Ninh Thuận Kỳ vọng điểm đến của Việt Nam trong tương lai

Tiềm năng thu hút đầu tư

Ninh Thuận thuộc vùng Duyên hải Nam Trung Bộ, có vị trí thuận lợi nằm trên giao điểm 3 trục giao thông chiến lược là Quốc lộ 1A, đường sắt Bắc Nam và Quốc lộ 27 lên Nam Tây Nguyên; đồng thời, là cửa ngõ nối vùng kinh tế trọng điểm kinh tế Đông Nam Bộ với các tỉnh Tây Nguyên và Nam Trung Bộ; cách Sân bay quốc tế Cam Ranh 60 km, Cảng biển Cam Ranh (có khả năng tiếp nhận tàu 50.000 tấn) 40 km và cảng trung chuyển quốc tế Vân Phong 150km. Ninh Thuận có khí hậu nhiệt đới gió mùa điển hình với đặc trưng khô nóng, bốc hơi mạnh, độ mặn nước biển cao; tốc độ gió lớn nhất cả nước (trung bình 7,5m/s); ngoài ra, số giờ nắng trung bình trong ngày cao nhất cả nước (7,7 giờ mỗi ngày) với cường độ bức xạ khá lớn. Có thể nói, Ninh Thuận là địa bàn có điều kiện lý tưởng để phát triển năng lượng sạch (năng lượng gió và mặt trời) và công nghiệp sản xuất muối…Bên cạnh đó, khí hậu khô hạn đã tạo cho Ninh Thuận có thể phát triển các loại cây trồng, vật nuôi đặc thù có năng suất, chất lượng cao, sản xuất được quanh năm.

 
Một góc khu Aniise Resort Ninh Chử (thị trấn Khánh Hải, Ninh Hải).

Ngoài cây nho với sản lượng hàng năm ổn định từ 60.000-65.000 tấn dùng cho chế biến rượu nho, nho khô... các sản phẩm khác như mía, táo, thịt gia súc (bò, dê, cừu)... với sản lượng lớn, có thể mở rộng quy mô, diện tích, đáp ứng được nhu cầu về nguồn nguyên liệu cho công nghiệp chế biến. Với bờ biển dài 105 km, ngư trường Ninh Thuận có thể khai thác quanh năm, được xác định là một trong 4 ngư trường trọng điểm của cả nước với tổng trữ lượng cá, tôm tương đối lớn, khả năng khai thác 50.000 tấn/năm với nhiều loại hải sản có giá trị kinh tế cao, có thể phục vụ cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu. Về nuôi trồng hải sản, vùng biển Ninh Thuận là nơi sinh sống của nhiều loài hải sản đặc thù, có nguồn giống bố mẹ dồi dào và môi trường nước biển trong sạch là địa bàn lý tưởng để sản xuất các loại giống có chất lượng cao, nhất là tôm giống và ốc hương giống. Về du lịch, là tỉnh nằm trong vùng du lịch trọng điểm của cả nước, với nhiều bãi tắm đẹp và nổi tiếng như Ninh Chử, Cà Ná, Bình Tiên, Vĩnh Hy, môi trường nước biển trong sạch, thời tiết nắng ấm quanh năm nên Ninh Thuận có tiềm năng lớn trong phát triển du lịch biển. Ngoài ra trên địa bàn Ninh Thuận có nhiều công trình văn hóa, các di tích lịch sử đang được bảo tồn, nhiều lễ hội văn hóa đặc thù của dân tộc Chăm được giữ gìn. Đó là những giá trị văn hóa phi vật thể phong phú, đa dạng, những vốn quý, góp phần quan trọng trong phát triển du lịch văn hóa nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội nói chung. Ngoài ra, Ninh Thuận có lợi thế để phát triển những ngành, lĩnh vực kinh tế đặc thù như cảng biển và dịch vụ cảng biển, công nghiệp biển (vật liệu xây dựng, khai thác Titan)…

 
Nho - cây đặc sản cho giá trị kinh tế cao, góp phần tăng thu nhập, nâng cao đời sống cho nông dân trong tỉnh.
 
