Thuận Nam: Phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi

(NTO) Những năm qua, phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững” do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phát động đã được các cấp Hội và hội viên Hội Nông dân (HND) huyện Thuận Nam hưởng ứng tích cực. Riêng năm 2015, trong tổng số 3.508 hộ nông dân đăng ký, đã có 1.929 hộ đạt danh hiệu sản xuất, kinh doanh (SXKD) giỏi.

HND huyện Thuận Nam hiện có 6.414 hội viên, sinh hoạt tại 38 cơ sở hội. Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp, với mục tiêu nâng cao giá trị gia tăng, vừa thích ứng với biến đổi khí hậu, những năm gần đây, HND huyện tập trung chỉ đạo các cấp Hội vận động hội viên, nông dân chuyển đổi, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao hiệu quả sản xuất. Việc chuyển đổi sản xuất từ 2-3 vụ lúa/năm sang luân canh “2 lúa-1 màu” hoặc chuyển đổi đất lúa sang trồng cây ngắn ngày chịu hạn... đã góp phần gia tăng thu nhập cho nhiều nông hộ. Ông Đinh Bá Ngọc (thôn Tân Bổn, xã Phước Ninh) cho biết: Trước đây, trồng lúa bình quân 2-3 vụ/ năm, chi phí lớn, công chăm sóc bỏ ra nhiều nhưng hiệu quả mang lại không cao. Từ khi chuyển sang mô hình sản xuất 2 vụ lúa giống, luân canh 1 vụ đậu xanh, kinh tế khá lên thấy rõ. Cụ thể, năng suất lúa đạt từ 70-80 tạ/ha, lợi nhuận từ lúa đạt 14-15 triệu đồng/ha/vụ, tổng mô hình thu lợi trên 50 triệu đồng/ha/năm, cao gấp đôi so với trồng 3 vụ lúa trước đây. Tương tự, hộ ông Đinh Hào (thôn 2, xã Nhị Hà) có 5 ha đất trồng lúa 2-3 vụ/năm. Năm 2014, hưởng ứng chủ trương của HND huyện, ông mạnh dạn chuyển đổi 3 ha đất ruộng cho năng suất thấp, không chủ động nước tưới sang trồng hoa màu theo cơ cấu: 1 vụ đậu phộng, luân canh vụ ớt hoặc hoa màu khác…, áp dụng mô hình tưới nước tiết kiệm, mỗi năm, thu lợi nhuận trên 200 triệu đồng, trở thành một trong những nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tiêu biểu của xã nhiều năm liền.

 
Anh Kiều Khánh Trên (thôn Văn Lâm 1, xã Phước Nam) chủ động chuyển 5 sào đất ruộng
không chủ động nước sang trồng cỏ voi, đảm bảo nguồn thức ăn cho đàn gia súc trên 300 con.

Ngoài ra, HND huyện thường xuyên phối hợp các ngành, hỗ trợ, chuyển giao khoa học và công nghệ; xây dựng mối liên kết bền vững trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, nhất là liên kết sản xuất giữa nông dân với doanh nghiệp, tìm đầu ra ổn định... để nông dân yên tâm sản xuất. Hội còn làm tốt vai trò cầu nối giữa Ngân hàng NN& PTNT với nông dân địa phương, tạo điều kiện để bà con tiếp cận được nguồn vốn vay đầu tư phát triển, nhân rộng các mô hình sản xuất, chăn nuôi. Đến nay, toàn huyện có 6.449 lượt hộ được vay vốn, tổng dư nợ đạt hơn 146 tỷ đồng, qua đó, góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện từ 2-3%/năm (theo chuẩn mới), nhiều hộ nghèo vươn lên trở thành hộ khá giả, có tích lũy đầu tư sản xuất. Đơn cử như hộ ông Bùi Văn Thao (thôn Lạc Sơn 1, xã Cà Ná) là hộ nông dân tiêu biểu làm kinh tế giỏi của huyện. Vào HND, ông có cơ hội tham gia các lớp tập huấn KHKT về khai thác, đánh bắt hải sản, đặc biệt được vay vốn từ nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân và nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng NN&PTNT đầu tư trang thiết bị bỗ trợ đánh bắt hiệu quả.

Hiện tại, gia đình ông có 2 tàu công suất 750 CV khai thác hải sản xa bờ. Mỗi năm, cho thu nhập từ 400-500 triệu đồng, giải quyết việc làm cho 30 lao động, với thu nhập bình quân 4-5 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh làm kinh tế giỏi, ông còn nhiệt tình giúp đỡ các hộ khó khăn vươn lên, cùng nhau phát triển kinh tế; tích cực đóng góp các nguồn quỹ của địa phương, góp phần xây dựng nông thôn mới…

Đồng chí Thái Bá Sáu, Chủ tịch HND huyện Thuận Nam, cho biết: Từ việc thực hiện có hiệu quả phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, nhận thức cũng như đời sống của nông dân trên địa bàn huyện được nâng lên, từ đó, tác động tích cực tới những phong trào khác của địa phương như phong trào xây dựng gia đình văn hoá, tham gia xây dựng nông thôn mới… Để phong trào ngày càng đi vào chiều sâu, thời gian tới, HND huyện tiếp tục nâng cao chất lượng phong trào, kịp thời biểu dương và nhân rộng các mô hình sản xuất, kinh doanh đạt hiệu quả cao; đẩy mạnh công tác chuyển giao khoa học kỹ thuật cũng như tìm đầu ra cho sản phẩm của nông dân, góp phần thúc đẩy kinh tế địa phương phát triển bền vững.