Làng Chăm Hoài Trung vui đón Katê

(NTO) Thôn Hoài Trung (xã Phước Thái, Ninh Phước) hiện có 449 hộ, với 2.110 nhân khẩu. Đời sống Nhân dân dựa vào nguồn lợi 280ha ruộng 3 vụ lúa, chủ động nước tưới từ hệ thống kênh Nam và 10ha hoa màu các loại…

Nhằm thực hiện cơ giới hóa nông nghiệp, những năm gần đây, bà con người Chăm thôn Hoài Trung đã mua sắm 2 chiếc máy gặt, 12 chiếc máy cày và gần 40 chiếc máy xới đất, áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm” trong sản xuất lúa… Nhờ vậy, năng suất cây trồng không ngừng tăng lên, trung bình lúa đạt 7 tạ/sào, các loại cây trồng khác như đậu xanh, bắp… cũng đạt năng suất khá. Ngoài lúa, một số hộ trong thôn còn trồng táo, chăn nuôi dê, cừu, trâu, bò với số lượng gần 1.500 con, một số hộ chăn nuôi gia cầm, buôn bán nhỏ… nên đời sống người dân ngày càng khởi sắc, số hộ nghèo toàn thôn giảm còn 22 hộ.

Đồng bào Chăm thôn Hoài Trung đóng góp xây dựng cổng vào thôn khang trang.

Ông Lưu Văn Lanh, Trưởng ban Quản lý thôn Hoài Trung, phấn khởi cho biết: Nhờ sự quan tâm của chính quyền các cấp, cùng với sự nỗ lực, đoàn kết của bà con, nên đời sống vật chất, tinh thần của người dân những năm qua không ngừng được nâng lên, bộ mặt nông thôn mới ngày càng khởi sắc. Toàn thôn có trên 90% hộ dân có nhà ở xây dựng kiên cố; 100% hộ dân sử dụng lưới điện quốc gia, nước sạch sinh hoạt… Hưởng ứng Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, từ năm 2009 đến nay, nhân dân trong thôn đã cùng nhau đóng góp xây dựng cổng làng khang trang; góp công, vật liệu, hiến đất... cùng Nhà nước bê-tông trên 60% đường nội thôn, 70% đường nội đồng, đáp ứng tốt nhu cầu đi lại, vận chuyển hàng hóa, nông sản của nhân dân trong vùng.

Không chỉ chịu khó làm ăn, đồng bào Chăm thôn Hoài Trung còn phát huy tinh thần đoàn kết, giúp đỡ nhau trong đời sống, sản xuất, tích cực tham gia các phong trào do địa phương phát động. Ban quản lý thôn, Mặt trận và các đoàn thể phối hợp, vận động Nhân dân thực hiện nếp sống văn minh, bài trừ hủ tục, mê tín dị đoan; đoàn kết, chấp hành tốt chủ trương, đường lối của Đảng, pháp luật của Nhà nước; chung sức cùng chính quyền địa phương giữ gìn ANTT, đảm bảo vệ sinh môi trường, tạo cảnh quan làng xóm xanh, sạch, đẹp… góp phần duy trì, nâng cao chất lượng các tiêu chí nông thôn mới.

Về thôn Hoài Trung những ngày này, đâu đâu cũng thấy người dân phấn khởi dọn dẹp, trang hoàng nhà cửa, chuẩn bị lễ vật, sắm sửa đồ dùng… mừng đón Lễ hội Katê. Trong tâm trạng vui tươi, phấn khởi, chị Hán Thị Can, người dân trong thôn, chia sẻ: Năm nay, vụ hè- thu được mùa nên gia đình vui đón Katê có phần đầm ấm, sung túc hơn.

Ông Lưu Văn Lành cho biết thêm: Để Lễ hội Katê năm nay diễn ra vui tươi, lành mạnh, những ngày qua, chúng tôi đã vận động phụ nữ và thanh niên địa phương tích cực luyện tập các tiết mục văn nghệ “cây nhà lá vườn”. Ban quản lý thôn phối hợp với thôn Hoài Ni lên kế hoạch, tổ chức hội diễn văn nghệ, giao lưu bóng đá, bóng chuyền… vào ngày 12 đến 14-10, tạo không khí lễ hội vui tươi, lành mạnh để bà con vui đón Katê đầm ấm, an toàn và tiết kiệm.