Giải đáp pháp luật

(NTO) Ngày 13-4-2017, Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quyết định số 622/QĐ-UBND phê duyệt kế hoạch phối hợp phòng, chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trên cơ sở giới giữa Hội Luật gia tỉnh, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội và Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

Báo Ninh Thuận phối hợp cùng Ban Thường trực Hội Luật gia tỉnh giới thiệu một số nội dung quy định của pháp luật về bình đẳng giới và phòng, chống bạo lực gia đình để cung cấp những thông tin pháp luật cần thiết phục vụ công tác phòng chống bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em trên cơ sở giới.

Hỏi: Thế nào là vai trò giới?

Trả lời: Vai trò giới có thể hiểu là sự phân chia các hoạt động, nghề nghiệp hay thậm chí là vị thế của nam giới và phụ nữ dựa trên những định kiến về mặt xã hội, văn hóa. Thông thường, sự phân chia đó được xem là “bình thường” hay “phù hợp” với các cá nhân của mỗi giới, tuy nhiên, trên thực tế không hẳn như vậy. Ví dụ, các xã hội thường cho rằng những nghề như thợ mộc, cơ khí, kỹ sư, phi công... chỉ thích hợp hoặc dành cho nam giới, trong khi trên thực tế nhiều phụ nữ đã và đang làm những nghề này. Ngược lại, những nghề như bán hàng, nội trợ, đầu bếp... thường được cho là “dành riêng” cho phụ nữ, nhưng thực tế nhiều nam giới cũng có thể và đang làm rất tốt những công việc đó...

Vai trò giới được phân làm ba dạng:

Vai trò sản xuất: Thể hiện qua những hoạt động sản xuất ra sản phẩm vật chất, dịch vụ cho xã hội. Ví dụ như trồng trọt, chăn nuôi, làm vườn, làm việc trong các nhà máy, công xưởng, doanh nghiệp, các văn phòng, buôn bán...

Vai trò sản xuất có thể và thực tế vẫn do cả nam giới và phụ nữ đảm nhiệm, nhưng các xã hội thường gán cho nam giới là chủ thể chính của vai trò này và mức độ hoàn thành vai trò sản xuất thường được dùng làm tiêu chí để đánh giá uy tín của nam giới trong xã hội.

Vai trò tái sản xuất: Thể hiện qua các hoạt động nội trợ và hoạt động liên quan đến đời sống hôn nhân gia đình nhằm bảo đảm tái sản xuất sức lao động và duy trì nòi giống của con người. Nó bao gồm việc mang thai, sinh nở, nuôi con, chăm sóc, nuôi dưỡng người thân, quản lý công việc gia đình...

Vai trò tái sản xuất cũng có thể và thực tế vẫn do cả nam giới và phụ nữ đảm nhiệm, nhưng các xã hội thường gán cho phụ nữ là chủ thể chính của vai trò này và mức độ hoàn thành vai trò tái sản xuất thường được dùng làm tiêu chí để đánh giá uy tín của phụ nữ.

Vai trò cộng đồng: Thể hiện qua các hoạt động ở cấp độ cộng đồng (làng, bản, thôn, tổ dân phố...) nhằm đáp ứng những nhu cầu sinh hoạt chung của cộng đồng như xây dựng đường giao thông nội bộ, bảo đảm an ninh, vệ sinh, hội hè...

Vai trò cộng đồng cũng có thể và thực tế vẫn do nam giới và phụ nữ đảm nhiệm, nhưng khi tham gia hoạt động này, nam giới thường giữ cương vị chính thức, lãnh đạo (ví dụ trưởng thôn, bản, trưởng ban lễ hội...), trong khi phụ nữ chỉ giữ cương vị không chính thức, giúp việc (ví dụ như quét dọn, nấu nướng...).

Phụ nữ phải đảm nhiệm đồng thời nhiều vai trò giới hơn nam giới. Phụ nữ đồng thời làm vợ, làm mẹ, nội trợ (vai trò tái sản xuất) làm việc để nuôi sống hoặc đóng góp xây dựng kinh tế gia đình (vai trò sản xuất) và tham gia các hoạt động chung của cộng đồng (vai trò cộng đồng), trong khi nam giới thông thường chỉ phải đảm nhiệm vai trò sản xuất. Gánh nặng đa vai trò về giới xuất phát từ những định kiến xã hội có tính chất bất bình đẳng với phụ nữ và được coi là một trong những hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ.