Mang chữ "lên miền núi" Phước Bình

(NTO) Chúng tôi về thăm những ngôi trường ở vùng cao Phước Bình (Bác Ái), nơi mà trước đây và ngay cả hiện tại vẫn còn đó những gian nan và thiếu thốn cho việc dạy chữ, học chữ. Điều đáng khâm phục, dù có gian khổ đến mấy, các thầy, cô giáo vẫn ngày, đêm “bám trụ” những điểm trường, những lớp học, cống hiến cho sự nghiệp trồng người.

Điểm trường đầu tiên nằm ngay “cửa ngõ” vào Phước Bình là ngôi trường Phổ thông bán trú (PTBT) TH Phước Bình B. Tính từ trung tâm xã, đây là điểm trường xa nhất với 77 học sinh ở thôn Hành Rạc 1 và Hành Rạc 2 theo học. Đón chúng tôi là thầy giáo Hiệu trưởng Dương Văn Châu, người đã gắn bó với ngành Giáo dục Bác Ái từ những ngày đầu chia tách huyện.

Những cánh hoa rừng tri ân thầy, cô giáo của các em học sinh Trường PTBT THCS
Đinh Bộ Lĩnh (Phước Bình, Bác Ái).

Trao đổi với chúng tôi, thầy giáo Châu, chia sẻ: 15 năm trong nghề giáo là từng ấy thời gian tôi gắn bó với học sinh con em đồng bào Raglai Bác Ái. Đầu tiên là dạy ở Phước Đại, Phước Thành, rồi đến Phước Hòa và giờ là Phước Bình. Biết bao vui buồn, nhọc nhằn và gian khổ của công việc dạy học nơi vùng đất còn gặp nhiều khó khăn, chúng tôi coi đó là những kỷ niệm đẹp của nghề dạy học. Ai cũng hỏi điều gì khiến giáo viên chúng tôi vẫn bám trụ nơi đây. Mỗi người một lý do, hoàn cảnh nhưng có một lý do chung mà ai cũng thừa nhận là chính bởi tình cảm chân thành của các em học sinh. Đó là động lực để chúng tôi vượt qua trở ngại, hoàn thành nhiệm vụ công tác giáo dục hàng năm.

Là ngôi trường tham gia Dự án giáo dục của Oxfam nên học sinh Trường PTBT TH Phước Bình B rất mạnh dạn chứ không bẽn lẽn như một số địa phương khác. Các em được tạo mọi điều để học tập, vui chơi và được học cách thể hiện bản thân. Thêm vào đó, các lớp học theo mô hình trường học mới VNEN được bài trí cuốn hút, học sinh chia nhóm và hoạt động tích cực cùng giáo viên. Các em năng động, hoạt bát trong giờ học bao nhiêu thì khi chia sẻ về tình cảm dành cho thầy cô giáo nhân Ngày Nhà giáo Việt Nam, các em lại bẽn lẽn bấy nhiêu. Vì chúng tôi hỏi mãi nên Phó Chủ tịch Hội đồng lớp 4, em Chamaléa Thị Thùy mới dũng cảm nói: Chúng con rất quý thầy cô, cũng muốn tặng quà cho các thầy cô trong ngày 20-11 như các bạn trên ti-vi nhưng bố mẹ chúng con không có nhiều tiền...

Câu nói lấp lửng làm chúng tôi tự hỏi, có phải chính cuộc sống khó khăn ở những điểm trường vùng cao lại càng đong đầy thêm nghĩa tình thầy trò, viết nên nhiều nghĩa cử cao đẹp giữa giáo viên và học sinh theo những cách chẳng giống ở miền xuôi. Chẳng hạn như chuyện thầy giáo Trương Thế Quyền (Trường PTBT THCS Đinh Bộ Lĩnh) đến giờ vẫn không quên những ngày nhọc nhằn cùng chính quyền địa phương dò hỏi địa chỉ nơi cậu học trò Pô-pô Chuyên bỏ học đi ra tận Cam Ranh (Khánh Hòa) để làm thêm, kiếm tiền phụ giúp gia đình cách đây đã 3 năm học. Biết được địa chỉ rồi, với trách nhiệm của người thầy mà cũng như người anh trong gia đình, tranh thủ ngày cuối tuần, thầy Quyền ra nơi Chuyên làm việc, thu xếp với bên thuê lao động để lấy tiền công rồi dẫn học sinh của mình về an toàn tận nhà. Chuyên học hết lớp 9 thì ở nhà, đến đầu năm 2015 thì đi bộ đội vẫn không quên đến thăm thầy cũ trước ngày nhập ngũ. Hay như chuyện cô giáo Vũ Thị Thúy, đồng nghiệp với thầy Quyền nhận được bức thư chỉ vỏn vẹn dòng chữ “Chúng em kính tặng cô” cùng bó hoa dại nồng hương rừng của học sinh lớp chủ nhiệm trong ngày 20-11 năm trước. Cô Thúy cũng là một trong số ít giáo viên đang công tác ở Phước Bình đã quyết định xây dựng gia đình và định cư ở địa phương để thuận tiện cho việc dạy học. Nghe chúng tôi hỏi những lúc công việc và cuộc sống khó khăn, chị có ý định chuyển công tác không? Cô giáo Thúy cười, thành thật nói: Khi tốt nghiệp sư phạm, không ai muốn dấn thân vào những vùng khó. Nhưng khi đến rồi, thấy gắn bó với học trò và Nhân dân…

Chúng tôi rời Phước Bình khi trời bắt đầu mưa. Tôi chợt nghĩ về ước mơ của cô học trò nhỏ Chamaléa Thị Thùy- ước mơ học thật giỏi để trở thành cô giáo như các thầy, các cô hôm nay….