Tăng cường quản lý cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm

(NTO) Mặc dù công tác kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh ta đã được tăng cường, nhưng tình trạng giết mổ không phép tại các điểm nhỏ lẻ vẫn diễn biến phức tạp. Điều đáng lo ngại là nhiều cơ sở giết mổ không bảo đảm quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) vẫn thường ngày cung cấp sản phẩm ra thị trường.

Có mặt tại cơ sở giết mổ gia súc tư nhân ở phường Đạo Long, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm, chúng tôi nhận thấy các cơ sở giết mổ xây dựng rất sơ sài với diện tích hẹp, nền nhà đổ xi măng, cạnh lối thoát nước đen ngòm. Heo được mua về, tập kết ngay tại khu vực giết mổ. Phần lớn người làm việc ở đây không được trang bị phương tiện bảo hộ lao động khi thực hiện giết mổ. Đáng ngại hơn là sau khi được sơ chế, thịt heo, nội tạng vứt bừa bãi trên nền xi măng ẩm ướt; chất thải, nước thải đổ trực tiếp xuống rãnh nước gần đó. Thịt heo sau khi mổ, được vắt ngang yên xe và không hề được che đậy, vận chuyển bằng xe máy đến thẳng nơi tiêu thụ mà không qua bất kỳ khâu kiểm soát nào.

Theo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, tình trạng các cơ sở giết mổ trong khu dân cư không bảo đảm vệ sinh thú y, VSATTP, ảnh hưởng đến môi trường, dễ lây truyền dịch bệnh, nhất là dịch cúm gia cầm. Hiện toàn tỉnh có 77 lò giết mổ gia súc, gia cầm, mỗi ngày đưa ra thị trường gần 20 tấn thịt các loại. Trong số đó, có 33 cơ sở được cấp Giấy chứng nhận kinh doanh, nhưng chỉ có 6 cơ sở vừa và lớn có đủ điều kiện vệ sinh thú y, còn lại không đạt tiêu chuẩn theo quy định. Ông Lê Ngọc Bích, Trưởng phòng Dịch tễ, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh cho biết: Hầu hết các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh có quy mô nhỏ lẻ, tận dụng nhà ở làm nơi giết mổ, nằm xen kẽ trong khu dân cư, phân tán tại 33 xã, phường, thị trấn; không có quy trình xử lý nước thải, chất thải; cơ sở vật chất, thiết kế nhà xưởng không đạt tiêu chí về đảm bảo an toàn thực phẩm.

Không chỉ tại các lò mổ trong dân cư, tại các chợ còn rất nhiều điểm giết mổ gia cầm nhỏ lẻ, mất vệ sinh. Mỗi điểm thường chỉ có một nồi nước sôi dùng cả buổi để làm thịt chung hàng trăm con gia cầm với các vật dụng cũ, bám bẩn. Chung quanh khu vực nhốt gia cầm, phân và nước thải lênh láng, bốc mùi hôi thối, chưa kể nhiều loại gia cầm ở đây chưa được kiểm soát về dịch bệnh và không rõ nguồn gốc.

Có thể thấy rằng, công tác quản lý đối với các cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ rất khó kiểm soát, khi lực lượng thú y quá “mỏng”, còn các điểm giết mổ nhỏ lẻ đang ngày một gia tăng. Các cơ sở hoạt động giết mổ thường hoạt động vào quãng thời gian từ 12 giờ đêm hôm trước đến 6 giờ sáng hôm sau khiến cán bộ thú y khó tiếp cận. Trong khi đó, người tiêu dùng vẫn thường có thói quen mua sản phẩm giết mổ không tìm hiểu rõ nguồn gốc sản phẩm, vô tình tạo điều kiện cho sự tồn tại của các cơ sở giết mổ thủ công nhỏ lẻ.

Nhằm lập lại trật tự trong hoạt động giết mổ, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cấp, các ngành và giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, triển khai các hoạt động quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn. Hình thành các cơ sở giết mổ công nghiệp hiện đại, tập trung tại các huyện; đồng thời từng bước xóa bỏ những cơ sở giết mổ nhỏ lẻ không đảm bảo điều kiện hoạt động. Tỉnh cũng đã có chủ trương, chính sách thu hút, tạo điều kiện thuận lợi để doanh nghiệp đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ tập trung trên địa bàn của tỉnh, trong đó đặc biệt là các đô thị để tạo đầu ra cũng như công tác VSATTP cho sản phẩm đặc thù của tỉnh. Trước mắt, ưu tiên cho các doanh nghiệp đầu tư xây dựng 3 lò giết mổ gia súc, gia cầm tập trung ở Tp. Phan Rang – Tháp Chàm và hai huyện Ninh Phước, Ninh Sơn.

Cùng với việc đẩy mạnh đầu tư, các cấp ngành liên quan cần tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền về VSATTP đến người sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng; nâng cao năng lực kiểm tra, kiểm soát hoạt động giết mổ, xử lý nghiêm các cơ sở vi phạm các quy định về vệ sinh thú y, vệ sinh môi trường, từng bước chấn chỉnh để công tác quản lý giết mổ gia súc, gia cầm trên địa bàn tỉnh dần đi vào nền nếp.