Nhìn từ HTX nông nghiệp trong xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới

(NTO) Từ khi có Luật Hợp tác xã (HTX) năm 1996, 2003 và gần đây là Luật HTX năm 2012 ra đời, với chủ trương của Đảng và những chính sách của Nhà nước về khuyến khích phát triển kinh tế tập thể, nòng cốt là HTX nói chung, HTX nông nghiệp nói riêng đã có bước phát triển mới cả về số lượng, chất lượng, quy mô và hình thức hoạt động ngày càng đa dạng, phong phú.

Kinh tế tập thể phát triển đa dạng

Trong những năm qua, toàn tỉnh đã thành lập mới thêm 260 Tổ hợp tác (THT), nâng tổng số lên 1.160 THT, với 11.060 thành viên. Số THT có đăng ký hoặc chứng thực với chính quyền địa phương (UBND xã) là 566 THT (chiếm 48,8%) đang hoạt động. Doanh thu bình quân hiện nay của THT ước đạt 150 triệu đồng/năm, tăng 1,3 lần so với năm 2011; lợi nhuận bình quân ước đạt 33 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của các thành viên khoảng 20 triệu đồng/năm.

Đối với kinh tế HTX, toàn tỉnh hiện có 76 HTX, với hơn 30.000 thành viên, trong đó có 42 HTX nông nghiệp; số còn lại là các loại hình HTX khác.

Tính đến trước thời điểm ngày 1-7-2016, theo quy định của Luật HTX năm 2012, toàn tỉnh có 60 HTX đã hoàn thành việc chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012 (trong đó có 42 HTX nông nghiệp, với hơn 20.000 thành viên). Tuy còn ở nhiều mức độ khác nhau, nhưng hầu hết các HTX nông nghiệp đã chủ động vươn lên, thực sự trở thành chỗ dựa tin cậy cho các thành viên. Ngoài ra, HTX còn đóng vai trò chủ lực, hỗ trợ cho kinh tế hộ phát triển, đặc biệt là những hộ nghèo, thiếu vốn sản xuất… Hàng năm, doanh thu trung bình 1.500 triệu đồng/năm, trong đó doanh thu đối với thành viên là 1.050 triệu đồng/năm và doanh thu đối với thị trường bên ngoài thành viên là 450 triệu đồng/năm. Lợi nhuận trung bình 130 triệu đồng/năm; thu nhập bình quân của người lao động làm việc thường xuyên trong HTX là 36 triệu đồng/năm.

 
Các thành viên HTX Kinh doanh - Dịch vụ Nông nghiệp Như Bình kiểm tra áp dụng mô hình “1 phải, 5 giảm” trên cây lúa.Ảnh: V.T

Các loại hình làm dịch vụ của HTX nông nghiệp như: Thủy lợi, làm đất, cung cấp giống lúa mới, vật tư nông nghiệp, hỗ trợ vốn sản xuất, thu hoạch… đã hỗ trợ đắc lực trong sản xuất nông nghiệp cho các thành viên, đặc biệt là các thành viên nghèo, thiếu vốn, gặp khó khăn trong cuộc sống...; hạn chế được tình trạng bán lúa non, cho vay nặng lãi, sang nhượng ruộng đất “lộn xộn” ở nông thôn…, góp phần ổn định tình hình an ninh trật tự tại địa phương.

Hàng năm khu vực kinh tế tập thể đã đóng góp 7,94% vào tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) của tỉnh. Điều đặc biệt hơn, kinh tế HTX đã thật sự góp phần quan trọng trong công cuộc xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới hiện nay.

Nhận thức rõ hơn về “Mô hình HTX kiểu mới”

Với mô hình HTX kiểu mới hiện nay, cũng cần khẳng định thêm, đó là mô hình trước hết, HTX nói chung, HTX nông nghiệp nói riêng được thành lập có tư cách pháp nhân, là tổ chức do các thành viên tự nguyện góp vốn thành lập, tự quản lý, dân chủ, bình đẳng… hoạt động vì lợi ích của thành viên với thành phần chủ yếu là nông dân. Thành viên HTX bầu ra bộ máy, cán bộ quản lý và điều hành-người cùng sống trong cộng đồng dân cư thông qua Đại hội thành viên. Do vậy, HTX nông nghiệp là tổ chức kinh tế, đại diện quyền lợi cho bà con nông dân, nên được người dân tin tưởng và gửi gắm tất cả niềm tin.

Tiếp đến, HTX nông nghiệp là tổ chức có vai trò làm cầu nối giữa chính quyền địa phương với người dân, góp phần giải quyết các mối quan hệ trong sản xuất, lao động giữa HTX với các cơ quan nhà nước, các tổ chức kinh tế-xã hội khác có liên quan đến đời sống người lao động. Tiếp nhận và chuyển giao các chương trình mục tiêu quốc gia; ứng dụng các tiến bộ khoa học-kỹ thuật giúp nông dân sản xuất với năng suất, chất lượng cao hơn và đời sống người dân được cải thiện.

Trong quá trình thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hiện nay, một trong 19 tiêu chí, trong đó có vai trò hết sức quan trọng là tiêu chí về hình thức tổ chức sản xuất tiên tiến (tiêu chí 13). Bởi lẽ, để xã đạt chuẩn nông thôn mới thì phải có hình thức tổ chức kinh tế hợp tác (THT hoặc HTX) phát triển và hoạt động có hiệu quả. Do đó, vai trò của tổ chức kinh tế hợp tác, mà nòng cốt là vai trò của HTX nông nghiệp rất quan trọng, vừa hỗ trợ để thực hiện những tiêu chí cần đạt được theo quy định của Nhà nước, vừa là điều kiện cần thiết nhằm phát huy nội lực của người dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới.

Thực tiễn cho thấy, vấn đề xây dựng nông thôn mới thời gian qua ở tỉnh ta, kinh tế tập thể, mà nòng cốt là HTX nói chung, HTX nông nghiệp nói riêng, nếu phát triển đúng hướng và phù hợp sẽ là yếu tố và động lực quan trọng góp phần tạo nền tảng thúc đẩy quá trình xây dựng nông thôn mới. Chúng ta có thể nhìn rõ dưới ba góc độ: Vừa làm tốt dịch vụ cho người dân, vừa góp phần nâng cao thu nhập cho nông dân và vừa có tích lũy nội bộ từ hoạt động sản xuất, kinh doanh để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng ở nông thôn.

Ðiều đặc biệt, trong những năm gần đây, với yêu cầu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp, kinh tế HTX đã có bước phát triển mới cả về số lượng, chất lượng và hiệu quả hoạt động từng bước được nâng cao, với đủ các loại hình dịch vụ, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh ở khu vực nông thôn phát triển. Hiện nay, hầu hết các HTX nông nghiệp đều tổ chức và điều hành theo hướng làm dịch vụ thủy lợi, kiên cố hóa kênh mương, giao thông nội đồng, làm đất, thu hoạch... Nhiều HTX ngày càng đóng vai trò quan trọng, đã chủ động hình thành các Tổ sản xuất, Đội dịch vụ nông nghiệp và cùng với chính quyền địa phương tham gia đầu tư xây dựng nhiều công trình phúc lợi, nhiều tuyến kênh mương, giao thông nội đồng, góp phần làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng khởi sắc.

Nhiều HTX đã nhanh chóng thích nghi với cơ chế thị trường, tạo sự liên doanh, liên kết, hợp tác với nhau và với các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh, với các tổ chức kinh tế khác..., mang lại hiệu quả kinh tế cao cho thành viên như: Liên doanh, liên kết trong sản xuất giống mới (bắp, lúa...), bảo đảm đầu ra cho sản phẩm của nông dân được ổn định hơn.

Mặt khác, HTX nông nghiệp cũng đã tham gia tích cực vào các hoạt động mang tính công ích ở địa phương như: Làm dịch vụ thu gom rác thải, bảo vệ môi trường..., góp phần làm thay đổi cảnh quan môi trường ở nông thôn, làm thay đổi căn bản đời sống của người dân ở địa phương.