Trường THPT Chu Văn An: Tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh

(NTO) Xác định công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho học sinh (HS) là nhiệm vụ quan trọng của nhà trường. Trong năm học mới 2016-2017, Ban Giám hiệu Trường THPT Chu Văn An (Tp. Phan Rang-Tháp Chàm) đã đề ra nhiều giải pháp đổi mới, linh hoạt giúp HS trang bị kỹ năng sống, có thái độ và hành xử đúng đắn trong môi trường giáo dục và trong cuộc sống.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Liên, Phó Hiệu trưởng nhà trường, chia sẻ: Giáo dục đạo đức cho HS là vấn đề hết sức cần thiết và cấp bách. Để đảm bảo cho việc giáo dục HS đạt hiệu quả, việc phối hợp giữa gia đình, nhà trường và xã hội rất quan trọng. Bên cạnh việc “dạy chữ” thì nhà trường cũng chú trọng vào phục vụ “dạy người”.

 
Giờ học môn Giáo dục công dân của học sinh lớp 10 Trường THPT Chu Văn An.

Để thực hiện hiệu quả công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS, ngay từ đầu năm học, cùng với việc xây dựng kế hoạch, tổ chức các hoạt động chuyên môn, nhà trường đã xây dựng kế hoạch cụ thể cho công tác giáo dục đạo đức, kỹ năng sống và tổ chức các hoạt động giáo dục ngoại khóa cho HS. Các nội dung hoạt động được vận dụng linh hoạt, phù hợp với đặc điểm, điều kiện của nhà trường, cụ thể hóa theo chủ đề hàng tháng. Thông qua các hoạt động này, HS được phát triển kỹ năng xử lý tình huống, ứng xử trong quan hệ với bạn bè, người thân và xã hội; đồng thời, hướng các em vào các hoạt động tập thể, tăng cường sự đoàn kết, hạn chế việc sa đà vào các hoạt động không lành mạnh ảnh hưởng tới quá trình học tập và rèn luyện, nhằm bổ sung kiến thức cho các em về tâm sinh lý lứa tuổi, ý thức và trách nhiệm của bản thân với nhà trường, gia đình và xã hội, cũng như ý thức chấp hành pháp luật. Ngoài ra, Ban Giám hiệu cũng chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm lồng ghép các nội dung giáo dục đạo đức, lối sống trong các môn học và trong các hoạt động giáo dục ngoài giờ lên lớp. Bên cạnh đó, nhà trường thường xuyên giữ liên hệ với gia đình HS bằng nhiều hình thức để có sự phối hợp tốt trong giáo dục các em tại gia đình và nhà trường.

Nhà trường cũng chú trọng đến công tác phổ biến kiến thức pháp luật và đặc biệt là pháp luật về giao thông. Ngay từ đầu năm học mới, nhà trường đã mời Cảnh sát giao thông và đại diện Sở Tư pháp hướng dẫn và phổ biến cho HS nắm vững các kiến thức pháp luật về an toàn giao thông. Triển khai cho HS ký cam kết không vi phạm đạo đức, pháp luật, trong bản cam kết đưa ra các nội dung về các hành vi, ứng xử đúng mực của HS, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm; đồng thời, quan tâm giáo dục HS cá biệt, HS chưa ngoan để có sự hỗ trợ kịp thời và kết hợp với phụ huynh HS tìm cách uốn nắn, giáo dục giúp đỡ các em ngày càng tiến bộ.

Để công tác giáo dục đạo đức, lối sống cho HS đạt hiệu quả cao, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Liên cho biết thêm: Nhà trường tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Mỗi thầy, cô giáo là tấm gương sáng cho HS noi theo”, quan tâm, ân cần, lắng nghe để tìm hiểu nhu cầu chính đáng của HS; đồng thời, kết hợp với gia đình để giáo dục HS ở nhà; luôn theo dõi diễn biến, hành vi đạo đức của HS để phối hợp cùng gia đình có sự quan tâm giáo dục, uốn nắn kịp thời.