Liệu có phá thế độc canh cây lúa?

Thời gian qua, ngành NN-PTNT triển khai một số mô hình sản xuất tại xã Phước Thái (Ninh Phước) nhằm phá thế độc canh cây lúa. Kết quả thực hiện mô hình bước đầu mang lại hiệu quả, nhưng không nhân rộng được. Vì sao vậy?

Trang trại chăn nuôi kết hợp với trồng táo của anh Nguyễn Ngọc Minh ở thôn Tà Dương được xem là có hiệu quả nhất. Trên diện tích đất cằn hơn 6 ha, năm 2006, anh Minh đầu tư hàng trăm triệu đồng để san ủi, xây trạm bơm dẫn nước từ kênh Nam vào để trồng 3,2 ha táo bom và táo lê Thái Lan; đồng thời xây dựng 400 m2 chuồng trại để nuôi heo, gà kết hợp. Hằng năm, 1.600 cây táo cho khoảng 120 tấn quả, với giá 7000-9000 đồng/kg anh Minh thu về hơn 1 tỷ đồng. Đó là chưa kể nguồn thu khoảng 1 tỷ đồng từ chăn nuôi 250 con heo thịt, 30 heo nái bán giống và hàng ngàn con gà. Anh Minh cho biết, sau khi trừ chi phí, mỗi năm lãi từ trồng táo và chăn nuôi trên dưới 800 triệu đồng.

Nhờ làm ăn có hiệu quả, năm 2008, trang trại của anh Minh được Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh chọn xây dựng mô hình điểm chăn nuôi heo theo hướng siêu nạc và mô hình trình diễn canh tác cây táo theo hướng hữu cơ sinh học. Anh được hỗ trợ vay vốn làm ăn. Bản thân anh Minh, nhiều lần vinh dự được lên huyện, tỉnh báo cáo điển hình tiên tiến.

Gương sáng làm giàu của nông dân Nguyễn Ngọc Minh lan xa. Có rất nhiều nông dân trong tỉnh tìm đến trang trại của anh tham quan, học hỏi. Tuy nhiên, không có người nào làm theo được vì chi phí đầu tư quá cao. Nhiều nông dân có đủ quỹ đất để thực hiện mô hình, nhưng với vốn đầu tư ban đầu lên đến 500 triệu đồng là quá lớn, không đủ khả năng. Trong khi đó, theo đồng chí Quảng Kèo, Bí thư Đảng ủy xã Phước Thái, vấn đề chính không phải là vốn vì có thể vay một phần ở ngân hàng, cái chính là bà con còn ảnh hưởng tập quán sản xuất nhỏ, chưa mạnh dạn đột phá vươn lên làm ăn lớn. Đây là nguyên nhân để mô hình không nhân rộng được.

Còn mô hình nuôi cá lóc bông thương phẩm trong ao đất do Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh triển khai vào năm tháng 7-2009 chỉ qua một vụ thí điểm đã bị “phá sản”. Đây là mô hình lần đầu tiên được thực hiện tại xã Phước Thái. Theo đánh giá của những người làm chuyên môn, mô hình phù hợp với điều kiện tự nhiên ở địa phương, nhờ nhiều hộ có ao, hồ nằm dọc kênh Nam, chủ động nước. Con cá lóc bông dễ nuôi, không kén thức ăn, nhanh lớn, thịt ngon, giá trị kinh tế cao.

Hộ ông Phú Vương ở thôn Hoài Trung thực hiện mô hình trên diện tích ao 600 m2 được hỗ trợ 60% tiền con giống và 40% tiền mua thức ăn. Nhờ tuân thủ quy trình kỹ thuật, nên cá phát triển rất nhanh, cuối vụ thu được hơn 2 tấn. Năng suất là cao, nhưng không có đầu ra nên… “tính qua tính lại” thì lỗ công nuôi. Ông Vương, ngán ngẫm: “Chỉ cần bán được giá 30.000 đồng/kg là có lãi. Đằng này, đến kỳ thu hoạch, đầu ra hạn hẹp. Khi chợ ít cá, thương lái mỗi ngày đến mua vài thùng, lúc chợ nhiều cá thì họ ép giá bỏ lơ luôn”.

Trao đổi với chúng tôi về tình hình nhân rộng các mô hình sản xuất mới, đồng chí Quảng Kèo cho biết, cái khó ở Phước Thái hiện nay là mô hình có "đầu ra" thì vốn đầu tư quá cao, mô hình vốn đầu tư vừa phải lại không có "đầu ra". Đây là bài toán khó, bởi chịu sự điều tiết của thị trường. Vậy nên, để đa dạng hóa trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương cần phải có thời gian.