Định hướng phát triển các loại cây trồng đặc thù có ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ đến năm 2020

(NTO) Nho, táo, tỏi, hành tím là các đối tượng cây trồng đặc thù ở tỉnh ta. Để thúc đẩy phát triển sản phẩm đặc thù, tỉnh đã đề ra các chính sách hỗ trợ xây dựng, phát triển, quảng bá thương hiệu; đồng thời, chỉ đạo ngành Khoa học và Công nghệ (KH&CN) phối hợp với các huyện, thành phố triển khai các đề án nhân rộng mô hình ứng dụng tiến bộ KH-KT đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Theo báo cáo của Sở KH&CN, thời gian qua, đơn vị phối hợp với ngành Nông nghiệp triển khai 24 đề tài nghiên cứu về lai tạo giống mới, kỹ thuật canh tác, bảo quản và chế biến đối với các loại cây nho, táo, tỏi, hành tím. Kết quả nghiên cứu, ứng dụng các đề tài vào thực tế tạo bước đột phá mới, hình thành các vùng sản xuất an toàn với năng suất và chất lượng cao.

Nông dân xã Phước Vinh (Ninh Phước), áp dụng mô hình bẫy bả sinh học
phòng trừ ruồi hại trái táo, tạo ra sản phẩm sạch đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng.

Đối với cây táo, từ kết quả mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP đã tăng hiệu quả cho người trồng lên 23,3% so với sản xuất thông thường. Đến nay, có 20 hộ sản xuất táo được cấp chứng chỉ VietGAP, tạo thuận lợi cho sản phẩm thâm nhập vào những thị trường lớn như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh. Đối với cây nho, đã xây dựng hoàn chỉnh, đồng bộ hạ tầng vùng sản xuất an toàn quy mô 100 ha ở Nhơn Sơn (Ninh Sơn), Văn Hải (Tp. Phan Rang - Tháp Chàm), Khánh Hải (Ninh Hải); đồng thời, có hơn 200ha của 849 hộ được cấp Giấy chứng nhận theo tiêu chuẩn VietGAP. Riêng cây tỏi, hành tím, thông qua nguồn vốn Cạnh tranh nông nghiệp đã chuyển giao theo hướng an toàn với quy mô hàng chục ha tại xã Thanh Hải, Nhơn Hải (Ninh Hải).

Tuy nhiên, theo đánh giá của ngành chức năng, việc thực hiện chương trình ứng dụng tiến bộ KH&CN vào sản xuất nông nghiệp đối với các sản phẩm đặc thù trong những năm qua vẫn còn những hạn chế nhất định. Đó là, diện tích được áp dụng KH&KT thấp so với tiềm năng, lợi thế sẵn có. Đơn cử như, diện tích nho trên toàn tỉnh hiện nay đạt trên 1.000 ha, nhưng chỉ có khoảng 20% được sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP. Sản xuất phân tán, nhỏ lẻ, thiếu công nghệ chế biến sau thu hoạch cũng là những hạn chế cần được khắc phục.

Để tiếp tục phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao giá trị các mặt hàng nông sản đặc thù, tỉnh đã xây dựng quy hoạch vùng cây trồng chủ lực. Theo đó, giai đoạn 2016-2020 tiếp tục tập trung đầu tư các loại cây nho, táo, tỏi, hành tím có tỷ trọng hàng hóa và hiệu quả sản xuất cao; trong đó, nho, táo là cây trồng lợi thế của tỉnh sẽ xây dựng ổn định về quy mô các vùng sản xuất tập trung. Tăng cường ứng dụng tiến bộ KHKT, nhất là công nghệ sinh học vào sản xuất, thực hiện quy trình nông nghiệp tốt (GAP) nhằm đạt năng suất cao, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, nâng cao khả năng cạnh tranh, đáp ứng ngày càng cao nhu cầu của người tiêu dùng.

Đối với cây nho, để khai thác lợi thế, ngành Nông nghiệp xác định mở rộng diện tích ở những vùng không ngập úng để tăng diện tích từ 1.000 ha hiện nay lên 2.500 ha vào năm 2020. Tập trung nghiên cứu giống nho mới chất lượng cao có khả năng kháng sâu bệnh thay thế những giống nho đã thoái hóa, phấn đấu đến năm 2020 có 20% diện tích trồng nho rượu. Nghiên cứu hoàn chỉnh quy trình kỹ thuật canh tác theo hướng sản xuất nông nghiệp tốt, xây dựng quảng bá thương hiệu nho Ninh Thuận gắn với đầu tư phát triển công nghiệp chế biến rượu nho, nho khô, sơ chế bảo quản nho tươi đáp ứng nhu cầu thị trường. Phấn đấu đến năm 2020 tỷ trọng sản xuất từ cây nho chiếm 18-19% giá trị sản xuất trồng trọt, 21-22% giá trị sản xuất cây trồng chính. Cây táo quy hoạch ổn định 1.000 ha, tập trung ở huyện Ninh Phước và Tp. Phan Rang Tháp Chàm, chú trọng áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất để tăng năng suất từ 1,7%/năm giai đoạn 2011-2015 lên 2,5%/ năm giai đoạn 2016-2020. Quy hoạch cũng đề ra định hướng phát triển cây tỏi, hành tím quy mô 450 ha, sản lượng khoảng 5.000 tấn/năm, tập trung ở Tp. Phan Rang - Tháp Chàm và huyện Ninh Hải.

Đồng chí Nguyễn Tin, Trưởng Phòng Nông nghiệp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, cho biết: Giải pháp để đảm bảo phát triển các loại cây trồng đặc thù bền vững là đẩy mạnh đầu tư nghiên cứu, tạo chọn giống mới, nhất là giống nho ăn tươi, nho rượu có sức đề kháng sâu bệnh, năng suất cao. Canh tác theo hướng VietGAP để tạo ra sản phẩm đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm đáp ứng nhu cầu thị trường. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào công nghiệp chế biến rượu vang, nước giải khát để nâng cao giá trị sản phẩm. Thực hiện các chính sách ưu đãi về đất đai, hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng cho những vùng sản xuất tập trung; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ.