Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII:

Những dấu ấn từ nền kinh tế

(NTO) Qua 5 năm thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ do Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII đề ra, Đảng bộ và Nhân dân trong tỉnh đã có nhiều nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn, thử thách, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo huy động nhiều nguồn lực cho đầu tư phát triển. Kinh tế tiếp tục ổn định và tăng trưởng cao hơn giai đoạn trước với tổng sản phẩm nội tỉnh tăng bình quân 11,2%/năm, cao hơn 0,9% so giai đoạn 2006 - 2010.

Thu ngân sách ước đạt 1.800 tỷ đồng, tăng gấp 2,03 lần; thu nhập bình quân đầu người tăng gấp 2,45 lần so năm 2010. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt trên 33.155 tỷ đồng, bằng 1,95 lần so giai đoạn trước. Cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch đúng hướng: giảm tỷ trọng nông nghiệp từ 41,9% xuống còn 36,3%, công nghiệp xây dựng tăng từ 22% lên 24,8%, dịch vụ từ 36,1% lên 38,9% so với năm 2010.

Nhà máy Bia Sài Gòn- Ninh Thuận hoạt động hiệu quả, góp phần tăng trưởng kinh tế địa phương. 

Dấu ấn đầu tiên là lĩnh vực phát triển công nghiệp. Với chủ trương phát triển công nghiệp chế biến làm động lực và chuyển dịch cơ cấu kinh tế đạt kết quả bước đầu, giá trị ngành công nghiệp tăng bình quân 17,9%/ năm, cao hơn nhiều so với chỉ số 11,2%/ năm của giai đoạn 2006 – 2010, trong đó, tỷ trọng công nghiệp chế biến chiếm 85%. Năng lực sản xuất mới ngành công nghiệp tăng, các sản phẩm có lợi thế được phát huy; nhiều dự án công nghiệp như Nhà máy bia, chế biến tôm xuất khẩu Thông Thuận, dệt may Quảng Phú, chế biến rau câu, bao bì, thủy điện... hoàn thành đưa vào sản xuất đã thúc đẩy nhịp độ tăng trưởng đáng kể của ngành. Phát triển năng lượng sạch là trọng tâm nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế mới được quan tâm chỉ đạo. Đã hoàn thành quy hoạch phát triển điện gió, thu hút 15 dự án đầu tư với tổng công suất 1.009MW. Đến nay đã có 01 dự án điện gió Công Hải được khởi công. Hệ thống lưới điện tiếp tục đầu tư, bảo đảm cấp điện phục vụ cho nhu cầu sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng, đến nay đã có 100% số xã có lưới điện và 99% số hộ được dùng điện lưới quốc gia.

Tiểu thủ công nghiệp và làng nghề được duy trì và phát triển ổn định, tiếp tục hỗ trợ phát triển các ngành nghề thông qua việc thực hiện các chương trình xúc tiến thương mại; liên kết, hợp tác để mở rộng thị trường tiêu thụ, giá trị sản xuất tăng 10,5%/năm, chiếm 18% giá trị ngành công nghiệp.

Nhà máy Sản xuất khăn bông Quảng Phú hoạt động hiệu quả góp phần phát triển kinh tế địa phương

Góp phần đáng kể vào thành tựu chung của nền kinh tế đó là phát triển sản xuất nông nghiệp và kinh tế nông thôn. Những năm qua tỉnh ta đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, sản xuất nông nghiệp đạt được kết quả quan trọng, tiếp tục nâng cao chất lượng tăng trưởng, đẩy mạnh sản xuất hàng hóa, nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả. Giá trị sản xuất toàn ngành tăng 7,6%, vượt chỉ tiêu kế hoạch; cơ cấu nội bộ ngành chuyển dịch tích cực theo hướng tăng tỷ trọng thủy sản từ 34,9% năm 2010 lên 49,4% vào năm 2015 và giảm tỷ trọng nông - lâm nghiệp từ 65,1% xuống còn 50,6%. Thực tế rất đáng ghi nhận là nhờ tập trung chỉ đạo, triển khai đồng bộ các giải pháp chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chương trình giống, nhân rộng mô hình sản xuất mới gắn với phát huy hiệu quả các công trình thủy lợi đã đầu tư, góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp phát triển; giá trị sản xuất đạt 85 triệu đồng/ha, tăng 28 triệu đồng/ha so với năm 2010. Hình thành các vùng sản xuất hàng hóa phục vụ công nghiệp chế biến. Bước đầu đã triển khai, áp dụng khoa học, công nghệ cao vào sản xuất, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, theo hướng sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGap...

