Đẩy mạnh kết nối du lịch

(NTO) Vài tháng trước, nhóm bạn tôi từ Quy Nhơn có ý định nghé thăm Ninh Thuận đúng vào dịp diễn ra Lễ hội Katê. Sau “thủ tục” thông báo, nhóm bắt đầu lên kế hoạch về kinh phí chuyến đi, những điểm đến, nơi ăn, chốn nghỉ. Phải nói là những sản phẩm du lịch cùng những cảnh đẹp, đặc sản được các bạn “tận tường” khi chưa một lần đặt chân đến vùng đất nắng này nhờ “anh bạn” Internet.

 Đến công đoạn tìm chỗ ở, đặt phòng, nhóm khá lúng túng bởi lâu nay đã quá quen với việc đặt phòng qua mạng. Dĩ nhiên tôi cũng có sự hỗ trợ cần kíp nhưng không khỏi “thắc mắc” khi lướt qua những trang đặt phòng khách sạn trực tuyến, số doanh nghiệp trong tỉnh kết nối, quảng bá giá phòng, dịch vụ đếm chưa hết “một bàn tay”…

Ảnh minh họa.

Đã qua cái thời khi chuẩn bị du lịch đâu đó, chúng ta thường “cậy nhờ” bạn bè sở tại hỗ trợ, giúp đỡ. Trong những năm gần đây, thị trường du lịch đang chuyển động theo xu hướng tiêu dùng trong thời đại công nghệ thông tin phát triển. Xu hướng đặt phòng qua kênh trực tuyến ngày càng phổ biến. Nhiều khách sạn, khu du lịch trong nước đã ký hợp đồng bán sản phẩm, dịch vụ với một số website kinh doanh dịch vụ trực tuyến như: agoda.vn, expedia.com, booking.com, asiatravel.com, ivivu.com, chudu24.com, traveloka… Không những đặt phòng trực tuyến qua mạng, du khách còn được lựa chọn nhiều loại hình dịch vụ như mua vé máy bay trực tuyến, tìm địa điểm đặt máy rút tiền, các nhà hàng, dịch vụ ăn uống nổi tiếng... Điều đó cho thấy, các tiện ích của công nghệ thông tin đang phát huy hiệu quả trong thu hút du khách, tăng doanh thu cho ngành Du lịch.

Vài năm gần đây, mạng xã hội (Facebook, Instagram, Twitter…) phát triển khá nhanh chóng, thu hút đông đảo người sử dụng. Do vậy, nhiều doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch trên địa bàn tỉnh đã “tận dụng” mạng xã hội để tiếp thị, quảng bá sản phẩm, dịch vụ với khách hàng… song hoạt động này vẫn chưa thực sự phát huy hiệu quả. Để phát huy tiềm năng, thế mạnh về du lịch, mang lại giá trị kinh tế cao, đáp ứng nhu cầu “du lịch trong tầm tay” của khá đông du khách hiện nay, đòi hỏi sự nỗ lực, linh hoạt trong kết nối, quảng bá sản phẩm, chất lượng dịch vụ với các doanh nghiệp chuyên kinh doanh đặt phòng trực tuyến qua mạng. Tuy nhiên, để kết nối, quảng bá dịch vụ du lịch hiệu quả, đòi hỏi người làm công tác du lịch phải có trình độ chuyên môn nghiệp vụ, kiến thức về công nghệ thông tin cùng cái nhìn toàn diện về những tiện ích của Internet; có chiến lược marketing kết hợp quảng bá chất lượng của các cơ sở lưu trú phù hợp, thu hút, kích thích sự tò mò, mong muốn trải nghiệm của du khách, qua đó nâng cao “chất và lượng” trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch.