Sản xuất nông nghiệp trước những cơn mưa đầu mùa

(NTO) Những ngày qua, trên địa bàn tỉnh có mưa và kéo dài, đây là đợt mưa thứ 2 kể từ đầu tháng 10 đến nay. Theo ngành Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tổng dung lượng nước ở 20 hồ chứa trên toàn tỉnh đạt khoảng 68,6 triệu m3, tuy nhiên ngành Nông nghiệp cũng khuyến cáo nông dân không mở rộng thêm diện tích trồng lúa vụ mùa, tập trung tích trữ nước phục vụ sản xuất vụ đông - xuân 2015-2016.

Những cơn mưa đầu mùa giúp cây trồng phát triển, nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ gây ngập úng cục bộ. Một số diện tích lúa vừa xuống giống tại xã Phước Nam (Thuận Nam) bị ngập ở đợt mưa vào cuối tháng 10 vừa qua là bài học cho nông dân để ứng phó trước hiện tượng thời tiết chuyển mùa. Ghi nhận của nhóm phóng viên ở đợt mưa này tại các địa phương có ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông nghiệp, cả mặt tích cực lẫn tiêu cực.

Ninh Hải - Thuận Bắc

Là vùng bị ảnh hưởng nặng của hạn hán, nên những cơn mưa đầu mùa, các hồ, đập trên địa bàn như: Hồ Sông Trâu, Bà Râu (Thuận Bắc) hồ Suối Lớn, Ông Kinh…(Ninh Hải) được tích thêm nước phục vụ sản xuất vụ mùa và vụ đông- xuân sắp tới. Đặc biệt, mưa đã “cứu sống” hàng trăm ha táo, nho ở xã Vĩnh Hải, Nhơn Hải phục hồi và phát triển trở lại. Các hộ trồng hành, tỏi cũng đã khai thác được nước ngầm sản xuất vụ Bấc.

Đồng chí Nguyễn Châu Cảnh, Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Thuận Bắc, cho biết: Mưa có tác dụng “giải khát” cho vùng khô hạn, sản xuất vụ mùa thuận lợi hơn. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm sau một thời gian dài khô hạn, thường xuất hiện mưa lũ. Đề phòng mưa lớn có thể xảy ra, huyện đang chỉ đạo nông dân tập trung chăm sóc cây trồng vụ mùa có hiệu quả; đồng thời, chủ động ứng phó trước diễn biến của thời tiết.

Thuận Nam - Ninh Phước

Sản xuất nông nghiệp ở địa bàn huyện Ninh Phước, Thuận Nam sau mưa thuận lợi hơn nhờ có thêm mước tưới. Tuy nhiên, mưa đã gây thiệt hại cho một số diện tích cây trồng của nông dân, nhưng ở mức độ nhẹ. Tại xã Phước Ninh, hơn 40 ha lúa mới gieo được 7 ngày bị ngập. Địa phương đã chỉ đạo và hỗ trợ bà con nhanh chóng khắc phục, ổn định sản xuất.

Các hộ sản xuất lúa đang mừng vì mưa đã bổ sung lượng đạm tự nhiên đáng kể cho cây trồng phát triển, ngược lại các hộ trồng táo, nho đang lo lắng vì bị rụng trái. Trên địa bàn xã Phước Hậu, Phước Thuận (Ninh Phước) nhiều giàn nho, táo đang ra bông, số đang thu hoạch bị gãy cành, vàng trái, nứt và nhiễm sâu bệnh. Anh Thạch Ngọc Nhẹ, thôn Phú Nhuận, xã Phước Thuận, cho biết: Gia đình có 1,2 sào táo đang trong mùa thu hoạch, sau mưa trái rụng rất nhiều, năng suất giảm khoảng 50%.

Anh Thạch Ngọc Nhẹ chăm sóc vườn táo sau mưa.

Bác Ái - Ninh Sơn

Đồng chí Ngô Thị Cúc, Phó Trưởng Phòng Nông nghiệp-PTNT huyện Bác Ái, cho biết: Thời tiết có mưa đã bổ sung một lượng nước cho các hồ chứa trên địa bàn, đạt 35% dung tích thiết kế, tạo thuận lợi cho sản xuất vụ mùa. Huyện đang chỉ đạo các xã vận động nông dân thường xuyên bám đồng chăm sóc cây trồng. Đối với những vùng trũng thấp dễ xảy ra ngập úng như ở khu vực Chà Panh (Phước Hòa), thôn Suối Khô, Núi Rẫy (Phước Chính)…, các khu vực thường sạt lở như ở Phước Bình, Phước Thành…huyện đã cử lực lượng xuống địa bàn theo dõi, có phương án phòng, chống tại chỗ…

Trên địa bàn huyện Ninh Sơn, đồng chí Nguyễn Hồng Lợi, cán bộ Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, cho biết: Trước thời tiết chuyển mùa, huyện đã chỉ đạo các ngành, địa phương chủ động triển khai hiệu quả công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi…để đảm bảo sản xuất đạt hiệu quả. Nhìn chung sản xuất nông nghiệp trên địa bàn huyện đang diễn ra thuận lợi, chỉ một số ít diện tích mỳ ở vùng trũng, thấp của nông dân xã Hòa Sơn bị ảnh hưởng. Anh Nguyễn Văn Thành, thôn Tân Tiến, cho biết: Gia đình có 10 ha mỳ, những ngày qua do mưa nhiều làm 2 ha ở vùng trũng bị úng, thối củ, nếu mưa kéo dài thì có khả năng bị thiệt hại là khó tránh.