Tản văn:

Hoài niệm bến Thuông

(NTO) Tôi có thói quen từ mươi năm nay còn giữ mãi đến giờ. Đó là, làm gì thì làm, cứ chiều ba mươi, tôi phải dành vài ba tiếng đồng hồ để lang thang về vùng ngoại thành, tận hưởng cái hương vị ngày cuối năm trước lúc giao thừa ở miền quê bình yên nào đó. Nhớ năm trước, tôi về Thuận Hoà, một làng quê bên kia sông Dinh.

Chỉ cách phố thị vài km nhưng Thuông, tên thân thương xưa của làng trầu Thuận Hoà, vẫn còn đậm đà nét quê. Ở đấy, trước một vài căn nhà xưa, mái ngói âm dương rêu phong, vẫn còn dựng cây nêu đón Tết. Ôi, trong cái không khí se se thời khắc giao mùa, chợt nhớ đến câu đối cũ: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu,…bánh chưng xanh” mới thấy lòng ấm áp lạ thường, những người trẻ hôm nay khó mà thấy được nét văn hoá dân dã ngày của xưa xa.

Những hàng dậu thưa đã được gia chủ lão niên chăm chút, tỉa tót công phu để đón chào nàng Xuân. Thấp thoáng những bụi bụt tím, đỏ, những chậu cúc trắng xinh xắn, vạn thọ vàng tươi bên hiên nhà, gợi lên không khí thiêng liêng, ấm cúng hoà quyện giữa con người và đất trời mà chỉ hiếm hoi thời khắc mới có được. Nhìn vào góc sân, một bếp củi mới được nhóm lên, thì ra người ta chuẩn bị nấu bánh chưng, bánh tét và luôn thể đón giao thừa. Thật không còn cảm giác nào ấm áp hơn khi ngồi quanh bếp lửa bập bùng đợi ngày đầu năm mới từng bước, từng bước đến gần. Đường làng, ngõ xóm thoang thoảng khói hương từ mâm cơm chiều ba mươi mà các gia đình mời đón ông bà, tổ tiên về vui Tết sum vầy cùng con cháu. Khó mà lột tả được tâm hồn, tình cảm, nghĩ suy của mỗi con người chúng ta vào lúc này. Xin hãy lặng yên mà thả nhẹ những vòng xe, đừng lên tiếng, đừng phá vỡ cái không gian và thời khắc quá đỗi thiêng liêng này,

Ngang triền sông xưa, vẫn còn luỹ tre làng lúc này xanh ngát mùa xuân. Tuy không còn rậm rạp, dày kín như thành luỹ xưa cũ, nhưng nhiêu đó cũng đủ làm mình hoài tưởng đến bến đò thời xa lắc. Ngày đó, khi các phương tiện đi lại như thuộc loại…xa xỉ, thì đây, những chuyến đò, là điều kiện thân thuộc để đưa cư dân Thuông chất phát qua lại phố Phan để giao lưu, công việc, học hành… Ký ức lại hiện về làm cay đôi mắt, dáng em gầy nhỏ với tập sách và suối tóc nhánh đen trước ngực đang bước xuống đò, vội vàng cho kịp buổi học sớm mai cách đây bốn mươi năm có lẻ. Rồi hình bóng thân thường mà chiều ba mươi năm nào đó, em dịu dàng bên bến sông, vài ba bận quẫy đôi thùng nước cùng với đàn tiên nữ xóm giềng đang độ tuổi xuân thì, tinh khôi, tươi mởn…Ngày đó, bến Thuông thật dập dìu, nhộn nhịp từ mờ sáng cho tới tận tối khuya. Bây giờ thì không còn nữa rồi, bến sông biến mất một cách…tự nhiên, và dưới triền sông nham nhở hôm nay, vài ba chiếc xe ủi, xe cạp đất đang thong dong tắm trong nắng chiều, nghỉ ba ngày Tết.

Không còn thật rồi. Luỹ tre, bến sông xưa còn đâu Thuông ơi. Cũng như thế, em ngày xưa của tôi ơi, giờ em nơi nao? Bên đàn con cháu đùm túm em có còn nhớ đến bến sông xưa cùng những lần hò hẹn, những phút giây giận dỗi đến nao lòng…Tất cả, tất cả hoài niệm như giằng xé, như tranh giành để cùng hiện hữu trong khoảng khắc cuối năm, thật nồng nàn, da diết.

Thuông ngày xưa của tôi ơi, những chiều cuối năm bây giờ tôi còn lại gì? Nhưng tôi tự hứa với lòng mình, dù sao đi nữa, bến Thuông với những con đò xưa và dáng em thơ dại vẫn không bao giờ mất, vẫn mãi trong tôi!