VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN:

Xử lý nghiêm người vi phạm giao thông!

(NTO) Có thể nói đây là “thông điệp” đầu năm đã được Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tổng kết năm 2016 của Ủy ban ATGT quốc gia tại Trụ sở Chính phủ mới đây.

Theo đánh giá của Ủy ban ATGT quốc gia, năm 2016 tai nạn giao thông (TNGT) trong cả nước nói chung tiếp tục giảm trên cả 3 tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương. Điều đó thể hiện quyết tâm và nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị trong việc thực hiện quyết liệt các giải pháp bảo đảm trật tự ATGT, trọng tâm là tập trung thực hiện chủ đề năm ATGT 2016 đó là: “Xây dựng văn hoá giao thông gắn với nâng cao trách nhiệm, siết chặt kỷ cương của người thực thi công vụ” với mục tiêu “Tính mạng con người là trên hết”. Tuy nhiên, vấn đề rất đáng quan tâm là tỷ lệ giảm không đáng kể so với chỉ tiêu đặt ra, nhất là số người chết. Theo thống kê, cả nước đã xảy ra gần 21.590 vụ TNGT, làm chết 8.685 người, bị thương 19.280 người, chỉ giảm gần 1/10 số người chết (0,49%) so với chỉ tiêu Quốc hội đặt ra là giảm 5%. Qua phân tích cho thấy phần lớn các vụ TNGT đường bộ có đến 71,6% là do ý thức của người tham gia giao thông, tập trung chủ yếu vào các hành vi như 25% trường hợp đi không đúng phần đường, làn đường; hơn 9,35% do chạy quá tốc độ quy định; gần 9% số vụ chuyển hướng không bảo đảm an toàn; 3,5% số vụ do sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông…Về phương tiện gây tai nạn có gần 67% là mô tô, xe máy, đặc biệt tỷ lệ TNGT liên quan đến ô tô có xu hướng gia tăng, chiếm 27,07% số vụ TNGT đường bộ, trong khi số ô tô chỉ chiếm 6% tổng số phương tiện cơ giới.

 
 CSGT huyện Ninh Phước kiểm tra phương tiện tham gia giao thông. Ảnh: Trần Phương

Nguyên nhân của tình trạng nêu trên, theo Ủy ban ATGT quốc gia là do một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa duy trì có hiệu quả việc triển khai thực hiện Chỉ thị số 18 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trong công tác bảo đảm trật tự ATGT; một số thời điểm còn xuất hiện tình trạng buông lỏng trong quản lý Nhà nước về ATGT. Việc gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, đứng đầu chính quyền một số cơ quan, đơn vị chức năng và địa phương chưa đi vào thực chất. Bên cạnh đó, hạ tầng giao thông tuy đã được cải thiện căn bản, nhưng vẫn còn tồn tại các điểm đen, điểm tiềm ẩn nguy cơ TNGT chưa được xử lý dứt điểm…

Taị tỉnh ta, trong năm 2016 đã xảy ra 363 vụ TNGT, làm chết 67 người, bị thương 447 người; tăng 6 vụ,  tăng 28 người bị thương, giảm 4 người chết so với năm 2015. Nguyên nhân tai nạn chủ yếu là do người tham gia giao thông thiếu chú ý quan sát; chuyển hướng sai quy định; đi không đúng phần đường; sai quy trình thao tác lái xe; người đi bộ băng qua đường không đúng quy định; sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông…

Bước sang năm 2017, dự báo nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng mạnh mẽ, hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, nhu cầu giao thông, số lượng phương tiện và mức độ đa dạng của đối tượng tham gia giao thông sẽ tiếp tục gia tăng, tạo nên thách thức to lớn cho công tác bảo đảm trật tự ATGT. Vì vậy, Ủy ban ATGT quốc gia đã xây dựng chương trình Năm ATGT 2017 với chủ đề “Xây dựng văn hóa giao thông trong thanh, thiếu nhi” với tinh thần “Tính mạng con người là trên hết”, mục tiêu phấn đấu giảm từ 5-10% số vụ, số người chết và số người bị thương vì tai nạn giao thông so với năm 2016. Để thực hiện đạt mục tiêu nói trên, yêu cầu đặt ra là cần đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về ATGT, xây dựng văn hoá giao thông tới mọi người dân, đặc biệt là đối với thanh, thiếu nhi, đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng xa, đồng bào nghèo. Mặc khác, cần tăng cường thanh tra, tuần tra, kiểm soát; xử lý nghiêm minh, cương quyết các hành vi có nguy cơ cao dẫn đến TNGT như lái xe quá tốc độ cho phép; lái xe khi đã uống rượu, bia; xe khách đón, trả khách trái phép; chở quá tải trọng phương tiện…Đặc biệt, Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phải chủ trì xây dựng chương trình hành động cụ thể để triển khai thực hiện chủ đề “Xây dựng văn hoá giao thông trong thanh, thiếu nhi”, giảm đến mức thấp nhất TNGT liên quan đến thanh, thiếu nhi.

Được biết,UBND tỉnh vừa ban hành Kế hoạch số 5306/KH-UBND về Tổ chức các hoạt động cao điểm đảm bảo trật tự an toàn giao thông (TTATGT) trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Đinh Dậu và Lễ hội Xuân 2017.

Theo đó, thực hiện Công điện số 2239/CĐ-TTg ngày 13-12-2016 của Thủ tướng Chính phủ, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành liên quan xây dựng kế hoạch cụ thể và có biện pháp tổ chức vận tải bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong hoạt động vận tải; tăng cường biện pháp bảo đảm an toàn tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, điểm đen TNGT; quản lý an toàn đường thủy nội địa; kiểm tra, xử lý việc vi phạm hành lang ATGT; khẩn trương rà soát, khắc phục các điểm tiềm ẩn về tai nạn giao thông; phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường tuyên truyền các quy định pháp luật về ATGT, hướng dẫn quy tắc và kỹ năng tham gia giao thông an toàn; phối hợp với các ngành và chính quyền địa phương để giải quyết, khắc phục sự cố, TNGT...

Thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả mục tiêu, nhiệm vụ của Ủy ban ATGT quốc gia và Kế hoạch của UBND tỉnh, tin rằng TNGT trên địa bàn tỉnh sẽ được kiềm chế, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 sắp đến.