước những "viên đạn bọc đường". Nhiệm vụ giải phóng, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc ta còn rất nặng nề và quan trọng, Người căn dặn: “Các Vua Hùng đã có công dựng nước/ Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

- Ngày 19-9-1969: Ngày thành lập Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh. Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là một trong những di tích đặc biệt quan trọng trong hệ thống các di tích lịch sử-văn hóa ở nước ta. Chính tại nơi đây, từ năm 1954 -1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc, đã cùng Bộ Chính trị, Chính phủ lãnh đạo đất nước, vừa xây dựng hậu phương lớn xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, vừa trực tiếp lãnh đạo cuộc chiến đấu chống Mỹ, cứu nước ở tiền tuyến lớn miền Nam. Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh rộng 14 ha, bao gồm nhiều công trình được chia làm 3 khu: A, B, C. Trong số các di tích chính ở đây phải kể đến ngôi nhà Bác ở từ 1954, căn phòng họp Bộ Chính trị, nhà sàn, ao cá bác Hồ, nhà tiếp khách của Thủ tướng Chính phủ và ngôi nhà 3 tầng của các thành viên Chính phủ làm việc, nhà tiếp khách Phủ Chủ tịch và sân vườn xung quanh… Đây mãi mãi là một địa danh lịch sử - văn hóa để các thế hệ người Việt Nam thưởng thức và tự hào.

- Ngày 19-9-1992: Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa IX bầu các vị lãnh đạo cấp cao, Nhà nước; thông qua 4 Luật Tổ chức bộ máy Nhà nước mới (Quốc hội, Chính phủ, Toà án, Viện Kiểm sát); Quyết định cơ cấu tổ chức Chính phủ và phê duyệt đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc bổ nhiệm các Phó Thủ tướng, các Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ.

- Ngày 19-9-1995: Việt Nam trở thành thành viên của AIPO (nay là AIPA). Tại Singapore, trong phiên khai mạc Đại hội đồng, Tổ chức liên nghị viện Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (AIPO), nay là Hội đồng liên nghị viện Hiệp hội các nước Đông Nam Á (AIPA), đã kết nạp Việt Nam là thành viên chính thức. Ngay sau khi gia nhập, nước ta đã chủ động tham gia các hoạt động của tổ chức, tích cực triển khai thực hiện các chương trình hành động và nghị quyết của AIPA, đồng thời đưa ra nhiều sáng kiến có giá trị nhằm chia sẻ và hỗ trợ chính phủ các nước ASEAN giải quyết những vấn đề ưu tiên của khu vực.

* Nhân vật

- Ngày 19-9-1442: Ngày mất anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa thế giới Nguyễn Trãi. Nguyễn Trãi sinh năm 1380, tên hiệu là Ức Trai, quê ở Nhị Khê, Thường Tín, Hà Tây (nay là Hà Nội). Ông có công lớn giúp Lê Lợi chiến thắng quân Minh xâm lược, đồng thời là bậc khai quốc công thần, xây đắp vương triều Lê trong buổi ban đầu. Ông là một nhà văn hóa xuất sắc của Việt Nam. Ông có những tác phẩm tiêu biểu: Bình Ngô đại cáo, Ức Trai thi tập, Quân trung từ mệnh tập... Năm 1980, tổ chức Văn hóa, Khoa học và Giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) đã ghi nhận ông là danh nhân văn hóa và được kỷ niệm trên toàn thế giới.

- Ngày 19-9-1900: Ngày sinh của Nhà vua Duy Tân. Vua Duy Tân tên thật là Nguyễn Phúc Vĩnh San, quê ở Huế, là con trai thứ năm của vua Thành Thái và bà Nguyễn Thị Định. Ông là vị vua yêu nước, có tinh thần dân tộc. Vua Duy Tân mất năm 1945.

Theo TTXVN