Bước tiến mới trong công tác quản lý đất đai trên địa bàn tỉnh

(NTO) Nhận thức được tầm quan trọng của công nghệ thông tin đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương nói chung, đặc biệt trong lĩnh vực quản lý đất đai nói riêng, ngày 26-12-2008, UBND tỉnh đã ra Quyết định số 8485/QĐ-UBND phê duyệt Dự án xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai giai đoạn 2008 - 2010, định hướng đến 2015 của tỉnh đối với 31 xã trên địa bàn; trong đó, đến nay đã triển khai dự án đối với 29 xã (trừ xã Phước Kháng và Phước Chiến thuộc huyện Thuận Bắc), dự kiến đến cuối năm 2017 sẽ hoàn thiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu để bàn giao cho địa phương đưa vào vận hành sử dụng.

Để đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý đất đai đảm bảo tính thống nhất, hiện đại, hiệu quả và phục vụ người dân được tốt hơn, Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã đưa phần mềm Vilis phiên bản 2.0 vào ứng dụng. Đây được coi là bước đột phá trong tiến trình cải cách thủ tục hành chính phù hợp với trình độ quản lý của hệ thống chính quyền các cấp và yêu cầu phục vụ người dân một cách tốt nhất. Đồng thời, nhằm tạo ra sự đột phá để từng bước nâng cao hiệu quả trong quản lý nhà nước về đất đai, Sở TN&MT đã giao nhiệm vụ cho Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh thực hiện thí điểm việc chuẩn hóa bản đồ, hoàn thiện hệ thống hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai của xã Phước Thuận (Ninh Phước) và hoàn thiện việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai của xã Phước Đại (Bác Ái) để quản lý trên phần mềm Vilis 2.0. Qua thực tế thực hiện cho thấy, thuận lợi cơ bản là cơ sở dữ liệu địa chính của xã Phước Đại (Bác Ái) được xây dựng và quản lý bằng phần mềm Vilis 2.0, đây là xã đi đầu trong việc xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu đất đai và hệ thống hồ sơ địa chính theo hướng hiện đại, thống nhất trên phạm vi cả nước. Việc ứng dụng phần mềm Vilis vào xây dựng và quản lý hồ sơ địa chính số cho hiệu quả cao trong xây dựng và lưu trữ lượng lớn thông tin; tiết kiệm thời gian hơn so với phương pháp truyền thống, đơn giản trong quá trình xây dựng, tự động cập nhật thông tin đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai. Đơn cử như sẽ nhanh chóng, thuận tiện, chính xác trong việc khai thác các thông tin đất đai dưới các hình thức tra cứu trên mạng: Tìm được thông tin về thửa đất khi biết thông tin về người sử dụng đất và ngược lại; tìm được các thửa đất, người sử dụng đất theo các tiêu chí hoặc nhóm các tiêu chí về tên, địa chỉ của người sử dụng đất, đối tượng sử dụng đất; vị trí, kích thước, hình thể, mã, diện tích, hình thức sử dụng, mục đích sử dụng, nguồn gốc sử dụng, thời hạn sử dụng của thửa đất; giá đất, tài sản gắn liền với đất, những hạn chế về quyền của người sử dụng đất, nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất; những biến động về sử dụng đất của thửa đất; số phát hành và số vào Sổ cấp giấy chứng nhận… mà nếu với cách làm “truyền thống” sẽ mất rất nhiều thời gian, công sức mới có thể có đầy đủ thông tin cần tìm.

Có thể thấy, việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai, tiến tới việc số hoá quản lý dữ liệu đất đai ngay trong bản đồ sẽ phát huy được quyền làm chủ của nhân dân, phát huy được giá trị đất đai trong các giao dịch, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện các nội dung dự án nói trên cũng có những khó khăn nhất định. Cụ thể là dữ liệu không gian địa chính các xã trước đây được thành lập bằng phương pháp thủ công và tuy đã được số hóa vào năm 2000 nhưng dữ liệu có độ chính xác thấp, diện tích pháp lý được công nhận trên bản đồ so với kết quả tính diện tích số hóa còn có sai số đáng kể. Bên cạnh đó, tốc độ phát triển nhanh về hạ tầng giao thông, thủy lợi, hình thành mới các khu quy hoạch dân cư, và nhu cầu chuyển đổi mục đích sử dụng đất của người sử dụng đất, việc cập nhật chỉnh lý bản đồ địa chính và hồ sơ địa chính chưa kịp thời và chưa đồng bộ ở 3 cấp. Do đó, gây ra rất nhiều khó khăn và mất nhiều thời gian rà soát, đối chiếu thông tin, chỉnh lý biến động bản đồ địa chính. Mặt khác, hồ sơ địa chính là hệ thống tài liệu mang tính kế thừa cao, tuy nhiên, hầu hết dữ liệu địa chính được lưu trữ dạng giấy, qua thời gian sử dụng bộ bản đồ địa chính, sổ sách theo dõi đã cũ nát, một phần hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính bị hư hỏng, không xác định được thông tin. Bên cạnh đó, việc giải quyết các thủ tục hành chính về đất đai cho hộ gia đình, cá nhân và tổ chức ngày càng được tăng theo cấp số nhân, trong khi kho lưu trữ không được bố trí và bảo quản theo đúng quy định, không gian lưu trữ chật chội, do đó việc sắp xếp, phân loại hồ sơ rất khó khăn. Với phương pháp quản lý thủ công, việc tra cứu thông tin và cập nhật biến động về sử dụng đất đai lại càng trở nên khó khăn hơn. Tình trạng máy móc, thiết bị lạc hậu chưa đáp ứng điều kiện cần thiết để thực hiện việc cài đặt các phần mềm quản lý hồ sơ địa chính Vilis để vận hành và cập nhật cơ sở dữ liệu...

Rõ ràng, việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai như đã nêu trên đã mang lại hiệu quả đáng kể, không những nhằm thiết lập một hệ thống thông tin đất đai bền vững với công tác quản lý, khai thác đi đôi với cập nhật biến động, đồng thời giảm chi phí đo đạc, chỉnh lý biến động theo định kỳ và giúp cho hệ thống công tác quản lý và cập nhật, chỉnh lý biến động nguồn dữ liệu đất đai thống nhất từ tỉnh, huyện, đến các xã, phường, thị trấn. Đảm bảo cung cấp thông tin, dữ liệu đất đai nhanh gọn, chính xác phục vụ tốt quản lý Nhà nước về đất đai, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao về phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh, nghiên cứu khoa học, đào tạo, hợp tác quốc tế; phát triển Chính phủ điện tử trong ngành TN&MT, đặc biệt là nhu cầu khai thác thông tin thường xuyên cho người dân và doanh nghiệp góp phần làm minh bạch thị trường bất động sản. Bên cạnh đó, việc xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai còn giúp cán bộ quản lý dần thay đổi cách quản lý hồ sơ theo phương thức truyền thống chuyển sang ứng dụng những tiến bộ của khoa học và công nghệ vào trong công tác quản lý và nhu cầu của công việc đề ra. Hay nói khác hơn, xây dựng cơ sở dữ liệu chính là nhằm hiện đại hoá hệ thống quản lý và cập nhật, chỉnh lý biến động nguồn dữ liệu đất đai thống nhất từ cấp tỉnh đến cấp xã. Phát triển môi trường điện tử trong ngành TN&MT và đặc biệt là nhu cầu khai thác thông tin thường xuyên cho người dân và doanh nghiệp góp phần nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh (CPI) trên địa bàn tỉnh… Bên cạnh 29 xã được đầu tư xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu địa chính sẽ hoàn thành và đưa vào quản lý vận hành vào năm 2018, các xã, thị trấn còn lại trên địa bàn tỉnh sẽ tiếp tục chuẩn hóa bản đồ địa chính để chuyển sang quản lý trên phần mềm Vilis nhằm xây dựng và hoàn thiện hệ thống hồ sơ địa chính hiện đại và hệ thống thông tin đất đai bền vững tại tỉnh nhà.

Trong thời gian tới, để phát huy hiệu quả của hệ thống cơ sở dữ liệu địa chính, theo lãnh đạo Sở TN&MT cho biết, để tạo thuận lợi cho đơn vị thực hiện, UBND tỉnh cần chỉ đạo UBND các huyện, thành phố khẩn trương phối hợp với đơn vị hoàn thành công tác xây dựng cơ sở dữ liệu đối với 29 xã, phường đã được đầu tư để đưa vào vận hành sử dụng vào năm 2018; tập trung chỉ đạo các xã, thị trấn còn lại kiện toàn, hoàn thiện lại hồ sơ sổ sách đất đai, ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý đất đai từ cơ sở. Chấp thuận chủ trương cho Sở TN&MT lập Đề án chuẩn hóa bản đồ địa chính đối với 34 xã, thị trấn xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính trên phần mềm Vilis 2.0 theo đúng quy định của Bộ TN&MT…

Trong xu thế phát triển hiện nay, ứng dụng công nghệ thông tin vào các lĩnh vực quản lý đất đai là một xu thế tất yếu, góp phần quan trọng vào công tác quản lý tài nguyên, thúc đẩy phát triển thị trường bất động sản hiệu quả, minh bạch trên địa bàn tỉnh.