Đảm bảo nước tưới cho sản xuất vụ đông - xuân

(NTO) Tỉnh ta hiện có 20 hồ chứa nước vừa và nhỏ, với tổng dung tích chứa 192,21 triệu m3 và 3 hệ thống đập dâng: Nha Trinh, Lâm Cấm, Sông Pha, có khả năng đảm bảo đủ nước tưới hàng năm cho khoảng 33.000 ha đất canh tác nông nghiệp.

Thế nhưng, từ đầu năm 2015 đến nay, do tình hình nắng hạn kéo dài, lượng mưa bổ sung không đáng kể, nên nguồn nước ở các hồ chứa đang ở mức thấp. Tính đến ngày 5-1-2016, tổng lượng nước tại các hồ chứa trên địa bàn tỉnh tích được 84,56 triệu m3, đạt 43,99% so với dung tích thiết kế. Trong đó, một số hồ lớn chủ lực như: Sông Sắt cũng chỉ còn 21,92/69,33 triệu m3; Sông Trâu 13,51/31,53 triệu m3; Tân Giang 8,92/13,39 triệu m3 và Lanh Ra 4,31/13,89 triệu m3...

Công trình thủy lợi hồ Bà Râu có sức chứa 4,6 triệu m3 nước tưới
cho 500 ha đất canh tác của nông dân xã Lợi Hải (huyện Thuận Bắc). 
Ảnh: Văn Miên

Căn cứ nguồn nước hiện có, trong vụ đông – xuân 2015 – 2016, ngành Nông nghiệp đề ra kế hoạch sản xuất với tổng diện tích khoảng 25.000 ha. Trong đó, cây lúa 13.350 ha, số diện tích còn lại chủ yếu trồng cây màu và các loại cây trồng khác. Đồng chí Phạm Văn Hường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi, cho biết: Để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất, chăn nuôi cho người dân, ngay từ cuối năm 2015, đơn vị đã chủ động tích nước các hồ chứa trong toàn hệ thống theo quy trình; đồng thời tận dụng lượng nước hồi quy và sử dụng nước tiết kiệm, hợp lý để giữ nguồn nước. Cùng với đó, đơn vị đã chỉ đạo Trạm thủy nông các huyện, thành phố phối hợp với các địa phương thực hiện việc rà soát lại diện tích để thống nhất tạm ngừng sản xuất đối với một số vùng nhằm bảo đảm nguồn nước tưới hợp lý, tránh việc gieo trồng tràn lan ngoài kế hoạch, gây thiệt hại cho nông dân.

Theo kế hoạch, chậm nhất không quá 20-1-2016 là kết thức thời vụ gieo trồng đông – xuân. Để tập trung xuống giống hết diện tích theo kế hoạch, hiện nay Công ty TNHH MTV Khai thác công trình Thủy lợi đang tổ chức điều tiết nước hợp lý theo hai phương thức: Đối với những diện tích hưởng lợi từ hệ thống các hồ chứa sẽ thực hiện biện pháp điều tiết tưới luân phiên (cấp nước theo từng phiên nước) phù hợp với lịch gieo trồng, nhằm giảm lượng nước bốc hơi mặt ruộng và tận dụng nguồn nước các hệ thống thủy lợi nhỏ nội đồng, tiết kiệm nguồn nước hồ chứa. Đối với diện tích hưởng lợi từ hệ thống các đập dâng Nha Trinh, Lâm Cấm và Sông Pha sẽ áp dụng biện pháp tưới đồng thời (cấp nước liên tục thường xuyên) trên toàn hệ thống khi tiến hành gieo xạ và giai đoạn sinh trưởng của các loại cây trồng, nhằm ổn định nguồn nước cung cấp cho nông dân sản xuất.

Được biết, hiện lượng nước ở hồ Đơn Dương đang đạt đỉnh, với 165/165 triệu m3, nên từ ngày 1-1 đến 31-3-2016, lưu lượng xả nước từ hồ Đơn Dương qua Nhà máy thủy điện Đa Nhim luôn đạt từ 14 - 16m3/s (thời gian xả từ 16-18 giờ hàng ngày); từ ngày 1- 4 đến 30 - 4 mức xả từ 12 - 14 m3/s và từ tháng 5 đến hết tháng 8-2016, tùy thuộc vào khả năng nguồn nước nhà máy sẽ vận hành điều tiết phù hợp. Để tận dụng tốt nguồn nước xả nói trên, tỉnh ta đã chỉ đạo các đơn vị, địa phương triển khai nạo vét các cửa lấy nước, hệ thống kênh mương, lắp đặt các trạm bơm dã chiến và chuẩn bị đầy đủ các điều kiện để lấy nước, đảm bảo đủ nguồn nước phục vụ nhu cầu sinh hoạt và sản xuất của Nhân dân.

Đồng chí Phạm Văn Hường, cho biết thêm: Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn Trung ương, hiện tượng El.Nino có thể kéo dài đến hết tháng 6 – 2016, nên trong vụ đông – xuân năm nay toàn bộ diện tích sản xuất được bố trí tập trung chủ yếu ở các vùng thuộc hệ thống tưới Nha Trinh, Lâm Cấm, Sông Pha (hưởng lợi nguồn nước xả Đa Nhim) và một số hồ chứa có lượng nước tương đối như: Tân Giang, Trà Co, Cho Mo, Sông Sắt, Sông Trâu…; các hồ còn lại chủ yếu ưu tiên cấp nước cho sinh hoạt và chăn nuôi, khi nào có mưa, căn cứ vào lượng nước hồ thực tế, ngành Nông nghiệp sẽ có kế hoạch gieo cấy cho từng xứ đồng cụ thể. Khi kết thúc sản xuất vụ đông – xuân, dự kiến từ 20-4 đến ngày 10-6, Công ty sẽ tiến hành hai đợt đóng nước, để nạo vét, tu sửa hệ thống kênh Chàm và kênh chính Bắc theo định kỳ. Do đó, yêu cầu các địa phương cần nắm rõ kế hoạch để chủ động, linh hoạt trong việc bố trí phương án sản xuất; phối hợp chặt chẽ với công ty để duy trì tốt các tổ hợp tác dùng nước (PIM), nhằm chủ động điều tiết nước luôn phiên, tiết kiệm theo phương pháp (nông – lộ - phơi), nhằm tận dụng hết mọi nguồn nước phục vụ cho sản xuất, chăn nuôi và sinh hoạt đạt hiệu quả.