Ninh Hải: Đẩy mạnh truyền thông giảm thiểu mất cân bằng giới tính khi sinh

(NTO) Thời gian qua, để giảm thiểu nguy cơ mất cân bằng giới tính khi sinh (MCBGTKS) trên địa bàn, Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện Ninh Hải đã và đang đẩy mạnh các hoạt động truyền thông về hậu quả, hệ lụy của việc MCBGTKS đến với người dân, với nhiều hoạt động và hình thức đa dạng, phong phú.

Đồng chí Nguyễn Thị Anh, Giám đốc Trung tâm Dân số-KHHGĐ huyện cho biết: Ngay sau khi triển khai Đề án kiểm soát MCBGTKS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016-2020, Trung tâm phối hợp với Đài Truyền thanh huyện xây dựng chuyên mục “MCBGTKS và hệ lụy của MCBGTKS” mỗi tháng phát 14 tin, bài; phối hợp với Ban Chỉ đạo công tác DS-KHHGĐ các xã tổ chức truyền thông về MCBGTKS cho người dân, tiếp tục duy trì sinh hoạt các Câu lạc bộ “Phụ nữ không sinh con thứ 3” “Tiền hôn nhân”...với nhiều hình thức đa dạng như: nói chuyện chuyên đề, phát tờ rơi, tổ chức tư vấn trực tiếp...Thông qua đó, góp phần tạo sự chuyển biến tích cực trong nhận thức người dân về công tác DS-KHHGĐ, nhiều chị em tự nguyện cam kết không sinh con thứ 3, lựa chọn cho mình những biện pháp tránh thai phù hợp.

Đơn cử như xã Nhơn Hải, một trong những địa phương tích cực trong công tác tuyên truyền, góp phần cải thiện chất lượng dân số. Chị Nguyễn Thị Kim Khuê, cán bộ chuyên trách Dân số xã Nhơn Hải chia sẻ: Mặc dù kinh phí cho hoạt động tuyên truyền còn hạn hẹp nhưng đội ngũ CTV tâm huyết, nhiệt tình theo phương châm “mưa dầm thấm lâu” nên công tác DS-KHHGĐ ngày càng chuyển biến tích cực. Thông qua hệ thống loa phát thanh ở xã, các ngày lễ kỷ niệm, lực lượng CTV ở thôn linh hoạt lồng ghép tuyên truyền về những hậu quả và hệ lụy của việc MCBGTKS. Thực hiện đề án giảm tỷ lệ MCBGTKS, thông qua các ban, ngành, đoàn thể, cộng tác viên dân số xã đã lồng ghép tuyên truyền công tác DS-KHHGĐ vào các buổi họp dân giúp họ hiểu được chính sách về công tác dân số. Nêu gương điển hình những gia đình sinh con 1 bề kinh tế phát triển và hạnh phúc để tuyên truyền cho người dân, nhờ đó, hầu hết chị em nhận thức được lợi ích của việc sinh ít con, không sinh con thứ ba để nuôi dạy con tốt và đặc biệt giảm mạnh tư tưởng “trọng nam khinh nữ” ảnh hưởng đến tình trạng MCBGTKS.

Nhờ thực hiện tốt các mô hình và đẩy mạnh công tác truyền thông đã từng bước giảm tỷ lệ MCBGTKS tại địa bàn huyện. Theo số liệu thống kê năm 2014, toàn huyện có 1.555 trẻ được sinh ra, trong đó có 847 trẻ trai /708 trẻ gái. Đến đầu năm 2017, toàn huyện có 1.577 trẻ sinh ra thì có 829 trẻ trai/748 trẻ gái.

Đồng chí Nguyễn Thị Anh cho biết thêm: Cùng với công tác tuyên truyền, trong thời gian tới, huyện tăng cường sự quan tâm lãnh đạo của cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, nhất là cấp cơ sở, đẩy mạnh sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội trong công tác truyền thông vận động để từng bước kiểm soát tình trạng MCBGTKS; cung cấp thông tin về tình hình, hậu quả và giải pháp khắc phục tình trạng MCBGTKS đến người dân; chú trọng giáo dục về sức khỏe sinh sản, bình đẳng giới cho vị thành niên, thanh niên và nam, nữ chuẩn bị kết hôn. Trung tâm DS-KHHGĐ tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức về can thiệp giảm thiểu MCBGTKS cho đội ngũ cán bộ, viên chức của Trung tâm, đội ngũ  cán bộ chuyên trách, cộng tác viên dân số nhằm trang bị kiến thức cần thiết về kỹ năng tuyên truyền, tư vấn về giới tính khi sinh, hậu quả của việc MCBGTKS, từng bước ổn định và nâng cao chất lượng dân số.