VẤN ĐỀ - SỰ KIỆN:

Cần sự “tương tác” giữa người tiêu dùng với doanh nghiệp!

(NTO) Ngày 15-3 hàng năm được chọn là Ngày Quyền người tiêu dùng Việt Nam, theo Quyết định số 1035/QĐ-TTg ngày 10-7-2015 của Thủ tướng Chính phủ. Đây được xem là dấu mốc quan trọng nhằm khẳng định vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (NTD) với sự phát triển ổn định, bền vững của xã hội và đất nước cũng như trong tiến trình hội nhập, mở cửa thị trường. Qua đó tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật và các chính sách về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; tạo cơ sở để huy động, tập trung sự quan tâm, hưởng ứng, tham gia của toàn xã hội đối với bảo vệ quyền lợi NTD; góp phần xây dựng một môi trường tiêu dùng lành mạnh cho cả người tiêu dùng và các tổ chức, cá nhân kinh doanh… Ngày Quyền của Người tiêu dùng Việt Nam năm nay với chủ đề “Doanh nghiệp vì người tiêu dùng”. Với chủ đề này không chỉ khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của doanh nghiệp đối với công tác bảo vệ quyền NTD, kêu gọi các doanh nghiệp thực thi đúng, tuân thủ nghiêm túc các quy định pháp luật về bảo vệ quyền NTD, mà còn là cam kết từ phía cơ quan quản lý nhà nước trong việc kiến tạo một môi trường kinh doanh có sự cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, lấy NTD làm thước đo cho sự phát triển thị trường...

Người dân xã Phước Đại (huyện Bác Ái) lựa chọn mua sắm hàng tiêu dùng. Ảnh: Sơn Ngọc

Thực tế thời gian qua cho thấy NTD đã từng bước nâng cao ý thức đối với quyền của mình được bảo vệ bằng Luật Bảo vệ quyền lợi NTD mà Quốc hội thông qua ngày 17-11-2010 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1-7-2011. Trong 5 năm (2011-2016), tính từ thời điểm Luật nói trên có hiệu lực thi hành, công tác bảo vệ quyền lợi NTD đã đạt được nhiều kết quả, trong đó nổi bật là đã ban hành hệ thống văn bản pháp luật đồng bộ, nhanh chóng và có tính thực thi cao; Xây dựng được bộ máy quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi NTD từ trung ương tới địa phương, đồng thời, hỗ trợ phát triển mạng lưới các tổ chức xã hội tham gia công tác bảo vệ quyền lợi NTD tại nhiều tỉnh, thành trên cả nước…Tuy nhiên cân phân mà nói, NTD hiện vẫn chưa thực sự cảm thấy an tâm và được bảo vệ đúng nghĩa từ phía các cơ quan chức năng ngoài việc tự bảo vệ trong khả năng. Với tâm lý chung là “ngại” va chạm, bởi “được vạ má sưng” nên khi bị xâm hại do bị lừa đảo, chiếm đoạt bởi những tổ chức, cá nhân kinh doanh hàng hóa, dịch vụ không giữ chữ tín, cố tình làm ăn gian dối, kinh doanh ảo - lừa đảo, cung cấp hàng kém chất lượng, thiếu an toàn thực phẩm…thì đành “ngậm bồ hòn làm ngọt”. Cùng với đó, công tác quảng bá, giới thiệu hoạt động bảo vệ quyền lợi NTD và đưa ra những cảnh báo cho NTD không thường xuyên. Hệ quả là NTD khi bị lừa, bị xâm hại quyền lợi thì không biết đòi quyền lợi của mình ở đâu!.

Để việc thực thi Luật Bảo vệ quyền lợi NTD đạt hiệu quả, theo các chuyên gia, cần có chế tài, xử phạt đối với hàng giả, hàng kém chất lượng của các cơ sở, DN làm ăn gian dối. Các cơ quan hữu quan cần tiếp tục hoàn thiện các công cụ hỗ trợ, phối hợp với các tổ chức bảo vệ quyền lợi NTD. Cũng có ý kiến cho rằng nên bắt buộc các tổ chức cá nhân kinh doanh các mặt hàng có nguy cơ gây thiệt hại đến tính mạng, sức khỏe con người, vật nuôi, cây trồng phải mua bảo hiểm trách nhiệm sản phẩm…

Suy cho cùng, để NTD được bảo vệ quyền lợi đúng nghĩa rất cần sự “tương tác” giữa NTD với DN. Như Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã nói: Các doanh nghiệp hãy tự khẳng định mình thông qua việc thực hiện tốt nhất các nghĩa vụ, để đảm bảo quyền lợi chính đáng của NTD. Đồng thời, xem những yêu cầu, nguyện vọng của NTD là động lực cạnh tranh và phát triển của doanh nghiệp. Đồng thời, mỗi người dân phải là một NTD thông minh, có trách nhiệm với chính mình và cộng đồng trên cơ sở nắm vững quyền và nghĩa vụ được quy định tại Điều 8 và Điều 9 Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng nêu trên.