Nhân dịp Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tham dự Hội nghị Cấp cao Khu vực Tam giác phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ 9 tại Siem Reap, Vương quốc Campuchia

Khu vực Tam giác Phát triển Campuchia - Lào - Việt Nam (CLV) nằm ở ngã ba biên giới của ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Phạm vi của Tam giác phát triển này bao gồm 13 tỉnh: Ratanakiri, Stung Treng, Mondulkiri và Kratié ở miền Đông Campuchia; Attapu, Salavan, Sekong và Champasak ở miền Nam Lào; Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Bình Phước ở vùng Tây Nguyên, Việt Nam. 13 tỉnh này là các tỉnh cao nguyên nằm ở khu vực biên giới của ba nước, có nhiều nét tương đồng về điều kiện tự nhiên, kinh tế và xã hội; trình độ phát triển của các tỉnh trong khu vực nhìn chung thấp hơn so với mức độ trung bình mỗi nước, sản xuất nông nghiệp còn chiếm một tỷ trọng cao.

Các tỉnh trong khu vực này hầu như đều có đường biên giới chung từng đôi một và đã hình thành các cặp cửa khẩu giữa các tỉnh, đây là một điều kiện thuận lợi cho hợp tác phát triển giữa các tỉnh trong khu vực trong khi điều kiện kinh tế xã hội còn thấp kém.Sáng kiến thành lập Tam giác Phát triển do Thủ tướng Chính phủ Campuchia Hun Sen đưa ra tại Hội nghị cấp cao (HNCC) ba Thủ tướng Campuchia - Lào - Việt Nam lần thứ nhất tại Viêng Chăn, Lào (ngày 20-10-1999), trên cơ sở phát huy tiềm năng và thế mạnh của mỗi nước và nhận được sự ủng hộ của Thủ tướng Lào và Thủ tướng Việt Nam. Mục tiêu của việc hình thành CLV là tăng cường đoàn kết và hợp tác ba nước nhằm đảm bảo an ninh, ổn định chính trị, xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế-xã hội trong khu vực. Hợp tác CLV tập trung vào các lĩnh vực: an ninh - đối ngoại, giao thông vận tải, công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, đầu tư, các lĩnh vực xã hội và bảo vệ môi trường…  Thủ tướng ba nước cũng thỏa thuận họp luân phiên Hội nghị các Thủ tướng ba nước về Tam giác Phát triển 2 năm một lần. Tại HNCC CLV lần thứ hai tại Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam ngày 25 và 26-1-2002, ba Thủ tướng của ba nước tiếp tục khẳng định và quyết tâm xây dựng Tam giác phát triển tại khu vực biên giới ba nước.

