Khơi dậy tính chủ động, sáng tạo qua Hội thi Sáng tạo kỹ thuật

(NTO) Những năm qua, Hội thi Sáng tạo kỹ thuật (STKT) tỉnh tổ chức 2 năm một lần, đã góp phần thúc đẩy phong trào thi đua lao động sáng tạo rộng khắp; trong đó, nhiều giải pháp đã được áp dụng rộng rãi, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH tỉnh nhà.

Qua 3 kỳ hội thi, Ban tổ chức đã nhận được 84 giải pháp tham dự, đã có 29 giải pháp được trao thưởng. Hội thi kỳ sau thu hút số lượng tác giả, những công trình sáng tạo và giải pháp nhiều hơn. Nếu như Hội thi lần thứ I (2010-2011) có 16 giải pháp dự thi, đến Hội thi lần thứ III (2014-2015) đã có 34 giải pháp tham dự. Điều đó chứng tỏ hội thi có sức lan tỏa lớn, thu hút ngày càng nhiều đối tượng tham gia. Nhiều giải pháp xuất sắc với tính ứng dụng thực tiễn cao, hữu ích trong lao động sản xuất, học tập, giúp tiết kiệm lớn trong chi phí sản xuất, đem lại lợi nhuận kinh tế cao đã được vinh danh tại lễ tổng kết và trao giải thưởng.

Anh Nguyễn Phương chế tác khối cầu phong thủy đoạt giải Hội thi Sáng tạo kỹ thuật  lần thứ II. Ảnh: Sơn Ngọc

Qua 3 lần tổ chức hội thi, các giải pháp kỹ thuật thuộc lĩnh vực y tế, giáo dục, điện tử… luôn chiếm số lượng lớn trong tổng số các sản phẩm tham dự Hội thi STKT tỉnh. Điển hình, Hội thi lần thứ III, ngành Y tế mang đến 20/34 giải pháp, trong đó có 3 giải pháp đoạt giải. Trong đó, tiêu biểu là giải pháp “Phát triển cây dược liệu kim ngân (Lonicera jabonica) trên vùng đất Ninh Thuận” của tác giả Bùi Văn Kỳ, Sở Y tế. Giải pháp này đã mở ra một hướng mới trong phát triển nông nghiệp ở vùng đất hạn hán như tỉnh ta, trồng cây dược liệu kim ngân đem lại hiệu quả kinh tế cao. Giải pháp đã được trao giải Nhì và được UBND tỉnh chọn đại diện cho tỉnh Ninh Thuận để đăng trong “Sách Vàng Sáng tạo Việt Nam 2016” và dự Hội thi STKT toàn quốc.

Điều đặc biệt, các giải pháp dự thi đoạt giải và ứng dụng vào thực tiễn đem lại hiệu quả KT-XH cao không chỉ là nhà khoa học, mà tác giả đó là những người lao động phổ thông. Điển hình, ở Hội thi lần thứ I, giải pháp “Máy trợ thở cá nhân” đoạt giải Ba của anh Hồ Tăng Hoạt (phường Thanh Sơn, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm), trình độ học vấn 12/12, là lao động phổ thông. Giải pháp này đã được đề cử tham dự Hội thi STKT toàn quốc và đã được làm thủ tục Bảo hộ Sở hữu trí tuệ dưới dạng Giải pháp hữu ích. Hay như giải pháp “Công nghệ chế tác khối cầu phong thủy” đoạt giải tại Hội thi lần thứ II cũng thuộc tác giả là người lao động phổ thông-ông Nguyễn Phương (phường Phước Mỹ), trình độ học vấn 9/12. Giải pháp này đã được đề cử tham dự Hội thi STKT toàn quốc và đã được làm thủ tục Bảo hộ Sở hữu trí tuệ dưới dạng Giải pháp hữu ích.

Ông Đỗ Trung Thu, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật tỉnh, cho biết: Tuy đạt được một số kết quả nhất định, nhưng vẫn còn những hạn chế. Hội thi STKT của tỉnh qua 3 lần tổ chức chưa thật sự trở thành phong trào thi đua rộng khắp, chưa huy động và phát huy hết sức sáng tạo của mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh, đặc biệt thành phần là cán bộ, công nhân trong các nhà máy, doanh nghiệp hầu như chưa tham gia hội thi. Đặc biệt trong lĩnh vực công nghiệp, nông nghiệp rất ít có giải pháp tham gia...

Phát biểu tại lễ phát động Hội thi STKT lần thứ IV, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, nhấn mạnh: Nhận thức sâu sắc vai trò của khoa học-công nghệ, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành các văn bản chỉ đạo định hướng và tạo điều kiện để khoa học-công nghệ phát triển; đồng thời cũng động viên kịp thời các tác giả có công trình, giải pháp đoạt giải cao tại hội thi. Vì vậy, để Hội thi STKT thực sự trở thành phong trào phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật sâu rộng trong đội ngũ trí thức và người lao động toàn tỉnh, các địa phương, cơ quan, đơn vị cần quan tâm nhiều hơn nữa, động viên, tạo điều kiện cho cán bộ, công nhân, viên chức, người lao động nghiên cứu, sáng tạo khoa học-kỹ thuật; thúc đẩy việc áp dụng có hiệu quả các giải pháp, sáng kiến vào thực tiễn; định hướng nghiên cứu khoa học gắn với các sản phẩm chủ lực, khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của địa phương.

Hội thi STKT lần thứ IV (2016-2017) được phát động từ ngày 26-9-2016 đến 31-7-2017, trên 6 nhóm lĩnh vực: Công nghệ thông tin, điện tử, viễn thông; cơ khí tự động hóa, xây dựng, giao thông vận tải; vật liệu, hóa chất, năng lượng; nông, lâm, ngư nghiệp, tài nguyên-môi trường; y dược và giáo dục - đào tạo. Qua đó, nhằm phát huy và khuyến khích các hoạt động sáng tạo của các tổ chức, cá nhân trong việc áp dụng có hiệu quả các giải pháp kỹ thuật vào sản xuất và đời sống, góp phần tích cực vào công cuộc xây dựng và phát triển KT-XH của tỉnh, thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.