 
Nhà máy Sản xuất khăn bông Quảng Phú (Ninh Sơn) hoạt động hiệu quả, góp phần phát triển kinh tế địa phương.  Ảnh: V.M

Khơi thông dòng chảy đầu tư mới

Để khai thác các tiềm năng, lợi thế sẵn có, trong những năm qua Ninh Thuận đã có nhiều chương trình, dự án đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội từ nguồn nội lực của tỉnh, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương và các tỉnh bạn thông qua các chương trình hợp tác. Theo đó, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển khá và ổn định, tốc độ tăng trưởng (GDP) bình quân giai đoạn 2011-2015 đạt 10,3%/năm, cơ cấu kinh tế có bước chuyển dịch tích cực, các vấn đề an sinh xã hội được quan tâm thực hiện, đời sống nhân dân từng bước được nâng cao. Về lĩnh vực thu hút đầu tư, có thể nói đến nay Ninh Thuận là một trong những địa phương được nhiều nhà đầu tư lựa chọn và được kỳ vọng sẽ là điểm đến của Việt Nam trong tương lai. Đến nay, trên địa bàn tỉnh có 325 dự án được cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư và chấp thuận địa điểm đầu tư, với tổng vốn đăng ký khoảng 115.000 tỷ đồng; trong đó có 284 dự án cấp giấy chứng nhận đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư với tổng vốn đăng ký 57.820 tỷ đồng; có 41 dự án được chấp thuận địa điểm đầu tư với tổng vốn đăng ký 58.092,3 tỷ đồng, tập trung các lĩnh vực phát triển du lịch, năng lượng, sản xuất giống thủy sản, chế biến nông thủy sản, khai thác, chế biến khoáng sản...

 
Điểm du lịch Hòn Cò (Cà Ná). Ảnh: Đ.Nhi
 
 
Tuyến đường ven biển Bình Tiên- Cà Ná dài 106km hoàn thành và đưa vào sử dụng, mở hướng liên kết vùng trong phát triển kinh tế nói chung
và tạo động lực phát triển kinh tế biển, bảo đảm giao thông thông suốt trong những năm tới.
Trong ảnh: Tuyến đường đoạn Vĩnh Hy-  Bình Tiên.

Những thay đổi này được bắt đầu từ cách làm khá mới: Quy hoạch để tạo ra những lợi thế cạnh tranh, từ đó thu hút đầu tư. Theo đó, Ninh Thuận là tỉnh đầu tiên của cả nước thuê nhà tư vấn nước ngoài lập chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, quy hoạch chung xây dựng Tp. Phan Rang-Tháp Chàm và dải ven biển. Nhờ được quy hoạch hợp lý, tỉnh Ninh Thuận đã biến những điều bất lợi là nắng, gió và cát... thành lợi thế cạnh tranh. Theo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, mục tiêu phát triển đến năm 2020 đã được xác định như sau: Xây dựng Ninh Thuận trở thành điểm đến của Việt Nam trong tương lai, kinh tế phát triển nhanh và bền vững theo mô hình kinh tế “xanh”, tốc độ tăng GDP bình quân 18-19%/năm; GDP bình quân đầu người năm 2015 đạt 1.400 USD và đến năm 2020 đạt 2.800 USD, bằng 85% mức thu nhập bình quân đầu người của cả nước. Tỉnh ưu tiên phát triển 6 nhóm ngành trụ cột, gồm: năng lượng; du lịch; nông-lâm-thủy sản; công nghiệp; giáo dục-đào tạo và xây dựng, kinh doanh bất động sản, với mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, 6 cụm ngành này đóng góp 91% GDP, giải quyết 85% lao động của tỉnh.

 
Nhà máy Bia Sài Gòn- Ninh Thuận hoạt động đạt hiệu quả cao trong sản xuất, kinh doanh và nhu cầu tiêu thụ sản phẩm trên thị trường
đã tạo động lực cho Công ty Cổ phần Bia Sài Gòn-Ninh Thuận đầu tư phát triển, mở rộng quy mô sản xuất.
 
 
Công ty TNHH Thông Thuận chú trọng đầu tư thiết bị hiện đại, nâng cao chất lượng sản phẩm.

