Hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn của Quốc hội có tác động tích cực

Tiếp tục phiên họp thứ 41, chiều 22/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.

Báo cáo của Chính phủ tổng hợp việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015 do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình bày cho biết, từ đầu nhiệm kỳ đến hết tháng 8/2015, qua 9 kỳ họp của Quốc hội và 40 phiên họp của Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã triển khai thực hiện đầy đủ nội dung 7 nghị quyết của Quốc hội và 8 nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về giám sát chuyên đề; 7 nghị quyết Quốc hội và 6 thông báo kết luận của Ủy ban thường vụ Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn; nhận và trả lời 1.585 phiếu chất vấn bằng văn bản; trả lời 1.147 chất vấn trực tiếp. Ngay sau khi Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành nghị quyết, kết luận về giám sát, chất vấn, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai đầy đủ, kịp thời và quyết liệt nội dung các nghị quyết, kết luận. Trong quá trình thực hiện, các cơ quan được giao chủ trì từng nội dung đã chủ động phối hợp với bộ, ngành liên quan để xây dựng báo cáo, kịp thời trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền và tổ chức phục vụ hoạt động giám sát một cách chu đáo. Tại mỗi kỳ họp Quốc hội, Chính phủ đều có báo cáo gửi các vị đại biểu về tình hình thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn. Thủ tướng Chính phủ và các thành viên Chính phủ nghiêm túc thực hiện việc trả lời chất vấn trước Quốc hội, cử tri và nhân dân cả nước. Nội dung trả lời cơ bản giải đáp được các vấn đề đại biểu quan tâm chất vấn, đã xác định được trách nhiệm, đề ra các giải pháp và lộ trình thực hiện, đồng thời cung cấp thêm thông tin cần thiết đến các đại biểu. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc cần được tập trung giải quyết trong thời gian tới.

Cũng theo Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, thực hiện yêu cầu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã gửi Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban có liên quan của Quốc hội 18 báo cáo kết quả thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII đến năm 2015.

Bên cạnh đó, báo cáo của Chính phủ cũng thẳng thắn nhìn nhận, quá trình tái cơ cấu kinh tế còn chậm, đóng góp của yếu tố năng suất tổng hợp đầu vào đối với tăng trưởng còn hạn chế; tình trạng đầu tư công dàn trải và nợ đọng xây dựng; việc chấp hành các nguyên tắc, tiêu chí phân bổ vốn kế hoạch ở một số bộ, ngành, địa phương chưa nghiêm...

Về vấn đề xử lý nợ xấu, đến nay, tổng các khoản nợ xấu được xử lý ước đạt 91,4% tổng số nợ xấu tính đến thời điểm tháng 9/2012; trong đó riêng VAMC đã mua trên 200 nghìn tỷ đồng nợ xấu. Đến cuối tháng 8/2015, nợ xấu chiếm 3,2% tổng dư nợ, phấn đấu giảm về mức dưới 3% đến ngày 30/9/2015. Tuy nhiên, công tác xử lý nợ xấu vẫn còn gặp nhiều khó khăn...

Trong lĩnh vực công thương, đáng lưu ý là những biến động về khả năng cung cấp nhiên liệu và việc chậm tiến độ của nhiều dự án nguồn điện khu vực miền Nam gây nguy cơ không bảo đảm cung cấp đủ điện cho miền Nam trong các năm từ 2017 – 2020. Tình trạng ô nhiễm môi trường tại một số làng nghề, khu - cụm công nghiệp và lưu vực sông cần có thêm thời gian tiếp tục xử lý; năng lực quản lý nhà nước về kinh doanh vận tải, quản lý kỹ thuật phương tiện chưa đáp ứng yêu cầu; ùn tắc giao thông tại 2 thành phố lớn gần đây xuất hiện trở lại; chất lượng một số công trình giao thông chưa bảo đảm...

Tổ chức, bộ máy cơ quan hành chính nhà nước ở Trung ương được quản lý chặt chẽ; cơ quan chuyên môn ở địa phương tiếp tục được giữ ổn định; song cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước nhìn chung vẫn còn cồng kềnh. Tới đây, số lượng cấp phó ở các Bộ, ngành và địa phương dự kiến sẽ tiếp tục giảm trong quá trình triển khai thực hiện Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương.. Trong lĩnh vực thanh tra, tình trạng khiếu kiện đông người, nhất là liên quan đến đất đai, môi trường vẫn còn tái diễn, gây bức xúc xã hội. Một số Bộ, ngành, địa phương chưa thực hiện tốt các quy định của Luật Tiếp công dân. Việc thu hồi tài sản vi phạm, tài sản tham nhũng đạt tỷ lệ thấp.

Tổng hợp nội dung báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội về nội dung nêu trên, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết, về cơ bản, báo cáo thẩm tra của các cơ quan của Quốc hội tán thành với những đánh giá, nhận định của Chính phủ. Chính phủ đã tích cực trong việc chỉ đạo, đôn đốc thực hiện các nghị quyết. Tuy nhiên, chỉ có một số nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề được Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai, giao nhiệm vụ cho các cơ quan thực hiện, còn phần lớn các nghị quyết của Quốc hội về chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp không được Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện; không có đầu mối theo dõi, kiểm tra, đôn đốc để đảm bảo cho việc thực hiện đạt kết quả tốt dẫn tới thiếu thống nhất trong việc tổ chức thực hiện hoặc trùng lặp trong việc báo cáo thực hiện, khó kiểm tra, giám sát, đánh giá trách nhiệm của người đứng đầu có liên quan.

Báo cáo thẩm tra đã chỉ ra một số chỉ tiêu mà Quốc hội giao, Chính phủ đã thực hiện nhưng chưa đạt được đầy đủ yêu cầu. Đó là việc ban hành nghị định về phát triển công nghiệp hỗ trợ; việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật phục vụ quản lý vật tư nông nghiệp; việc xử lý các cơ sở sản xuất, làng nghề gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng và kéo dài ; việc giải quyết dứt điểm 528 vụ việc khiếu nại về đất đai phức tạp, tồn đọng, kéo dài; tiến độ phê duyệt quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; mục tiêu giảm số người chết do tai nạn giao thông... Báo cáo thẩm tra cũng nêu rõ những tồn tại trong công tác xét xử, các Tòa án chưa thực hiện đầy đủ yêu cầu theo các nghị quyết của Quốc hội, như: Vẫn còn trường hợp kết án oan người vô tội, một số loại án chưa đạt chỉ tiêu giảm ít nhất 1% tỷ lệ các bản án, quyết định bị hủy, sửa do nguyên nhân chủ quan so với năm trước; chưa khắc phục được triệt để tình trạng phạt tù nhưng cho hưởng án treo, cải tạo không giam giữ không đúng quy định của pháp luật; chưa khắc phục triệt để tình trạng bản án, quyết định tuyên không rõ ràng, gây khó khăn cho công tác thi hành án…

Cũng trong chiều 22/9, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao đã trình bày báo cáo về nội dung trên trong lĩnh vực mình phụ trách./.

Nguồn Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam