Thương hiệu Nho Ba Mọi: Từ nông dân đến doanh nhân

(NTO) Trang trại nho Ba Mọi (Doanh nghiệp (DN) tư nhân Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Ba Mọi ở thôn Hiệp Hòa, Phước Thuận, Ninh Phước) chuyên cung cấp nho ăn tươi và các sản phẩm chế biến từ nho cho thị trường. Khách du lịch khi đến vùng đất Ninh Thuận đầy nắng và gió, muốn tìm hiểu về đặc sản nho, đều chọn điểm ghé lại đầu tiên là Trang trại này. Ở đó, khách sẽ được tham quan vườn nho trĩu quả và được ông Nguyễn Văn Mọi (Ba Mọi), chủ trang trại, nồng nhiệt tiếp đón.

Hình ảnh ông chủ trang trại gần 70 tuổi, cao lớn, rắn rỏi, thân thiện và có lối ăn nói hoạt bát, am hiểu về nho đã gây ấn tượng khó quên cho nhiều khách tham quan. Bây giờ sản phẩm của thương hiệu Nho Ba Mọi được nhiều người tiêu dùng trong nước biết đến, nhưng ít ai biết để có được cơ ngơi như hôm nay, ông Ba Mọi đã phải đầu tư nhiều công sức bằng tình yêu đặc biệt dành cho cây nho. Xuất thân từ một nông dân bình thường, ông là một trong những người đi tiên phong trồng nho ngay trong những năm đầu thập niên 80 của thế kỷ trước. Ông kể lại: Hồi đó đất mới, nho là cây trồng mới, môi trường không ô nhiễm nhiều nên chưa có sâu bệnh. Khởi đầu trồng giống nho đen Repe trên diện tích 500m2, hằng đêm ông phải thắp đèn hột vịt, loay hoay cả đêm để bắt con dù dù, một loài côn trùng phá nho. Sau này có giống nho đỏ Red Cardinal, ông đem về trồng và từ năm 2001 ông bắt đầu trồng giống nho xanh NH-0148. Sau quá trình phát triển, ngày nay trang trại ông mở rộng với diện tích ngót 2 ha.

 
Sau khi được cấp Giấy chứng nhận canh tác theo quy trình VietGap, Nho Ba Mọi đã khẳng định được vị thế trên thị trường.  Ảnh: D.A

Năm 2000, trong khi nhiều người từ bỏ nho chuyển sang trồng táo hoặc cây trồng mới hiệu quả kinh tế hơn, ông Ba Mọi vẫn bám vào nho. Nhờ sự giúp đỡ của Viện Khoa học kỹ thuât nông nghiệp miền Nam và Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, ông áp dụng mô hình dùng phân hữu cơ vi sinh bón trên cây nho đạt kết quả. Đến năm 2007, khi bắt đầu có chương trình canh tác VietGAP (tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp tốt), ông Ba Mọi theo luôn và đến năm 2010 được cấp giấy chứng nhận. Việc xây dựng sản phẩm nho ăn tươi theo tiêu chuẩn VietGAP có thể coi là bước ngoặt cho DN Ba Mọi phát triển, hiện có trên 70% sản lượng sản phẩm của DN tiêu thụ chủ yếu ở thị trường ngoài tỉnh. Đặc biệt từ nguồn nguyên liệu nho địa phương, Trang trại nho Ba Mọi đã làm ra các sản phẩm như: Rượu vang nho, nước ép nho. Đến nay với 6 cửa hàng, đại lý, siêu thị tại thị trường chủ yếu là Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Quảng Ninh và gần đây được mở rộng tiêu thụ tại Đà Nẵng, Vinh (Nghệ An), hằng tháng bình quân DN có sản lượng tiêu thụ gần 80 tấn nho tươi và 250 chai rượu.

Nhớ lại sự hình thành thương hiệu “Nho Ba Mọi”, ông Ba Mọi cho biết, tất cả là nhờ người con trai học Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh. Sau khi tốt nghiệp đại học, bằng kiến thức của mình, người con đã đưa sản phẩm đi tiếp thị, làm các thủ tục pháp lý xây dựng thương hiệu và từ năm 2004 chính thức được cơ quan chức năng cấp giấy chứng nhận thương hiệu. Tuy có đến trên 80% sản lượng thu hoạch của trang trại nho là phục vụ ăn tươi, nhưng chính các sản phẩm chế biến từ nho đã làm cho thương hiệu nho Ba Mọi lan tỏa, đặc biệt là rượu vang. Để có nguyên liệu làm rượu vang, ngoài 1,5 ha nho trồng ăn tươi, Trang trại nho Ba Mọi dành 0,5 ha trồng nho rượu gồm các giống: Syrah (nho rượu đỏ), giống Cabernet Sauvignon (nho rượu trắng) và Sauvignon Blanc (nho rượu trắng). Nho chín, thu hoạch xong phải trải qua qui trình chế biến có nhiều công đoạn phức tạp, mất thời gian từ 1 đến 1 năm rưỡi mới cho ra chai vang Ba Mọi có dung tích 0,75 lít (quy chuẩn Quốc tế). Sản phẩm thứ hai là nước ép nho, được tận dụng từ thu tỉa và dành một phần sản lượng từ nho thu hoạch, hằng năm trang trại nho Ba Mọi đã đưa khoảng 3-4 tấn nho vào chế biến thứ nước giải khát ngon ngọt này với sản lượng 5.000-6.000 chai (dung tích 0,5 lít). Gần đây để tăng thêm sản phẩm nho chế biến, ông Ba Mọi đã đầu tư 500 triệu đồng lắp thêm 1 dây chuyền xử lý nho sau thu hoạch (rửa, sấy bằng quạt), làm ra các sản phẩm như: nho sấy khô, mứt nho miến đông.

 
Ông Nguyễn Văn Mọi giới thiệu quy trình trồng nho với du khách tham quan.Ảnh: Thanh Long

Vừa là nông dân, vừa là Giám đốc DN, ông Ba Mọi đã xây dựng trang trại nho của mình trở thành điển hình cho xu hướng phát triển mới của nghề trồng nho ở tỉnh ta. Dù sản phẩm chế biến sau nho ăn tươi chưa nhiều, nhưng nhờ xây dựng được thương hiệu, nho Ba Mọi đã góp phần quảng bá rộng rãi sản phẩm nho Ninh Thuận. Tất cả các khách tham quan vườn nho của ông đều được ăn nho, uống si rô, rượu nho miễn phí và trò chuyện với ông. Bận bịu mấy, ông cũng cố dành thời gian chia sẻ với khách tham quan về cách nhận biết nho Ninh Thuận, cách làm rượu nho và những lợi ích do rượu vang nho Ninh Thuận mang lại.

Băn khoăn trước yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng, ông Ba Mọi tâm sự: Nếu chỉ một trang trại nhỏ như của ông sẽ không đáp ứng nổi, điều cần thiết hiện nay là phải có sự hỗ trợ của Nhà nước, tạo điều kiện cho các vùng trồng nho VietGAP trong tỉnh liên kết với các DN chế biến, có đầu ra ổn định và sản phẩm thống nhất, hướng đến nâng tầm giá trị kinh tế của nho bằng cách hạn chế bán tươi và đẩy mạnh chế biến sản phẩm từ nho.