Tổ hợp tác nuôi bò sinh sản ở thôn Xóm Đèn

(NTO) Thôn Xóm Đèn (xã Công Hải, huyện Thuận Bắc) hiện có 173 hộ /720 nhân khẩu, sống chủ yếu phụ thuộc vào sản xuất nông nghiệp. Do diện tích đất nông nghiệp chỉ khoảng 250ha, nên ngoài trồng lúa, bắp, đậu xanh, bà con còn phát triển thêm chăn nuôi bò, với tổng đàn hiện có trên 500 con.

Để giúp bà con địa phương phát triển chăn nuôi, năm 2012, từ nguồn vốn Quỹ tín dụng xoay vòng thuộc Dự án Phát triển sinh kế bền vững cho cộng đồng sống trong vùng đệm Vườn Quốc gia Núi Chúa, Hội Phụ nữ tỉnh đã thành lập Tổ hợp tác (THT) chăn nuôi bò sinh sản gồm 43 hộ dân ở thôn Xóm Đèn. Theo đó, mỗi hộ nghèo và cận nghèo tham gia THT được vay 10 triệu đồng để mua 1 con bò giống về nuôi, đúng 3 năm sau THT sẽ thu hồi lại vốn gốc ban đầu để chuyển cho các hộ kế tiếp nhận nuôi.

 
Chị Chamaléa Thị Hiệp thoát nghèo nhờ chăn nuôi bò sinh sản.

Chị Pi-năng Thị Hường, Chi hội trưởng, Tổ trưởng THT chăn nuôi bò sinh sản thôn Xóm Đèn, cho biết: Để mô hình hoạt động hiệu quả, Hội đã hướng dẫn THT xây dựng quy chế hoạt động cụ thể; đồng thời thường xuyên tổ chức để các thành viên gặp gỡ trao đổi kinh nghiệm hỗ trợ nhau chăm sóc đàn bò tốt hơn. Mặt khác, Hội còn phối hợp các ngành chuyên môn tạo điều kiện cho thành viên trong THT tham gia các lớp tập huấn về kỹ thuật chăm sóc bò, cách trồng cỏ, phòng trị một số bệnh thường gặp cho bò... Nhờ đó, sau gần 4 năm hoạt động, từ 43 con bò giống ban đầu, đến nay số bò của THT đã tăng lên 90 con.

Điểm đáng mừng là thông qua mô hình chăn nuôi bò sinh sản, bà con địa phương đã dần thay đổi tập quán chăn nuôi cũ, chuyển sang chăn nuôi tập trung, nên giảm bớt được rủi ro. Khi tham gia THT nuôi bò sinh sản, các chị còn có điều kiện trao đổi kinh nghiệm làm ăn, xây dựng gia đình hạnh phúc. Nhiều chị trong THT đã tham gia gửi tiết kiệm hàng tháng với số tiền 200.000 đồng. Cách làm này không chỉ giúp các hộ nuôi hình thành thói quen tiết kiệm, mà còn trả dần nợ gốc mỗi tháng, nhằm giảm bớt gánh nặng về tài chính vì trả nợ một lần khi đến hạn.

Kết quả đánh giá mô hình cho thấy, kể từ khi tham gia THT nuôi bò sinh sản đến nay đã có 12 hộ thoát nghèo, các hộ còn lại cũng đã dần hoàn trả hết vốn gốc ban đầu. Điều đó cho thấy, mô hình không chỉ tạo cơ hội cho các hộ vươn lên thoát nghèo, mà còn mở ra hướng đi phù hợp với lợi thế phát triển kinh tế của địa phương. Chị Chamaléa Thị Hiệp, thành viên THT, chia sẻ: Nhờ tham gia THT chăn nuôi bò sinh sản, đến nay ngoài trả hết nợ gốc, gia đình đã có 3 con bò làm vốn, đây là động lực để tiếp tục phát triển kinh tế.

Để mô hình chăn nuôi bò sinh sản ngày càng được nhiều hộ dân hưởng lợi, theo đồng chí Chị Katơr Thị Biệt, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Công Hải, thời gian tới, ngoài việc tiếp tục nhân rộng mô hình ra các thôn khác, Hội còn tranh thủ các nguồn vốn để tạo điều kiện cho chị em phát triển chăn nuôi, vươn lên thoát nghèo bền vững.