Nhị Hà ứng phó với hạn

(NTO) Là xã miền núi, trong tổng diện tích tự nhiên 5.109ha, Nhị Hà (Thuận Nam) có gần 1.000ha đất rừng, 2.452ha đất sản xuất nông nghiệp và còn lại là đất phi nông nghiệp, đất chưa sử dụng. Trong tình hình nắng hạn gay gắt kéo dài, vùng đất vốn phụ thuộc vào canh tác nông nghiệp, nay gặp hạn hán không gieo trồng được nên người dân ở đây đang tìm phương cách “sống chung” với hạn.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, đất canh tác ở Nhị Hà phụ thuộc vào nguồn nước dẫn từ hồ Tân giang và hồ CK7, nhưng hạn hán thời gian qua làm hồ CK7 không còn nước, hồ Tân Giang chỉ còn ít nước phục vụ chủ yếu cho gia súc. Vừa qua, người dân Nhị Hà nức lòng khi xuất hiện một số cơn mưa vào chiều ngày 23, 24-5, đặc biệt là cơn mưa lớn trong đêm 29-5, đã giúp hồ Tân Giang tích trên 1 triệu m3 nước và hồ CK7 cũng đã đọng được ít nước. Tuy nhiên trao đổi với chúng tôi, chị Võ Như Sơn, Chủ tịch UBND xã Nhị Hà, vẫn lo lắng nói: “Niềm vui không kéo dài bao lâu, mấy trận mưa đã góp thêm ít nước phục vụ cho trồng trọt và chăn nuôi, nhưng nếu nắng hạn tiếp tục thế này chẳng biết đâu mà lường”. Thật vậy, những cơn mưa cuối tháng 5 làm dịu phần nào không khí khô nóng, song vẫn không đủ tưới mát cho vùng đất xã Nhị Hà đang trong cơn khát.

 
Anh Phạm Xuân Hùng, thôn Nhị Hà 1, dùng rơm rải dưới các gốc táo, duy trì độ ẩm đủ cho táo sinh trưởng trong điều kiện khô hạn.

Để ứng phó với khô hạn, trong vụ đông-xuân năm nay, Nhị Hà đã chuyển đổi trồng 110ha đậu xanh tại vùng trồng lúa (đã thu hoạch cho năng suất bình quân từ 90-100kg/sào). Nhưng trước tình hình khan hiếm nước, từ vụ hè-thu toàn xã đã ngưng sản xuất và tập trung phục vụ nước uống cho gia súc. Đến nay, Nhị Hà đã tổ chức nạo vét lại các ao cũ và đào thêm 2 ao mới (rộng khoảng 5 sào) và đang đề xuất tỉnh, huyện đào thêm 1 ao và xây 2 bờ tràn chống hạn. Nhị Hà hiện có đàn bò trên 1.800 con, đàn dê gần 700 con, cừu trên 3.200 con và đàn heo gần 1.000 con, chưa kể còn có đàn gia cầm ngót 7.700 con. Để có nước uống cho gia súc, không chỉ dựa vào các ao công cộng, chủ các trang trại còn chủ động nạo vét lại ao cũ hoặc bám vào luồng nước đọng dưới lòng sông Lu hoặc trong mương dẫn từ hồ Tân giang về sau mỗi đợt xả. Các chủ trại nuôi cũng đã chuẩn bị trước, trữ nhiều rơm rạ khô cho gia súc, một số hộ tận dụng đất ven sông Lu và ven các con suối để trồng trên 10ha cỏ...

Anh Nguyễn Trần Thuận, Phó Bí thư Đảng ủy xã Nhị Hà, cho biết: “Từng nhiều lần đối mặt với hạn hán, người dân địa phương đã có kinh nghiệm ứng phó, dù ruộng rẫy bỏ trắng nhưng khoảng 63ha vườn cây ăn trái vẫn được cung cấp nước tưới duy trì cuộc sống, đã xuất hiện nhiều tấm gương nông dân chủ động trong công tác chống hạn”. Chúng tôi được biết ở thôn Nhị Hà 1, trang trại chăn nuôi Ngọc Phượng đã bỏ ra 85 triệu đồng khoan giếng lấy nước uống cho đàn bò khoảng 60 con; ông Lê Văn Long cố gắng đào ở lòng suối bơm nước tưới cho 3 sào táo. Đáng chú ý là cách làm sáng tạo của anh Phạm Xuân Hùng, thôn Nhị Hà 1, ngoài 8 sào ruộng lúa (2 vụ) được chuyển đổi trồng đậu xanh (đã thu hoạch đạt năng suất 1,2-1,3 tạ/sào), anh có 4 sào táo. Cũng đào ao theo lòng suối nhưng anh tích trữ nước dự phòng, chỉ khi nào cần thiết mới bơm tưới cho táo. Để tiết kiệm nước tưới, anh mua 2 xe rơm rải dưới các gốc táo, duy trì độ ẩm đủ cho táo sinh trưởng.

Nhị Hà có dân số 4.575 người, phân bố tại ba thôn 1, 2 và 3, trong đó thôn 1 (trung tâm xã) có dân số đông nhất. Dưới ảnh hưởng của nắng hạn, nông nghiệp không sản xuất được, một bộ phận người dân Nhị Hà không có việc làm cũng như phương tiện mưu sinh nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Trước thực tế đó, chính quyền xã đã vận động bà con đi làm việc ở nơi xa, tạm thời giúp đỡ gia đình đợi hết nắng hạn người dân lại trở về chăm sóc ruộng đồng. Đối với tình trạng khó khăn nước sinh hoạt, nặng nhất là tại đội 4 (thôn 3) gồm 46 hộ dân, trước đây được Công an tỉnh hỗ trợ chở nước vào các ngày thứ ba, năm, bảy hằng tuần, nhưng từ ngày 25-5, bà con đã có nước sinh hoạt dùng nhờ hệ thống dẫn nước dài 540m của chương trình “Sẻ chia nước sạch” cho vùng hạn do Báo Tuổi Trẻ và Tỉnh đoàn thực hiện.

Theo chị Võ Như Sơn, để chủ động ứng phó với hạn, Nhị Hà đã làm hết mọi cách, kể cả huy động cán bộ, công chức, dân quân xã sẵn sàng hỗ trợ người dân khi có yêu cầu. Hiện nay, điều cần làm của Nhị Hà là duy trì nguồn nước phục vụ cho người và gia súc, chuẩn bị di dời đàn gia súc khi cần thiết và nhắc nhở người dân tận dụng mọi điều kiện để bổ sung nguồn thức ăn cho đàn gia súc, nhất là phòng chống dịch bệnh xảy ra.