Họp Ban chỉ đạo thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số”

(NTO) Ngày 22-5, đồng chí Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp Ban chỉ đạo thực hiện Đề án “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng dân tộc thiểu số” (gọi tắt là đề án) nhằm đánh giá kết quả thực hiện đề án sau 1 năm triển khai và đề ra phương hướng, nhiệm vụ trong thời gian tới.

Đồng chí Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp.

Đại biểu phát biểu tại cuộc họp.

Theo đánh giá, sau hơn 1 năm triển khai đề án, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của Tỉnh ủy, HĐND, UBND; sự kết hợp đồng bộ và trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương; sự hưởng ứng và tham gia tích cực về mọi mặt của đồng bào vùng thực hiện đề án, việc triển khai thực hiện đề án đã thu được những thành quả quan trọng, góp phần thay đổi rõ nét nhận thức của đồng bào vùng dân tộc thiểu số (DTTS) về vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Theo đó, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp với các sở ngành và UBND các huyện mở 14 lớp tuyên truyền phổ biến pháp luật, thu hút gần 1.500 người tham dự; biên soạn, phát hành gần 5.000 cuốn sổ tay hỏi đáp pháp luật về hôn nhân và gia đình; hàng nghìn tờ rơi, áp phích song ngữ (Việt- Chăm) có nội dung liên quan đến vấn đề tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống được cấp phát đến 37 xã miền núi vùng đồng bào DTTS và 124 thôn vùng DTTS trên địa bàn toàn tỉnh…

Phát biểu kết luận, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị các sở, ngành, địa phương liên quan tiến hành khảo sát, điều tra thực trạng vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống tại các địa phương thực hiện đề án, trên cơ sở đó tiếp tục thực hiện kế hoạch, mục tiêu đề ra trong thời gian tiếp theo; chú trọng kiện toàn Ban chỉ đạo đề án các cấp. Các địa phương thực hiện đề án cần tổ chức tuyên truyền lồng ghép vấn đề tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong các hoạt động văn hóa, văn nghệ và trong sinh hoạt của các tổ chức đoàn thể; nhân rộng mô hình “Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống vùng đồng bào DTTS” tại các trường phổ thông, trường dân tộc nội trú, trường dân tộc bán trú, nhằm cung cấp thông tin, kiến thức pháp luật liên quan về lĩnh vực hôn nhân, tác hại của tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống, sức khỏe sinh sản và kế hoạch hóa gia đình. Đồng thời, tăng cường bồi dưỡng, tập huấn, cập nhật kiến thức, nâng cao năng lực về công tác tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ truyền thông xã, thôn; các cơ quan truyền thông tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chương trình…