Bài toán giảm tải BV đang đi đúng hướng

Mạng lưới bệnh viện vệ tinh (BVVT) đang được thực hiện tại 41 BV tuyến tỉnh trên cả nước. Chất lượng dịch vụ và khám chữa bệnh tại các BV này đang thực sự chuyển mình để phục vụ người dân.

Tín hiệu mừng từ các BVVT

Là BV đầu tiên trong tỉnh được đầu tư mới đồng bộ, chỉ trong 18 tháng hoạt động đến nay, BV Sản-Nhi Quảng Ninh đã triển khai được nhiều kỹ thuật mới, chuyên sâu của tuyến Trung ương để giải quyết những ca bệnh khó, phức tạp ngay tại địa phương như: phẫu thuật nội soi điều trị vô sinh, phẫu thuật nội soi cắt tử cung, cắt buồng trứng, xét nghiệm sàng lọc sơ sinh, xét nghiệm đánh giá dự trữ buồng trứng, kỹ thuật đông tinh…

BV Sản-Nhi Quảng Ninh đã nuôi thành công bé sinh non 26 tuần với 700g. Ảnh: /Hiền Minh

Đặc biệt, BV đã đạt được nhiều thành công lớn trong điều trị vô sinh bằng phương pháp IUI (bơm tinh trùng vào tử cung). Theo BS. Đỗ Duy Long, phụ trách Khoa đơn nguyên hỗ trợ sinh sản, tính từ khi hoạt động đến nay, Khoa đã điều trị vô sinh bằng phương pháp này cho gần 400 ca, trong đó có 35 trẻ đã được sinh ra. Tỷ lệ thành công này đạt 25%, gần lớn nhất miền Bắc, trong khi các tỉnh khác có trung tâm hỗ trợ sinh sản cũng chỉ đạt thành công khoảng 10%.

"Trước đó, BV cũng chưa nghĩ tới việc có nhiều người nước ngoài đến thăm khám sức khỏe sinh sản, nhưng chỉ trong hơn 1 năm đầu hoạt động, BV đã tiếp khoảng 10 cặp đôi là người nước ngoài đến khám tiền hôn nhân”, BS. Đỗ Duy Long cho biết.

Hiện, BV đang lập đề án, triển khai kỹ thuật “Thụ tinh trong ống nghiệm” (IVF) nhằm đáp ứng tốt hơn nguyện vọng của những cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn… ngay trên địa bàn tỉnh.

BV cũng đã thành công trong việc nuôi trẻ đẻ non. Nếu như trước đây, kỹ thuật chuyên môn của các cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh không thể nuôi được trẻ nhẹ cân, sinh non, nhưng đến nay BV đã nuôi thành công bé nhỏ nhất 26 tuần tuổi với 700 g.

Ông Nguyễn Quốc Hùng, Giám đốc BV cho biết, đạt được những thành công trên là có một phần lớn sự hỗ trợ hiệu quả củaBV Phụ sản Trung ương và BV Nhi Trung ương theo Đề án BVVT. Hiện, tỷ lệ chuyển tuyến của BV chỉ là 2,1%, công suất hoạt động đạt gần 200%. BV Sản-Nhi Quảng Ninh phấn đấu trở thành BV chuyên ngành tuyến cuối ở miền Bắc.

Cũng là BVVT của BV Nhi Trung ương, từ tháng 4 đến tháng 10/2015, BV Sản-Nhi Bắc Giang đã phẫu thuật thành công cho 15 ca tim hở bẩm sinh miễn phí với tổng chi phí hơn 900 triệu đồng. Trong đó có 13 ca mổ thông liên thất, 1 ca mổ ống động mạch; 1 ca mổ thông liên nhĩ; không có ca nào phải chuyển tuyến hoặc tử vong. Tình trạng của các bệnh nhi hiện đều ổn định, không có tai biến và biến chứng, sức khỏe tốt.

Thời gian tới, BV sẽ phấn đấu cố gắng sau 1 năm có thể tự tổ chức phẫu thuật độc lập.

