Chỉ tại cái bờ ruộng!

(NTO) “Vậy chớ tôi hỏi chị: cái bờ ruộng giữa hai miếng đất nhà tôi và nhà chị, giờ nó đâu rồi?”, nhân chứng là một cụ ông đã ngoài 70 tuổi “chất vấn” bị đơn. “Lời qua tiếng lại” giữa các bên liên quan trong phiên tòa dân sự sơ thẩm, do TAND Tp.Phan Rang – Tháp Chàm xét xử vào giữa tháng 9 vừa qua, khiến cho vụ việc càng lúc càng căng thẳng. Hội đồng xét xử phải nhiều lần nhắc nhở để các bên giữ trật tự, không cãi cọ trong phiên tòa. Tất cả cũng chỉ tại cái bờ ruộng!

Năm 1993, bà L.T.L. (SN 1953, trú phường Văn Hải, Tp.Phan Rang – Tháp Chàm) được giao khoán gần 2 sào đất ruộng để canh tác lúa. Vị trí thửa ruộng của bà L. nằm phía trong các thửa khác, nên trong quá trình sản xuất, gia đình bà phải đi qua một bờ ruộng dài hơn 50 mét. Bờ ruộng này là “ranh giới” của hai thửa ruộng: 1 bên là của ông P.V.C.(SN 1941, trú phường Văn Hải) và 1 bên là của bà T.T.X. (SN 1954, trú thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải), với hiện trạng ban đầu khoảng 0,5 mét bề ngang. Và đây chính là cái bờ ruộng gây ra tranh chấp, giữa bà L.T.L. và bà T.T.X.

Khoảng giữa thập niên 90 của thế kỷ trước, một số hộ dân có đất ruộng ở khu vực này muốn chuyển đổi cây trồng để tăng hiệu quả kinh tế. Vào thời điểm đó, tức cách đây gần 20 năm, địa phương đã đồng ý nguyện vọng chuyển đất trồng lúa sang làm đất vườn, với một “cam kết” rằng những hộ nào chuyển đổi đất ruộng sang đất vườn thì phải chừa khoảng 0,5 đến 0,7 mét đất, tính từ mép bờ ruộng, để “mở rộng” đường đi chung cho các hộ nông dân khác ở khu vực. Thỏa thuận này được bà con nông dân đồng tình ủng hộ, với mục đích đảm bảo quyền lợi của các hộ dân vẫn canh tác lúa ở phía trong các khu đất đã chuyển sang làm vườn, đồng thời tạo thuận lợi cho việc vận chuyển nông sản cũng như hoạt động sản xuất trên địa bàn. Thỏa thuận này tuy không thể hiện trên các văn bản, giấy tờ nhưng là sự thống nhất tự nguyện của bà con nông dân nơi đây. Do vậy, vào năm 1995, khi hộ ông P.V.C. chuyển đất ruộng sang làm vườn nho, ông đã nhường khoảng 0,7 mét đất bề ngang để làm rộng thêm bờ ruộng. “Cộng với phần đất mà tôi nhường, bờ ruộng lúc đó rộng khoảng từ 1,2 đến 1,5 mét, rất thuận tiện cho việc sản xuất của các hộ làm ruộng phía trong”, ông P.V.C. – với vai trò nhân chứng – trình bày trước tòa.

Tuy nhiên, đến cuối năm 2013, gia đình bà T.T.X. quyết định chuyển phần đất ruộng của mình sang làm vườn nho, đổ đất nền cao lên và trồng trụ rào chắn xung quanh bằng lưới B40. Vậy là, cái bờ ruộng năm nào giữa 2 thửa đất nhà ông P.V.C. và nhà bà T.T.X. giờ đây là một lối đi hẹp giữa 2 vườn nho được rào chắn cẩn thận. Theo đơn của bà L.T.L., lối đi này quá hẹp, gia đình bà không thể vận chuyển vật tư ra ruộng cũng như không thể ghánh lúa đi qua khi thu hoạch, vì vậy mà không thể canh tác, phải bỏ hoang. Cho rằng hộ bà T.T.X. khi đổ đất làm vườn nho đã không những không tuân thủ thỏa thuận nhường đất để mở rộng đường đi chung mà còn cố tình lấn chiếm bờ ruộng, bà L.T.L. làm đơn khởi kiện. Tại tòa, bà T.T.X. một mực khẳng định bà không hề biết cam kết giữa các hộ dân về việc phải nhường đất khi chuyển đổi, đồng thời bà cũng cho rằng việc rào chắn đất vườn nhà bà là hoàn toàn căn cứ vào sổ đỏ, trong sổ đỏ không thể hiện có đường đi nên bà không cần phải chừa lại lối đi, bà không lấn chiếm của ai cả.

Sau khi nghe các bên trình bày cũng như xem xét toàn bộ các nội dung liên quan đến vụ án, HĐXX chấp nhận yêu cầu của bà L.T.L., buộc hộ bà T.T.X. phải tháo dỡ hàng rào, nhượng lại 0,3 mét bề ngang để mở rộng lối đi vào ruộng nhà bà L.T.L., hộ bà L.T.L. sẽ bồi thường diện tích đất mà bà X. nhượng lại, với tổng diện tích gần 16 m2, có giá trị gần 2,4 triệu đồng.

Toàn dân đang sôi nổi khí thế thi đua xây dựng nông thôn mới, nơi đây góp công, nơi kia góp của, biết bao tấm gương hiến đất làm đường, làm trường học,… ở khắp các địa phương. Vậy mà chỉ vì khoảng 16 m2 đất bờ ruộng, các hộ dân đã dắt nhau ra “công đường”, đấy là chưa kể những lần hai bên cự cãi qua lại tại địa phương, làm mất tình làng nghĩa xóm. Vấn đề không phải ai thắng, ai thua hay ai được, ai mất mà là làm sao để dung hòa được lợi ích giữa các bên, bảo vệ tình làng nghĩa xóm, cùng đoàn kết, hỗ trợ nhau trong sản xuất và đời sống.