Lai rai ẩm thực

Có thời gian đi hết các địa phương trên đất nước mình, ta mới thấy cái phong phú, đa dạng về ẩm thực. Mỗi vùng miền đều có món ăn… đặc trưng, rất riêng, rất “thương hiệu”, cứ xem như là món… đại diện cho địa phương mình!

Đến các nơi, sau khi việc công, việc “tư” xong xuôi, thoải mái, lúc này ta nhờ “thổ địa” rành rẽ địa bàn, làm hướng dẫn viên cho… “công tác” ẩm thực. Như đến Huế, nói gì thì nói, phải “chén” cho được món bún bò; vào Tiền Giang thì hủ tiếu Mỹ Tho; đến các tỉnh miền Tây-Nam Bộ là phải lẩu mắm, lẩu cá ăn kèm với vài chục loại rau miền sông nước; lên Tây Ninh, món bò cạp núi chiên giòn hay bánh canh, bánh tráng phơi sương Trãng Bàng… ăn vào một lần là… thương hoài ngàn năm; ra Quảng Ngãi, Quảng Nam, phải mì Quảng, cơm gà (có khi gà Tam Kỳ còn được… trìu mến gọi là “gà Tám Ký”); khi đến Hội An phải “làm” cho được món cao lầu; rồi ra thủ đô yêu dấu, đến đầu con phố quen, đã nghe hương vị của nồi nước dùng thơm phức và phải “chén” ngay tô phở Hà Nội…

Đôi khi cũng thật ngạc nhiên, vào Sài Gòn, lên Đà Lạt hay ghé qua một vài thành phố khác mới thấy… nhớ quê nhà kinh khủng, bởi vì bánh căn, bánh xèo, cơm gà Phan Rang được lên ngôi! Quá oai, món ăn quê mình cũng “tên tuổi”, cũng thương hiệu, cũng có mặt khắp nơi và… thật là “biết mấy tự hào” phải không các bạn!

Tôi có kỷ niệm về ẩm thực ở hai địa phương, mỗi lần nhớ lại là… chết cười! Vài năm trước, trên đường công tác, tối đó chúng tôi nghỉ tại Hà Tĩnh. Hôm sau, năm giờ rưỡi sáng đã dậy để đi cho kịp vào đầu giờ chiều làm việc với đơn vị bạn tại Quảng Trị. Kiếm nơi ăn sáng, phố còn vắng quá. Đây rồi, quán Điểm tâm đặc biệt, coi thực đơn trên vách, “chú tài” kêu món độc nhất quán có: cho ba phần bánh cuốn-sốt vang! Chủ quán mang ra mỗi người một đĩa bánh cuốn, một tô như là bò kho, nhưng loãng hơn, có thể gọi là súp bò cũng được. Vì là món lạ, chưa biết ăn thế nào, thì “chú tài” nhanh nhảu đổ hết đĩa bánh cuốn vào tô súp, cứ thế mà ăn; tôi và sếp bắt chước làm theo. Lúc sau, chủ quán tiếp tục mang ra bánh mì cùng nước mắm thấm. Chúng tôi nhìn nhau, ơ… đâu có kêu món này… Té ra, bánh cuốn-sốt vang là hai món riêng biệt, tô súp ăn với bánh mì (sốt vang), bánh cuốn với mắm thấm. Trong khi quán mang ra không… đồng bộ, chúng tôi “chơi” hết. Nhớ đời, ăn tham!

Tối hôm đó tại thành phố Đông Hà, cơm nước xong xuôi, ba anh em xem ti vi đến chín giờ thì đi ăn… đêm. Sếp nói: Vợ tớ bảo ra Đông Hà mà chưa ăn bánh canh cá lóc thì xem như chưa đến Quảng Trị. Cả bạn háo hức lên xe đi tìm, xem quán nào có bán món “độc” đó thì vào. Nhưng đi, đi mãi, hầu như “nát” cả Đông Hà vẫn không có quán ăn, cửa hàng nào bán món bánh canh cá lóc cả, chỉ thấy có món cá lóc-cháo bột. Sếp càu nhàu: Rõ khổ, ai mà đi ăn loại cháo dinh dưỡng dành cho trẻ con thế này. Chán thật!

Hôm sau, trên đường xuôi Nam, chúng tôi vẫn phải tiếp tục tìm cho được quán bánh canh… nhưng hình như “món độc” đó chưa bao giờ có mặt trên đời này! Sếp điện cho vợ hỏi món đó… nó ra làm sao? Vợ trả lời… thì nó là… bánh canh cá lóc, có gì mà lạ! Ra khỏi Đông Hà, sếp… đổ quạu, bảo kiếm quán nào ăn… tạm. Trước mặt hiện ra quán tranh tre bình dân ven đường, cũng vẫn là món cá lóc-cháo bột. Sếp quyết: Thôi kệ, đói rồi, ăn đỡ rồi đi. Nhìn vào nồi nhôm to tướng, thì ra đó là bánh canh bột lọc, bên cạnh là rổ cá lóc đồng, da đen bóng, chủ quán thái ra từng miếng thịt cá vào tô bánh canh từng người, thêm tiêu ớt, bốc khói. Chỉ là tên gọi thôi. Chính nó… đây rồi. Sếp ăn… ào ào luôn hai tô cho… lại vốn!