Chuyên viên phải là “Tiền não”...

(NTO) Công tác ở Văn phòng UBND tỉnh từ tháng 3-1993 đến tháng 7-2004, trong suốt thời gian ấy với vị trí chuyên viên nội chính có không ít những kỷ niệm đáng nhớ. Lúc ấy, bộ phận chuyên viên được gọi là “Tổ chuyên viên” với 9 anh, chị em; công việc có thể nói là rất bề bộn nhưng sự đoàn kết, gắn bó và tinh thần trách nhiệm đã giúp tôi và các cộng sự hoàn thành nhiều công việc được giao…

Kỷ niệm sâu sắc trở thành ấn tượng khó quên đó là trong những ngày đầu nhận nhiệm vụ, đồng chí Phan Huy Duyên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh thường nhắc nhở anh em chuyên viên phải xứng đáng là “Tiền não” của UBND tỉnh. Là Trưởng phòng kiểm sát chung của Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh được điều động sang làm chuyên viên nội chính, tôi chưa hình dung ý nghĩa cụm từ “Tiền não” là gì nhưng vẫn có một cảm giác tự hào xen lẫn nỗi lo âu phập phồng không biết mình có xứng đáng với vai trò ấy? Thời gian cứ qua đi, công việc vẫn cứ dồn dập và mỗi ngày tôi lại nhận diện một số hoạt động mang tính chất “Tiền não”. Đó là chuyên viên phải sắp xếp, bố trí lịch làm việc hàng ngày, hàng tuần cho Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh. Làm việc với ai; nội dung gì; thời gian nào; việc gì trước, việc gì sau và thành phần tham dự như thế nào là phù hợp, hiệu quả. Một số bài diễn văn quan trọng hoặc những nội dung cần gợi ý thảo luận; những thông tin cần được lưu ý và kết luận một cuộc họp; một hội nghị theo hướng nào đều đặt ra cho mỗi chuyên viên phải có động tác chuẩn bị. Cách làm việc như vậy đã dần hình thành ý tưởng của chuyên viên theo cách nói vui “Con nhà lính, tính nhà quan”. Thật vậy, chuyên viên là những người không có chức vụ đáng kể nhưng là người trực tiếp phục vụ, gần gũi Chủ tịch, các Phó Chủ tịch UBND tỉnh nên vị trí ấy rất cần “tính nhà quan” (trong giai đoạn này không ít người ví von “Lính ủy ban hơn quan các sở”)…

Những tháng cuối năm 2000 đến tháng 5-2001, tình hình người dân ở các huyện Ninh Phước, Ninh Hải, thị xã Phan Rang–Tháp Chàm tự đào phá ruộng lúa, rừng phòng hộ ven biển để làm đìa nuôi tôm diễn ra nhanh chóng và phức tạp. Nhiều đoàn công tác của HĐND tỉnh, Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã kiểm tra thực địa và đều có một định hướng chung là phải bằng mọi giải pháp ngăn chặn tình trạng đào đìa nuôi tôm trái phép phá vỡ quy hoạch quản lý đất đai. Lúc ấy, đồng chí Đào Thậm (Chủ tịch UBND tỉnh) giao cho tôi trách nhiệm soạn thảo Chỉ thị của UBND tỉnh để giải quyết tình trạng nói trên. Một công việc quả thật là rất khó và có thể xem là “vượt tầm”… Trao đổi sơ bộ với một số anh em chuyên viên cùng lãnh đạo ngành Nông nghiệp, Địa chính, Thủy sản về định hướng nội dung soạn thảo văn bản, cũng có những góp ý nhất định nhưng nhìn chung anh em đều gán cho tôi cụm từ “được lãnh đạo tín nhiệm thì cố gắng mà làm”. Lúng túng, muốn tìm lối giải thoát nên tôi có đề nghị Tỉnh ủy ra văn bản định hướng để từ đó UBND tỉnh có Chỉ thị cụ thể nhưng đề xuất ấy không được chấp thuận (!). Trong bối cảnh đó, câu nói “chuyên viên phải là tiền não” của Phó Chủ tịch Phan Huy Duyên như là một động lực khiến cho tôi phấn đấu để thực hiện một nhiệm vụ không hề đơn giản… Nghiên cứu tình hình thực tế, tạm rút ra những nguyên nhân cơ bản; xem xét, đối chiếu với những quy định của pháp luật về quản lý đất đai, công trình công cộng… Tôi xác định tiêu đề nội dung của Chỉ thị là “Tăng cường biện pháp quản lý đất đai; xử lý ngăn chặn việc đào đìa nuôi tôm và nuôi trồng thủy sản trái phép gây hậu quả xấu đến bảo vệ môi trường tại địa phương”. Bố cục của Chỉ thị cũng được tôi nghiên cứu khá nhiều văn bản tương tự để hình thành ba phần chính là (I) Tình hình và nguyên nhân, (II) Nội dung và biện pháp, (III) Tổ chức thực hiện. Dự thảo Chỉ thị đã được gửi lấy ý kiến của các sở, ngành thuộc tỉnh; các Huyện, Thị ủy và UBND huyện. Sau khi dự thảo được gửi lấy ý kiến, riêng tôi đã nhận không ít thông tin “lần này chuyên viên nội chính làm Chỉ thị thận trọng quá”… Lúc ấy, tôi chỉ biết đáp từ cảm ơn và mong muốn nhận được sự góp ý để hoàn chỉnh Chỉ thị.

