Bảo đảm sản xuất vụ đông-xuân 2016-2017 theo đúng kế hoạch

(NTO) Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tình hình sản xuất vụ đông-xuân 2016-2017 có những điều chỉnh nhất định so với vụ mùa 2016 để ứng phó với tình hình thời tiết vẫn tiếp tục diễn biến bất thường.

Sau đợt hạn hán kéo dài, vào cuối năm nay tình hình có mưa, nên tỉnh chủ trương tạm ngưng chuyển đổi cây trồng cạn trong vụ mùa. Toàn bộ 122 ha đất lúa chuyển qua trồng cây đậu xanh, bắp lai ở vụ hè-thu 2016, đến vụ mùa tái sản xuất lúa. Tuy nhiên, bước sang vụ đông-xuân 2016-2017 có liên quan đến tất cả mùa vụ trong năm 2017 nên tình hình đã khác. Lường trước những khó khăn về nước tưới cho vụ tiếp theo (vụ hè-thu 2017), nên tỉnh đã chỉ đạo ngành chức năng, các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi cây trồng cạn nhằm vừa tiết kiệm nước, vừa đảm bảo hiệu quả cao.

Thực hiện chỉ đạo của tỉnh, ngành chức năng phối hợp với các địa phương đã tổ chức rà soát, thống nhất chuyển đổi cây trồng cạn ở những vùng cuối kênh Bắc, kênh Nam và đồng ruộng thuộc khu vực tưới của các hồ không đủ nước sản xuất lúa. Theo đó, dự kiến chuyển đổi cây trồng vụ đông-xuân 2016-2017 là 1.293,7 ha. Riêng đất lúa kém hiệu quả, thiếu nước chuyển qua trồng bắp lai 604,2 ha. Tuy nhiên, điều lo nhất dễ ảnh hưởng đến chương trình chuyển đổi cây trồng đó là người dân có tâm lý ỷ lại vào lượng nước tại các hồ chứa hiện ở mức cao, nên muốn tiếp tục trồng lúa. Đúng là sau các đợt mưa lớn vừa qua, lượng nước ở 20 hồ chứa đã được cải thiện đáng kể, đạt trên 90% dung tích thiết kế; trong đó, có những hồ lớn như: Sông Trâu, Bà Râu, Sông Sắt… mực nước đạt cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây. Đồng chí Phạm Văn Hường, Giám đốc Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi, cho biết: Dự báo thời gian tới vẫn còn tiếp tục có mưa, nên nông dân nảy sinh ý định tiếp tục trồng lúa ở những vùng nằm trong kế hoạch chuyển đổi để đỡ công chăm sóc là rất dễ xảy ra, do đó ngay từ bây giờ phải tăng cường vận động nông dân chấp hành.

Rút kinh nghiệm từ thành công ở các vụ trước, để đảm bảo thực hiện kế hoạch chuyển đổi cây trồng trong vụ đông-xuân 2016-2017, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đưa ra giải pháp tiếp tục hỗ trợ giống cho nông dân chủ động chuyển đổi. Đề nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương tổ chức rà soát, điều chỉnh bố trí cây trồng phù hợp với đặc điểm đất đai, nguồn nước. Đồng chí Nguyễn Tin, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh, phân tích: Hiện nay đã có mưa, nên công tác chuyển đổi cây trồng phải linh hoạt thích ứng với điều kiện thời tiết mới đạt kết quả cao. Phần diện tích đất lúa kém hiệu quả chuyển qua trồng cây đậu xanh trước đây, đến vụ này thay thế bằng cây bắp lai, từ đó hình thành nên mô hình luân canh bền vững cho cả chu kỳ năm, đó là: “bắp lai vụ đông-xuân, đậu xanh vụ hè-thu, lúa vụ mùa”. Đơn vị đã cử cán bộ kỹ thuật bám sát địa bàn tổ chức tập huấn, hướng dẫn quy trình canh tác theo chuỗi giá trị từ làm đất, xuống giống, bón phân, xác định thời điểm tưới nước, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thu hoạch, bảo quản và tiêu thụ sản phẩm.

Giải pháp hỗ trợ kỹ thuật, hỗ trợ một phần kinh phí cho nông dân canh tác cây trồng cạn ở những vùng khó khăn về nước là cần thiết, tuy nhiên để công tác chuyển đổi đảm bảo tính bền vững phải điều chỉnh lại hình thức tổ chức sản xuất. Tại hội nghị Triển khai sản xuất vụ đông-xuân 2016-2017 vào trung tuần tháng 11 vừa qua, đồng chí Trần Quốc Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã chỉ đạo: Hiện nay, tình hình nước tưới đã được cải thiện, nhưng không được chủ quan, nếu sử dụng nước lãng phí trong vụ đông-xuân 2016-2017 rất dễ dẫn đến nguy cơ thiếu nước vào vụ hè - thu tới. Do đó, tiếp tục tập trung thực hiện chương trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với điều hạn hán là chủ trương nhất quán.

Theo ghi nhận của chúng tôi, hiện nay các địa phương đang tập trung chỉ đạo thu hoạch vụ mùa đến đâu tranh thủ làm đất xuống giống cây trồng vụ đông - xuân 2016-2017 đến đó. Ở một số nơi có cách làm hay, theo hướng bền vững. Đơn cử, huyện Thuận Bắc ngay từ đầu vụ đông-xuân đã chủ động xây dựng kế hoạch chuyển đổi, giao chỉ tiêu cụ thể cho từng xã. Thành lập các tổ sản xuất ký kết hợp đồng với doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm để nông dân an tâm chuyển đổi cây trồng.