Ba Thủ tướng xác định đây là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu trong việc hợp tác phát triển giữa ba nước.HNCC CLV lần thứ ba tại Siem Reap, Campuchia ngày 20-7-2004, khẳng định vai trò hết sức quan trọng của Tam giác CLV và nhất trí phối hợp phát triển cơ sở hạ tầng giao thông, xúc tiến hàng loạt dự án. Nhân dịp Hội nghị Cấp cao ASEAN 10 tại Viêng Chăn, Lào vào ngày 28-11-2004, Thủ tướng ba nước đã ký Tuyên bố Viêng Chăn về xây dựng Tam giác phát triển và thông qua Quy hoạch tổng thể Tam giác phát triển.HNCC CLV lần thứ tư tại Đà Lạt, Việt Nam ngày 4-12-2006 đã thông qua việc thành lập Uỷ ban điều phối chung; nhất trí tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư, tăng cường phối hợp trong huy động nguồn lực bên ngoài, nhất là từ Nhật Bản.HNCC CLV lần thứ năm được tổ chức tại Viêng Chăn, Lào ngày 26-11-2008, ba nước đã ký Bản ghi nhớ về cơ chế chính sách ưu đãi đặc biệt cho Khu vực Tam giác phát triển nhằm đẩy mạnh hợp tác phát triển trong khu vực và thu hút đầu tư bên ngoài.  HNCC CLV lần thứ sáu được tổ chức tại Phnom Penh, Campuchia ngày 16-11-2010 đã xem xét và thông qua Bản điều chỉnh Quy hoạch tổng thể khu vực Tam giác Phát triển đến năm 2020 do Bộ Kế hoạch đầu tư Việt Nam chủ trì xây dựng thay thế cho bản Quy hoạch cũ năm 2004. Thủ tướng ba nước đã ký Tuyên bố chung của Hội nghị và chứng kiến lễ ký điều chỉnh Bản ghi nhớ về Chính sách ưu đãi cho khu vực Tam giác phát triển giữa ba Chủ tịch Uỷ ban điều phối.HNCC CLV lần thứ bảy được tổ chức tại Viêng Chăn, Lào ngày 12-3-2013, Thủ tướng ba nước đã ký Tuyên bố chung về hợp tác khu vực Tam giác Phát triển CLV khẳng định cam kết phát triển khu vực Tam giác thành một điển hình trong hợp tác khu vực của ba nước CLV; nhất trí  đẩy mạnh huy động nguồn lực, trong đó có vận động các nhà tài trợ để phát triển hạ tầng giao thông, năng lượng.HNCC CLV lần thứ tám tại Viêng Chăn, Lào ngày 25-11-2014 đã nhất trí ủng hộ đề xuất của Việt Nam về mở rộng quy mô hợp tác Tam giác phát triển CLV thông qua tăng cường kết nối ba nền kinh tế (không chỉ giới hạn ở 13 tỉnh biên giới khu vực CLV) trên các lĩnh vực như giao thông, viễn thông, điện lực, du lịch, ngân hàng…; giao Ủy ban điều phối chung xây dựng Đề án kết nối ba nền kinh tế CLV để trình lên HNCC CLV 9; Ủng hộ đề xuất của Việt Nam về xây dựng Quy hoạch phát triển ngành du lịch khu vực CLV nhằm thúc đẩy hợp tác phát triển du lịch ba nước; Giao các Bộ Nông nghiệp ba nước trao đổi và hoàn thiện Kế hoạch phát triển ngành công nghiệp cao su khu vực CLV để trình Hội nghị Uỷ ban điều phối chung lần thứ 10; Đẩy nhanh việc xây dựng Thoả thuận giữa ba nước về chính sách ưu đãi đặc biệt cho khu vực CLV trên cơ sở kết hợp các thoả thuận song phương và đa phương hiện có.

Hưởng ứng đề xuất của Việt Nam về mở rộng hợp tác giữa ba nước, Thủ tướng Campuchia đã đề nghị các chính phủ tạo điều kiện thuận lợi cho việc sử dụng đồng nội tệ trong giao dịch thanh toán thương mại, đầu tư giữa ba nước và áp dụng mô hình kiểm tra “một cửa, một lần dừng” tại cửa khẩu Mộc Bài - Ba Vét.Về hợp tác trên các lĩnh vực, hợp tác CLV là cơ chế hợp tác quan trọng duy trì ổn định an ninh chính trị, an toàn xã hội tại khu vực biên giới 3 nước. Hợp tác giữa 13 tỉnh khu vực Tam giác phát triển CLV trong thời gian qua đã thu được một số kết quả đáng ghi nhận trong việc xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội.Hợp tác giữa Việt Nam - Campuchia và Lào ngày càng sâu rộng và hiệu quả trên tất cả các lĩnh vực. Tại cấp địa phương, các tỉnh xác định trọng tâm tăng cường và đưa quan hệ với các tỉnh Nam Lào vào Đông Bắc Campuchia đi vào chiều sâu bằng các hoạt động giao lưu hữu nghị, mở rộng quan hệ thương mại, nâng cao hiệu quả các cửa khẩu quốc tế với Lào và Campuchia, bổ sung nguồn lực và phát triển lẫn nhau.Về thương mại, đầu tư, Việt Nam đã hoàn thành hệ thống cơ sở hạ tầng thương mại, dịch vụ các khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y, tỉnh Kon Tum và giai đoạn 2008-2010 hỗ trợ Lào trên 29,5 tỷ đồng để xây dựng trạm liên kiểm cửa khẩu Phu Cưa. Việt Nam hỗ trợ Campuchia xây dựng chợ biên giới O Yadav tại Ban Lung tỉnh Ratanakiri thông qua viện trợ không hoàn lại. Các doanh nghiệp Việt Nam đang tích cực đầu tư vào các tỉnh của Lào và Campuchia trong khu vực Tam giác xây dựng cơ sở chế biến với phương châm “vốn, kỹ thuật và thị trường của Việt Nam, lao động và tiềm năng đất đai của Lào và Campuchia".Về năng lượng, Việt Nam đã đưa vào vận hành thủy điện Ialy có công suất 720MW và khởi công thủy điện Buôn Kướp có công suất 280MW cùng hệ thống lưới truyền tải 220kV, 110kV. Lào đã cấp giấy phép cho doanh nghiệp Việt Nam đầu tư xây dựng thủy điện Sêkamản 3 có công suất 250 MW. Dự án được khởi công vào ngày 5-4-2006, do Tổng công ty Sông Đà làm tổng thầu với tổng mức đầu tư là 311,73 triệu USD và tháng 6-2016, thủy điện Sêkamản 3 đã chính thức phát điện thương mại.

