Còn nhiều thách thức trong lộ trình bảo hiểm y tế toàn dân

(NTO) Thực hiện Luật Bảo hiểm Y tế (BHYT), thời gian qua, với sự quan tâm chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền và sự phối hợp chặt chẽ của các ban, ngành liên quan, công tác BHYT trên địa bàn tỉnh đạt được kết quả quan trọng, góp phần tích cực trong việc xoá đói, giảm nghèo, thúc đẩy KT-XH phát triển, đảm bảo an sinh xã hội.

Ban quản lý thôn Hậu Sanh (Phước Hữu, Ninh Phước) trao thẻ BHYT cho người nghèo.

Tính đến đầu năm 2017, toàn tỉnh có 478.114 đối tượng tham gia BHYT, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt 79,17% dân số, vượt 4,17% so với chỉ tiêu giao tại Quyết định số 1167/2016/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, tăng 16,17% so với năm 2015. Tuy nhiên, theo báo cáo đánh giá của UBND tỉnh, tỷ lệ bao phủ BHYT đạt chỉ tiêu so với lộ trình đề ra, nhưng thực tế việc thực hiện chính sách BHYT tại các địa phương trong tỉnh gặp nhiều khó khăn, tốc độ phát triển đối tượng tham gia BHYT còn chậm, thiếu bền vững. Tỷ lệ người tham gia BHYT chủ yếu trong nhóm đối tượng được Nhà nước đóng hoặc hỗ trợ mức đóng, còn nhóm đối tượng chính là người dân tự đóng BHYT đạt thấp, dẫn đến việc có đạt được tỷ lệ bao phủ BHYT hay không hoàn toàn phụ thuộc vào việc tham gia của các nhóm đối tượng này.

Cụ thể, đến cuối năm 2016, chỉ có 13.975 người lao động trong khối doanh nghiệp tham gia BHYT, đạt 36,55% số người bắt buộc phải đóng BHYT; 63.118 HSSV tham gia BHYT, đạt 78,95% so với số HSSV diện bắt buộc phải tham gia BHYT; 84.824/169.793 người tham gia BHYT theo hộ gia đình, đạt 49,96%, còn khoảng 85.000 người chưa tham gia BHYT theo hộ gia đình. Qua phân tích có rất nhiều nguyên, như đối với nhóm đối tượng lao động trong các doanh nghiệp, việc tham gia BHYTcho người lao động ở một số đơn vị, doanh nghiệp vẫn còn tình trạng chiếu lệ, còn hiện tượng khai báo không đủ số lượng lao động thực tế để né tránh tham gia BHYT; khi phát hiện doanh nghiệp cố tình trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động thường chưa có giải pháp xử lý triệt để, do đó tình trạng người lao động chưa được tham gia BHXH, BHYT theo quy định vẫn còn diễn ra phổ biến tại các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Đối với nhóm đối tượng HSSV, công tác tuyên truyền, phổ biến thực hiện Luật BHYT nói chung và BHYT HSSV nói riêng tại các cơ sở giáo dục, trường học chưa được thường xuyên; chưa quán triệt được đối tượng HSSV thuộc diện phải tham gia BHYT bắt buộc theo Luật BHYT một cách sâu rộng trong cán bộ, viên chức, HSSV và các tổ chức xã hội trong trường học; phụ huynh chưa thực sự quan tâm đến việc mua thẻ BHYT cho con em mình, chỉ khi bệnh tật xảy ra mới tham gia. Đối với nhóm đối tượng hộ gia đình, mặc dù số người tham gia tăng so năm trước, tuy nhiên vẫn chưa đạt theo yêu cầu đề ra. Người dân tham gia BHYT còn mang tính đối phó, trong hộ gia đình chỉ tham gia cho người có vấn đề sức khỏe, thường xuyên ốm đau, người trẻ, khỏe ít tham gia. Một phần do mức thu nhập người dân còn thấp, không đủ khả năng tham gia hết những người trong gia đình cùng một lúc…dẫn đến người dân hạn chế tham gia BHYT.

Năm 2017, mục tiêu của tỉnh ta đề ra là tăng tỷ lệ dân số tham gia BHYT, tiếp tục duy trì 100% các nhóm đối tượng đã tham gia BHYT; mở rộng các nhóm đối tượng tham gia BHYT đến cuối năm 2017 đạt trên 80% và trên 90% đến năm 2020 dân số tham gia BHYT. Nâng cao chất lượng khám BHYT, bảo đảm quyền lợi người tham gia BHYT theo quy định pháp luật, đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người tham gia BHYT.

Ông Nguyễn Mạnh Tú, Giám đốc BHXH tỉnh cho biết: Để thực hiện mục tiêu trên, thời gian tới cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo, sự phối kết hợp và tham gia của hệ thống chính trị trong việc thực hiện nghiêm chính sách pháp luật, các mục tiêu, kế hoạch về BHYT giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh. Hằng năm, UBND tỉnh giao kế hoạch chỉ tiêu phát triển BHYT cụ thể của từng nhóm đối tượng cho từng địa phương; gắn trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền với tỷ lệ bao phủ BHYT trên địa bàn. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò, ý nghĩa của chính sách BHYT trong hệ thống an sinh xã hội, làm cho Nhân dân hiểu rõ hơn về quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia BHYT. Xác định rõ trách nhiệm của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp và các tổ chức đoàn thể tại địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện chính sách BHYT. Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh đảm bảo quyền lợi cho người có thẻ BHYT. Củng cố và hoàn thiện mạng lưới cung ứng dịch vụ thẻ BHYT. Tăng cường công tác kiểm tra về việc thực hiện chính sách BHYT. Các cơ quan, đơn vị đưa nội dung kế hoạch chỉ tiêu tham gia BHYT vào chỉ tiêu thi đua của cơ quan, đơn vị; kịp thời xử lý các hành vi vi phạm, gian lận trục lợi quỹ BHYT.

BHYT toàn dân là một chính sách quan trọng trong hệ thống các chính sách an sinh xã hội, một trong những nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển KT-XH của đất nước. Với quyết tâm cao và sự vào cuộc đồng bộ của cả hệ thống chính trị, tin rằng, tỉnh ta tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, sớm khắc phục các tồn tại hạn chế nhằm  thực hiện thắng lợi mục tiêu BHYT toàn dân theo lộ trình đã đề ra.