Ngành Nông nghiệp - PTNT đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng sản xuất nông nghiệp,
nhân rộng các mô hình sản xuất có hiệu quả; tăng cả về diện tích, năng suất và sản lượng.

Về chăn nuôi đã phát triển theo quy mô trang trại tập trung gắn với đồng cỏ, hiện có 23 trang trại, chiếm 23,2% tổng đàn. Thủy sản phát triển khá toàn diện, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền, an ninh trên biển. Trong 5 năm qua, giá trị sản xuất tăng bình quân 9,2%/năm. Năng lực khai thác hải sản tiếp tục được đầu tư theo hướng nâng công suất, đầu tư trang thiết bị hiện đại để khai thác xa bờ. Đến nay, tàu thuyền có công suất lớn trên 90 CV chiếm 33,4% về số lượng và 88,3% về công suất; sản lượng khai thác tăng bình quân 5,1%/năm, từng bước đáp ứng nhu cầu nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Thực hiện có hiệu quả chủ trương xây dựng Ninh Thuận thành trung tâm tôm giống chất lượng cao của cả nước...

Chủ trương xây dựng nông thôn mới được tập trung chỉ đạo, đã hoàn thành quy hoạch cho 100% xã và lập 3 loại quy hoạch chi tiết cho 11 xã điểm. Các chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, sắp xếp dân cư... được chú trọng thực hiện đã góp phần phát triển khu vực nông thôn, cải thiện môi trường, nâng tỷ lệ hộ được cấp nước sinh hoạt từ 75% lên 87%, số hộ gia đình có công trình hợp vệ sinh từ 57% tăng lên 70%.

Trong giai đoạn 2011 - 2015, tỉnh đã ưu tiên các nguồn vốn đầu tư hoàn thành 8 công trình thủy lợi như: hồ Lanh Ra, hồ Sông Biêu, hồ Bà Râu, 5 hồ chứa thuộc hệ thống thủy lợi nhỏ và vừa với tổng dung tích 66,5 triệu m3; đầu tư 200 km kênh mương; thực hiện giải pháp liên thông giữa các hồ, từng bước phát huy hiệu quả, nâng tổng số diện tích được chủ động tưới toàn tỉnh đạt 34.791 ha, chiếm tỷ lệ 49,7%. Đã đầu tư 15 công trình giảm nhẹ thiên tai với 23 km đê, kè chống sạt lở ở vùng xung yếu, ven biển, ven sông, bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản cho Nhân dân trong mùa mưa bão.

Hồ chứa nước Lanh Ra (Ninh Phước) với dung tích gần 14 triệu m3
phục vụ tưới hơn 1.700 ha đất nông nghiệp trên địa bàn xã Phước Vinh, huyện Ninh Phước.

Lĩnh vực du lịch, dịch vụ và thương mại phát triển khá. Thông qua các hoạt động quảng bá, xúc tiến, kêu gọi đầu tư đã thu hút nhiều nhà đầu tư tham gia triển khai các dự án du lịch có chất lượng cao, phục vụ nhu cầu nghỉ dưỡng của khách quốc tế và nội địa. Đến năm 2015, đạt trên 1,5 triệu lượt khách, tăng gấp 2,15 lần so với năm 2010, tăng bình quân 16,2%/năm. Ngành dịch vụ tăng trưởng đã góp phần chiếm tỷ trọng 38,9% GDP của tỉnh.

Hạ tầng thương mại được quan tâm đầu tư, mạng lưới thương mại được mở rộng; công tác thu hút xã hội hóa trong đầu tư chợ và các loại hình kinh doanh hàng hóa, dịch vụ theo hướng văn minh hiện đại được chú trọng và phát triển. Đã có 65 dự án đầu tư với tổng vốn 4.187 tỷ đồng, tăng 2,7 lần so giai đoạn trước. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ năm 2015 ước đạt 14.240 tỷ đồng, gấp 2,2 lần so với năm 2010, tăng trưởng bình quân 17,3%/năm. Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, Chương trình “Đưa hàng Việt về nông thôn” được quan tâm chỉ đạo triển khai, đạt kết quả tích cực, đáp ứng tốt hơn nhu cầu tiêu dùng của Nhân dân vùng nông thôn, miền núi, vùng sâu, vùng xa...

Công tác quản lý nhà nước và thực hiện các chính sách tiền tệ, tín dụng trên địa bàn bảo đảm chặt chẽ theo chỉ đạo của Ngân hàng nhà nước góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hệ thống chi nhánh ngân hàng hoạt động an toàn, ổn định và hiệu quả. Các ngân hang thương mại đã huy động vốn ước đạt 8.000 tỷ đồng, tăng bình quân 18,7%/năm, qua đó đầu tư vào nền kinh tế của tỉnh đạt 12.000 tỷ đồng vào năm 2015, tăng bình quân 19,8%/năm.

Qua 5 năm, hệ thống các ngân hàng thực hiện các chính sách tiền tệ, tín dụng trên địa bàn bảo đảm chặt chẽ,
góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Trong ảnh: Nhân viên Chi nhánh Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Ninh Thuận giao dịch với khách hàng.Ảnh: Văn Miên

Góp phần quan trọng làm thay đổi “bộ mặt” nền kinh tế của tỉnh phải kể đến kinh tế đối ngoại và phát triển các thành phần kinh tế. Những năm qua, thực hiện chủ trương chủ động trong hội nhập quốc tế, tận dụng những cơ hội mang lại, tập trung thu hút đầu tư tạo nguồn lực quan trọng phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh, trong 5 năm, trên địa bàn tỉnh có 32 dự án ODA được triển khai thực hiện với tổng vốn 4.330 tỷ đồng, góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng các lĩnh vực giao thông, thuỷ lợi, y tế, giáo dục và dạy nghề. Đồng thời đã vận động 70 dự án viện trợ phi Chính phủ với tổng giá trị 13 triệu USD chủ yếu tập trung vào các lĩnh vực giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ giáo dục, phát triển cộng đồng. Chủ trương hợp tác phát triển giữa tỉnh với thành phố Hồ Chí Minh, các tỉnh duyên hải miền Trung, các tập đoàn, tổng công ty và các trường đại học trong, ngoài nước đạt hiệu quả tích cực. Môi trường đầu tư của tỉnh tiếp tục cải thiện, tạo thuận lợi cho đăng ký và phát triển sản xuất kinh doanh. Số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tăng cả về số lượng và quy mô, hoạt động đa ngành nghề. Đến nay, toàn tỉnh có 1.302 doanh nghiệp thành lập mới và đang hoạt động, vốn đăng ký gần 9.284 tỷ đồng, tăng gấp 1,8 lần về doanh nghiệp, tăng gấp 2,1 lần về vốn đăng ký so với giai đoạn 2006 - 2010. Đối với các thành phần kinh tế, đã cấp giấy chứng nhận đầu tư cho 145 dự án với tổng vốn đăng ký 26.509 tỷ đồng, chiếm 57,3% số dự án và 51,7% số vốn được cấp từ trước tới nay. Đã có 36 dự án hoàn thành đưa vào sử dụng, đóng góp đáng kể cho tăng trưởng chung của tỉnh.

Lĩnh vực đầu tư phát triển cũng đã để lại nhiều dấu ấn quan trọng. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội 5 năm ước đạt 33.155 tỷ đồng, tăng bình quân 11,8%/năm, bằng 1,95 lần so giai đoạn 2005 - 2010 Trong đó nguồn vốn ngân sách Nhà chiếm 40,4%; vốn các thành phần kinh tế và dân cư đạt chiếm 59,6%. Đáng nói là hiệu quả sử dụng nguồn vốn ngày càng được nâng cao. Cụ thể đã đầu tư 9.604 tỷ đồng cho các dự án công trình trọng điểm, trọng tâm là ưu tiên nguồn vốn đầu tư hoàn thành toàn bộ tuyến đường ven biển dài 116 km và một số tuyến đường nội thị; bệnh viện tỉnh quy mô 500 giường, bảo tàng tỉnh và 12 trường phổ thông...

Có thể nói, minh chứng rất rõ về tăng trưởng kinh tế đó là nhìn vào số thu ngân sách. Đến năm 2015 toàn tỉnh đã đạt tổng thu 1.800 tỷ đồng, vượt 100 tỷ đồng so chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội đề ra, tăng bình quân 15,3%/năm...

Khó có thể nói hết những nổ lực của tỉnh, các ngành, địa phương và Nhân dân trong tỉnh đã đồng tâm, dồn sức vì sự phát triển chung, đặc biệt là tạo sức bật mới cho tăng trưởng kinh tế. Định hướng cho giai đoạn phát triển mới, Đảng bộ tỉnh xác định: “Tập trung huy động tốt nhất và phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực thúc đẩy tăng trưởng nhanh, bền vững gắn với đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, phát huy lợi thế từng ngành, từng sản phẩm đưa quy mô nền kinh tế tăng 1,7 lần so năm 2015, tạo chuyển dịch mạnh cơ cấu kinh tế theo hướng nâng cao tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ; coi trọng phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới”. Bằng nền tảng và kinh nghiệm thực hiện của nhiệm kỳ qua, tin tưởng rằng trong chặng đường mới nền kinh tế của tỉnh tiếp tục đạt được những thành tựu mới.