Tương tự, BV đa khoa tỉnh Phú Thọ là điển hình thành công từ Đề án BVVT. Ông Hồ Đức Hải – Giám đốc Sở Y tế Phú Thọ cho biết, BV đã thành lập Trung tâm tim mạch trên cơ sở được chuyển giao nhiều kỹ thuật chuyên sâu quan trọng từ Viện Tim mạch (BV Bạch Mai), BV Việt Đức, BV K Trung ương... BV đã tiến hành thành công hơn 7.000 ca can thiệp tim mạch, thực hiện ca ghép thận đầu tiên trong năm 2015, tỷ lệ chuyển chỉ chiếm 6%.

Trong giai đoạn 2016-2020, BV đa khoa tỉnh Phú Thọ định hướng phát triển mô hình BV đa trung tâm, trong đó tập trung phát triển chuyên sâu về một số lĩnh vực như: Ung bướu, tim mạch, sản khoa, nhi khoa, ghép tạng, đột quỵ, chấn thương chỉnh hình..., phấn đấu đạt đủ tiêu chuẩn của BV hạng đặc biệt vào cuối năm 2018, trở thành BV tuyến cuối của các tỉnh trung du, miền núi phía Bắc.

Rào cản lớn nhất vẫn là nguồn nhân lực

Theo báo cáo mới đây của Bộ Y tế, tỷ lệ chuyển tuyến của mạng lưới BVVT trên cả nước đang có xu hướng giảm rõ rệt, tỷ lệ chuyển chỉ còn khoảng 37%.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết, đến nay, nước ta đã có 41 BV tuyến tỉnh trên cả nước là BVVT của 5 chuyên khoa luôn quá tải tuyến trên gồm: Chấn thương chỉnh hình, sản, nhi, ung bướu và tim mạch. Trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ phấn đấu 63 tỉnh, thành đều phải có BVVT, ít nhất mỗi tỉnh sẽ phải có 1 BV tham gia. Tuy nhiên, việc này cần phải có thời gian vì nguồn nhân lực tại các BV tỉnh đang rất thiếu vàkhó khăn trong đầu tư trang thiết bị.

“Ví dụ muốn làm kỹ thuật can thiệp tim, đặt stent thì phải có nhân lực chuyên khoa về tim mạch, để làm được kỹ thuật đó tại BV tỉnh phải ít nhất 3 năm đi học. Trong thời gian này, BV sẽ thiếu người làm, chưa kể BV đó phải đầu tư trang thiết bị như có máy chụp mạch (khoảng 1 triệu USD). Vì vậy, muốn nhân lên BVVT tới 63 tỉnh, thành ngay lập tức thì hơi khó”, Bộ trưởng chia sẻ.

Tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương tổ chức cuối tháng 12/2015, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh, triển khai tốt mạng lưới BVVT vừa mang lại quyền lợi cho dân, vừa góp phần giảm quá tải BV Trung ương, BV tuyến cuối. Đây là giải pháp căn cơ nhằm giảm quá tải BV cũng như nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cho tuyến dưới.

Về nguồn nhân lực, Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế phải điều động và tập trung đào tạo đội ngũ bác sĩ có chuyên môn cao, nhằm gắn kết vệ tinh từng khoa, từng chuyên ngành để phục vụ dân. Đặc biệt, đối với những tỉnh chưa có chuyên khoa hoặc BV thuộc các chuyên ngành đang quá tải, Bộ cũng phải có phương án hỗ trợ.

Đối với các địa phương, Thủ tướng đề nghị ngay trong năm 2016, tỉnh nào chưa có BVVT cần phải lên kế hoạch và triển khai bằng được việc này. Nếu thiếu trang thiết bị, cần phải đầu tư bằng nhiều nguồn, như ngân sách, xã hội hóa… để lo cho dân. Đồng thời, tăng cường gắn kết BV huyện với BV tỉnh để hỗ trợ về nhân lực, nâng cao trình độ chuyên môn để phục vụ dân ngay tại các BV huyện.

Nguồn www.chinhphu.vn