Hãy ngừng sử dụng sừng tê giác

Nhằm tiếp tục thúc đẩy và khuyến khích cộng đồng thể hiện thái độ không khoan nhượng với việc buôn bán và tiêu thụ động, thực vật hoang dã, trong Ngày Tê giác thế giới 22/9, Ban Tổ chức chiến dịch Giảm thiểu nhu cầu sử dụng sừng tê giác tại Việt Nam phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức chuơng trình nghệ thuật mang tên "Nghệ thuật thể hiện đẳng cấp".

Chương trình diễn ra trong 3 ngày, từ 22-24/9, với mong muốn thay đổi hành vi thể hiện đẳng cấp của cộng đồng doanh nghiệp và công chúng với thông điệp: Hãy ngừng sử dụng sừng tê giác, hãy thể hiện đẳng cấp thông qua nghệ thuật.

Hoạt động chính của chương trình là triển lãm nghệ thuật mỹ thuật đương đại Việt Nam với tên gọi “Trọng lực” trưng bày các tác phẩm của các hoạ sĩ đương đại hàng đầu Việt Nam… Các tác phẩm được trưng bày sẽ được bán đấu giá trong suốt thời gian diễn ra triển lãm.

Theo Ban Tổ chức, chương trình "Nghệ thuật thể hiện đẳng cấp" hy vọng sẽ tiếp sức cho những nỗ lực thay đổi hành vi tiêu thụ trái phép động, thực vật hoang dã, từ đó giảm thiểu nhu cầu sử dụng động, thực vật hoang dã tại Việt Nam.

Thông qua chương trình, Ban Tổ chức mong muốn nhận được sự hỗ trợ, đồng hành và cam kết từ cộng đồng doanh nghiệp nói chung và từ những doanh nhân có tầm ảnh hưởng lớn trong cuộc chiến đấu chống lại tội phạm về động, thực vật hoang dã và thói quen sử dụng động, thực vật hoang dã để thể hiện đẳng cấp. Mỗi doanh nhân, thay vì sử dụng sừng tê giác, hãy thưởng thức nghệ thuật để thể hiện bản lĩnh cá nhân và đẳng cấp lãnh đạo của mình.

Ông Nguyễn Xuân Phú, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ TP. Hà Nội, Chủ tịch Tập đoàn Sunhouse, Đại sứ doanh nhân của chiến dịch, cho biết, bảo vệ thiên nhiên, bảo vệ động vật hoang dã không phải là nhiệm vụ của một cá nhân nào, mà là trách nhiệm của toàn cộng đồng.

“Đây là việc làm không chỉ là giúp doanh nghiệp Việt Nam tránh các rủi ro kinh doanh, mà còn là cơ hội tạo vị thế cạnh tranh và thực chất về lâu dài là sự phát triển bền vững của họ”, ông Phú chia sẻ.

Các nghiên cứu về hành vi của người tiêu dùng, do Mạng lưới Giám sát buôn bán động, thực vật hoang dã (TRAFFIC) và Tổ chức Truyền thông thay đổi hành vi Intelligentmedia thực hiện, đã chỉ ra nhu cầu sử dụng động, thực vật hoang dã nhằm thể hiện đẳng cấp. Tuy nhiên, hành vi sử dụng động, thực vật hoang dã là vi phạm pháp luật. Nhu cầu tiêu thụ động, thực vật hoang dã tại Việt Nam nói riêng và châu Á nói chung đã và đang góp phần làm gia tăng số lượng các cuộc săn bắt trái phép ở châu Phi.
Nguồn www.chinhphu.vn