Riêng về năng lượng sạch, với việc đầu tư xây dựng nhà máy điện hạt nhân; phát triển các nhà máy điện gió, đến năm 2020, Ninh Thuận sẽ giải quyết 5-8% nhu cầu năng lượng quốc gia. Nhìn vào những cơ hội trong tương lai, Ninh Thuận đang có kế hoạch chuẩn bị các điều kiện sẵn sàng đón nhận dòng chảy đầu tư mới, nhất là tập trung cải thiện mạnh mẽ hơn môi trường đầu tư để thật sự trở thành điểm đến thân thiện, hấp dẫn và cạnh tranh trong khu vực. Tại Hội nghị lần này, tỉnh Ninh Thuận ưu tiên các dự án đầu tư vào các cụm ngành kinh tế trụ cột của tỉnh, là lĩnh vực có lợi thế cạnh tranh với khoảng 57 dự án tiềm năng kêu gọi đầu tư với số tiền khoảng 20.000 tỷ đồng ở các lĩnh vực: năng lượng; du lịch; nông nghiệp, thủy sản; sản xuất công nghiệp; giáo dục đào tạo; xây dựng và bất động sản. Quan điểm của tỉnh tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư lần này là thu hút đầu tư có chọn lọc, chất lượng, bảo đảm môi trường, thân thiện với môi trường; không thu hút tràn lan dẫn tới kém chất lượng.

Theo TTXVN
Ông Luc Van nerom,

Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Nam Núi Chúa:

Nhớ lại thời điểm 10 năm trước, lúc đó, Ninh Thuận chưa có nhiều nhà đầu tư, chúng tôi cũng chưa có kinh nghiệm đầu tư tại Việt Nam, cũng như đầu tư tại Ninh Thuận, nhưng chúng tôi đã nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của tỉnh Ninh Thuận. Chúng tôi học được cách để làm việc với nhau, để 2 bên cùng tìm được tiếng nói chung vì cách làm ở Việt Nam không giống như cách làm ở Bỉ, cho nên khi chúng tôi đầu tư tại Việt Nam, chúng tôi phải quay về Bỉ để giải thích cho các cổ đông tại Bỉ hiểu, đó là vấn đề khó khăn của chúng tôi. Điều tuyệt vời nhất là chúng tôi được tạo điều kiện rất tốt từ tỉnh Ninh Thuận để xây dựng dự án trong khu vực Vườn Quốc gia Núi Chúa. Trong tương lai, chúng tôi cam đoan sẽ nâng cấp và mở rộng bằng hết khả năng mà chúng tôi có thể và chúng tôi sẽ cộng tác tốt với người dân địa phương, tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương và mang văn hóa, ẩm thực địa phương giới thiệu với du khách quốc tế. Tôi hy vọng rằng tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư lần nay, Ninh Thuận sẽ tiếp tục thu hút mạnh mẽ các nhà đầu tư về du lịch gắn với bảo vệ môi trường, quảng bá và giới thiệu nhiều hơn nữa văn hóa, con người Ninh Thuận đến với bạn bè trong nước cũng như quốc tế.

Ông Trần Phú Chiến,

Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đầu tư Hacom Holdings

kiêm Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Thành Đông Ninh Thuận:

Năm 2010, cũng từ một Hội nghị Xúc tiến đầu tư của tỉnh mà công ty chúng tôi đã trở thành một trong những nhà đầu tư tiên phong vào Ninh Thuận với dự án đầu tiên là Công viên Biển Bình Sơn. Đến nay, Thành Đông tiếp tục được chính quyền sở tại tin tưởng giao thêm 2 dự án nữa, đó là Khu đô thị mới Đông Bắc (K1) có vị trí tọa lạc tại trung tâm Tp. Phan Rang-Tháp Chàm (đoạn tiếp giáp Quảng trường 16 Tháng 4 và các tuyến đường chính như: Ngô Gia Tự, Nguyễn Văn Cừ, Nguyễn Tri Phương, Trần Nhân Tông, Cao Bá Quát, Hoàng Diệu) và Dự án Khu đô thị biển cao cấp Bình Sơn-Ninh Chử nằm trong tổng thể phát triển chung của thành phố định hướng đến năm 2020, với triển vọng tạo nên một hệ thống hạ tầng đô thị hoàn chỉnh, hiện đại, góp phần đáp ứng nhu cầu của Nhân dân, thúc đẩy nền kinh tế của Tp. Phan Rang-Tháp Chàm nói riêng và của tỉnh nói chung ngày càng phát triển và giàu đẹp. Những dự án nói trên là minh chứng rõ nét, khẳng định Ninh Thuận thực sự là môi trường đầu tư đầy tiềm năng, một “điểm đến” khác biệt, mở ra nhiều cơ hội để doanh nghiệp phát triển với chính sách thu hút đầu tư thực sự thông thoáng từ khâu thủ tục đầu tư, pháp lý đến khâu giải phóng mặt bằng và tạo mọi điều kiện để nhà đầu tư triển khai thực hiện dự án.

Thông qua Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào Ninh Thuận năm 2016, tôi mong rằng UBND tỉnh ưu tiên thu hút đầu tư vào các lĩnh vực thế mạnh của địa phương, đặc biệt là du lịch-dịch vụ-thương mại, nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế sẵn có. Tiếp tục có những chính sách thực sự thu hút, cơ chế thông thoáng để mời gọi các nhà đầu tư. Nhân đây, tôi cũng kêu gọi các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh chung tay cùng Thành Đông trong triển khai thực hiện các dự án mới để góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, tạo nên diện mạo mới cho tỉnh Ninh Thuận như kỳ vọng của người dân trong một tương lai không xa.

Ông Nguyễn Vũ Hoàng Chinh,

Giám đốc Sacombank Chi nhánh Ninh Thuận:

Là doanh nghiệp có thời gian đóng trên địa bàn tỉnh gần 10 năm, chúng tôi cảm nhận các chính sách mà tỉnh đã dành cho các nhà đầu tư khi đăng ký hoạt động là khá tốt. Không những vậy, với quyết tâm cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư, Ninh Thuận đang ngày càng thu hút được nhiều dự án lớn đầu tư vào tỉnh. Trong đó, đáng chú ý có một số dự án lớn đã hoàn thành đi vào hoạt động như Nhà máy Bia Sài Gòn – Ninh Thuận đã đóng góp ngân sách cho tỉnh rất lớn; một số dự án mới đang chuẩn bị đầu tư như: Khu dịch vụ Du lịch nghỉ dưỡng cao cấp dọc đường ven biển phía Nam (Đoạn Mũi Dinh – Cà Ná); Dự án tổ hợp luyện, cán thép Hoa Sen Cà Ná tại khu công nghiệp Cà Ná... và sắp tới đây tỉnh còn có thêm 2 dự án mới sẽ khởi công, đó là Dự án điện gió Trung Nam của Công ty Cổ phần Trung Nam; Khu Đô thị biển Bình Sơn – Ninh Chử, do Công ty Cổ phần Đầu tư Hacom Holdings làm chủ đầu tư, sẽ tạo thêm điểm nhấn làm đòn bẩy để làn sóng đầu tư mới được kỳ vọng vào Ninh Thuận ngày một nhiều hơn.

Với kinh nghiệm, uy tín và tiềm lực của mình, thời gian qua, Sacombank luôn đồng hành cùng cá nhân, doanh nghiệp và đóng góp một phần phát triển kinh tế -xã hội chung tại địa phương. Đặc biệt, tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư vào tỉnh Ninh Thuận năm 2016, Sacombank sẽ thực hiện ký Hợp đồng tài trợ vốn tín dụng cho các doanh nghiệp đang và sẽ thực hiện dự án trên địa bàn tỉnh. Cụ thể là ký biên bản ghi nhớ tài trợ dự án Khu du lịch Mũi Dinh EcoPark của Công ty Cổ phần Mũi Dinh EcoPark, nhằm đồng hành cùng tỉnh khai thác tốt các tiềm năng, thế mạnh vốn có trong lĩnh vực du lịch mà tỉnh đang ưu tiên kêu gọi, đầu tư phát triển.