Việt Nam đang nghiên cứu khả thi các dự án thuỷ điện Sêkamản1, 4, Sêkông 4, Sêkông 5, Sêpiên- Sênậmnoi.Về giao thông, các tuyến đường liên kết các tỉnh của ba nước trong khu vực Tam giác phát triển được ưu tiên phát triển như quốc lộ 40 nối đường Hồ Chí Minh đến cửa khẩu Bờ Y. Đối với Lào, đường 18B đã hoàn thành tháng 5-2006 để nối thông với Khu kinh tế cửa khẩu Bờ Y của Việt Nam. Đối với Campuchia, Việt Nam cho Campuchia vay ưu đãi xây dựng đường 78 từ Ban Lung, tỉnh Rattanakiri đi O Yadav, huyện Andong Pích, Campuchia dài 70 km, trị giá khoảng 26 triệu USD, bắt đầu khởi công từ tháng 1-2007 và tháng 3-2010, việc xây dựng đường 78 đã hoàn thành.Về đào tạo, Việt Nam tiếp nhận khoảng 50 cán bộ, học sinh của Lào mỗi năm sang học tập tại các tỉnh trong Tam giác phát triển và đầu tư xây dựng mới khu ký túc xá học sinh Lào, Campuchia tại trường Đại học Tây Nguyên. Việt Nam cũng đã hỗ trợ Lào xây dựng trường dân tộc nội trú tại tỉnh Sêkông, hỗ trợ Campuchia xây dựng trường phổ thông nội trú với quy mô 150 học sinh tại Ban Lung tỉnh Ratanakiri bằng viện trợ không hoàn lại (gần 1 triệu USD/ trường).Về cơ chế hoạt động, bên cạnh các Hội nghị cấp cao, ba nước CLV đã nhất trí thành lập Uỷ ban điều phối chung khu vực Tam giác Phát triển, gồm 4 tiểu ban: Kinh tế (do Bộ Kế hoạch - Đầu tư làm Trưởng tiểu ban), Xã hội - Môi trường (do Bộ Tài nguyên - Môi trường làm Trưởng tiểu ban), Địa phương (do 4 tỉnh luân phiên làm Trưởng tiểu ban) và Tiểu ban Chính trị - An ninh - Đối ngoại (do Bộ Ngoại giao làm Trưởng tiểu ban). Mỗi nước cử một Bộ trưởng làm đồng Chủ tịch Uỷ ban và uỷ viên Uỷ ban điều phối gồm đại diện các Bộ, ngành liên quan và các tỉnh trong khu vực Tam giác Phát triển. Uỷ ban điều phối chung họp thường niên trên cơ sở luân phiên.

Theo TTXVN