Sau khi tiếp nhận các góp ý, tôi cùng một số anh em chuyên viên và đại diện lãnh đạo các Sở Thủy sản; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Địa chính; Tư pháp tham gia trao đổi để thống nhất hoàn thành dự thảo Chỉ thị trình UBND tỉnh và giao cho Sở Tư pháp chủ trì phối hợp cùng chuyên viên nội chính soạn thảo văn bản hướng dẫn để thực hiện Chỉ thị …

Chỉ thị số 28/2001/CT-UB ngày 11-6-2001 về tăng cường biện pháp quản lý đất đai; xử lý ngăn chặn việc đào đìa nuôi tôm và nuôi trồng thủy sản trái phép gây hậu quả xấu đến bảo vệ môi trường tại địa phương đã được ban hành với 6 nhóm giải pháp cơ bản về quy hoạch vùng nuôi tôm; nuôi trồng thủy sản; kiểm tra xác định các vụ việc vi phạm pháp luật về quản lý đất đai để có hình thức xử lý phù hợp; đề cao trách nhiệm của Chủ tịch UBND cấp xã và cấp huyện; giáo dục ý thức chấp hành pháp luật về đất đai và bảo vệ môi trường. Ngày 17-7-2001, UBND tỉnh có Văn bản số 1257/HD-UB hướng dẫn thi hành Chỉ thị số 28/2001/CT-UB…

Quá trình thực hiện Chỉ thị số 28/2001/CT-UB đã dần thiết lập trật tự kỷ cương trong quản lý nhà nước về đất đai; từng bước ngăn chặn tình trạng đào đìa nuôi tôm và nuôi trồng thủy sản trái phép gây hậu quả xấu đến bảo vệ môi trường tại địa phương. UBND tỉnh cũng đã tổ chức đoàn công tác do đồng chí Trương Xuân Thìn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh làm Trưởng đoàn vào làm việc với UBND tỉnh Bến Tre; một lần nữa chuyên viên nội chính lại soạn thảo Thông báo kết quả làm việc của 2 tỉnh và từ đó một số cơ sở tôm giống của Bến Tre đã được đầu tư trên đất Ninh Thuận.

Kỷ niệm 25 năm ngày thành lập Văn phòng UBND tỉnh, bài viết này tôi mong muốn được “truyền lửa nhiệt tình” và khát vọng thế hệ chuyên viên Văn phòng UBND tỉnh hiện nay cảm nhận được ý nghĩa, tầm quan trọng về vai trò “Tiền não” của chuyên viên để chủ động đề xuất những công việc giúp cho lãnh đạo UBND tỉnh tiếp tục xây dựng tỉnh Ninh Thuận vươn lên cùng cả nước thực hiện mục tiêu “Dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”...