Cần sớm hỗ trợ người nhiễm HIV/AIDS tham gia bảo hiểm y tế

(NTO) Theo lộ trình, việc tài trợ thuốc kháng vi-rut (ARV) trong điều trị HIV/AIDS từ các nguồn tài trợ quốc tế dành cho Việt Nam bắt đầu cắt giảm từ cuối năm 2014 và sẽ kết thúc hoàn toàn vào năm 2017.

Không còn được cung cấp thuốc miễn phí, bệnh nhân HIV/AIDS hoặc phải tự trả chi phí điều trị, hoặc mua BHYT để được hưởng sự hỗ trợ trong khám, chữa bệnh theo Thông tư 15/2015/TT-BYT về “Hướng dẫn thực hiện khám bệnh, chữa bệnh BHYT đối với người nhiễm HIV và người sử dụng các dịch vụ y tế liên quan đến HIV/AIDS”. Để đảm bảo đến năm 2017, toàn bộ bệnh nhân HIV/AIDS điều trị ARV đều có thể tiếp cận được nguồn hỗ trợ của quỹ bảo hiểm y tế, ngay từ bây giờ, việc tháo gỡ các khó khăn mà người nhiễm HIV/AIDS gặp phải là điều cần thiết.

Tính đến cuối tháng 7-2015, toàn tỉnh có 247 trường hợp nhiễm HIV. Trong đó, Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS đang quản lý 148 bệnh nhân tại 03 cơ sở (Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS, Trung tâm Y tế Tp.Phan Rang - Tháp Chàm, Trại giam Sông Cái), trong đó, đang điều trị bằng ARV là 126 người (gồm 113 người lớn và 13 trẻ em). Tuy nhiên, số bệnh nhân HIV/AIDS đang điều trị bằng ARV có thẻ BHYT chỉ chiếm 31% (tỷ lệ chung toàn quốc là 30%). Số bệnh nhân còn lại hiện chưa có điều kiện mua BHYT.

Tại Thông tư số 40/TT-BYT ngày 17/11/2014 của Bộ Y tế về “Ban hành và hướng dẫn thực hiện danh mục thuốc tân dược thuộc phạm vi thanh toán của quỹ bảo hiểm y tế”, thuốc ARV điều trị cho bệnh nhân HIV/AIDS (bậc 1 và bậc 2), các thuốc điều trị nhiễm trùng cơ hội trong đó có Cotrimoxazol và INH dự phòng lao đều được quỹ bảo hiểm y tế chi trả. Điều này đồng nghĩa với việc nếu người nhiễm HIV/AIDS tham gia BHYT thì sẽ được hỗ trợ chi phí điều trị ARV cùng các dịch vụ liên quan đến HIV/AIDS. Theo ước tính, việc điều trị HIV bằng ARV có chi phí từ 300.000 - 400.000 đồng/tháng/người. Điều trị bằng ARV là phát đồ cần được tái khám và phát thuốc định kỳ hàng tháng, sử dụng thuốc hằng ngày và kéo dài đến suốt đời. Phương pháp điều trị này giúp kéo dài tuổi thọ, nâng cao sức khỏe và chất lượng đời sống của người nhiễm HIV, làm giảm đáng kể nguy cơ lây nhiễm HIV sang người khác. Việc ngưng điều trị ARV có thể dẫn đến tình trạng kháng ARV, làm tăng nồng độ vi-rut HIV trong máu, vì thế tăng nguy cơ lây nhiễm. Chi phí điều trị cho bệnh nhân kháng ARV thường tăng gấp 7, 8 lần so với các trường hợp thông thường.

Ông Phạm Trọng Hoàng Vinh, Giám đốc Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS cho biết: Thực tế là những bệnh nhân HIV/AIDS chưa có thẻ BHYT gặp nhiều khó khăn trong việc mua thẻ BHYT vì các lý do chủ yếu: khó khăn về kinh tế, quy định mua thẻ BHYT theo hộ gia đình, không có hộ khẩu, không có đăng ký tạm trú, mất CMND,… Trong khi đó, các bệnh nhân HIV/AIDS có thẻ BHYT rất “ngại” đi khám, chữa bệnh BHYT do họ muốn bảo mật thông tin, sợ bị kỳ thị và phân biệt đối xử. Mặt khác, hiện bác sĩ được đào tạo về điều trị HIV/AIDS rất ít. Trung Tâm phòng, chống HIV/AIDS, Bệnh viện tỉnh và Trung tâm Y tế Tp.Phan Rang - Tháp Chàm là các đơn vị có bác sĩ được tập huấn điều trị bệnh nhân HIV/AIDS theo quy định của Bộ Y tế.

Với mục tiêu xóa bỏ đại dịch HIV/AIDS vào năm 2030 ở Việt Nam, vấn đề hỗ trợ người nhiễm HIV trong xét nghiệm và điều trị tích cực cần nhận được sự quan tâm của cả cộng đồng. Chính vì vậy, ngoài việc vận động bệnh nhân HIV/AIDS tham gia BHYT, vận động các nguồn lực xã hội hỗ trợ mua BHYT cho bệnh nhân HIV/AIDS, các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT cần chú ý tạo thuận lợi cho người bệnh về các thủ tục khám, chữa bệnh BHYT, đặc biệt là phải đảm bảo tính bí mật thông tin của người mắc HIV. Bên cạnh đó, cũng cần chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị và nguồn nhân lực ở các cơ sở khám, chữa bệnh BHYT cho người nhiễm HIV/AIDS để đáp ứng tốt yêu cầu điều trị.