Xây dựng văn hóa giao thông Bắt đầu từ thói quen nhỏ nhất!

(NTO) Những năm gần đây, an toàn giao thông đang là vấn đề lớn thu hút sự quan tâm của các ngành, các cấp, của dư luận xã hội. Bởi thực tế hiện nay, những nguy cơ tiềm ẩn gây mất an toàn giao thông, đặc biệt là tai nạn giao thông ngày càng gia tăng.

Hằng ngày, chúng ta dễ dàng bắt gặp trên các mặt báo, chương trình thời sự những tin tức về các vụ tai nạn giao thông được cập nhật liên tục, với những số liệu, hình ảnh khiến không ít người phải “giật mình”. Tai nạn giao thông có thể đến với bất kỳ ai không phân biệt tuổi tác, nghề nghiệp, địa vị xã hội. Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tai nạn giao thông, bao gồm: Cơ sở hạ tầng giao thông còn kém, phương tiện giao thông không đảm bảo an toàn (quá hạn, quá cũ, xe tự tạo)… Tuy nhiên, nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tình trạng tai nạn giao thông ở nước ta vẫn là ý thức của người tham gia giao thông còn quá kém. Trên đường phố hằng ngày không khó để bắt gặp những hình ảnh chưa đẹp của không ít người, đặc biệt là giới trẻ khi tham gia giao thông như điều khiển phương tiện chạy quá tốc độ quy định, phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách; đi không đúng làn đường, không đưa ra tín hiệu khi chuyển làn, chuyển đường; sử dụng nhiều rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện giao thông… Đặc biệt là tình trạng “vô làn, muôn lối” của các phương tiện tham gia giao thông, dù nhiều tuyến đường có đầy đủ hệ thống sơn vạch kẻ đường, phân làn… Từ những ứng xử thiếu văn hóa giao thông như trên đã dẫn đến những vụ va chạm, tai nạn giao thông đáng tiếc xảy ra, gây nguy hiểm cho bản thân và cộng đồng. Không những thế, tổn thất do tai nạn giao thông để lại hệ lụy lâu dài cho gia đình và xã hội. Có tới 85% người chết vì tai nạn giao thông ở độ tuổi lao động và giữ vai trò trụ cột trong gia đình.

Ngã tư đường 16 Tháng 4 và Ngô Gia Tự, Tp. Phan Rang - Tháp Chàm. Ảnh: Văn Miên

Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đã khẳng định: “Văn hóa giao thông chính là nền tảng để tạo nên một trật tự an toàn giao thông bền vững, một môi trường giao thông thân thiện nhân ái và xây dựng văn hóa giao thông là một phần quan trọng của việc xây dựng một nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc”. Xây dựng văn hóa giao thông được xem là giải pháp quan trọng, hữu hiệu nhằm đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông cho người lẫn phương tiện, thiết lập trật tự an toàn giao thông cho xã hội.

Xây dựng văn hóa giao thông rất cần sự chung tay của toàn xã hội. Để làm được điều này, các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh cần triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tuyên truyền, vận động, nâng cao kiến thức pháp luật về giao thông, ý thức văn hóa khi tham gia giao thông cho Nhân dân, đặc biệt là giới trẻ, học sinh, sinh viên… thông qua tài liệu, tờ rơi, sân khấu hóa, các cuộc thi tìm hiểu về Luật Giao thông đường bộ...; hướng dẫn các kỹ năng tham gia giao thông an toàn giúp người dân biết cách phòng vệ trước hiểm họa tai nạn giao thông; tổ chức các lớp học về an toàn giao thông, trưng bày hoặc triển lãm tranh, ảnh, sách báo đến từng cơ sở… Ngoài ra, các ngành chức năng cần có chế tài xử lý nghiêm minh, đủ sức răn đe và tạo chuyển biến trong nhận thức của người tham gia giao thông. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân phải tự trang bị cho mình kiến thức pháp luật về an toàn giao thông, từ đó nghiêm chỉnh chấp hành các quy tắc cơ bản khi tham gia giao thông… Hãy xây dựng văn hóa giao thông bắt đầu từ những việc làm nhỏ nhất xuất phát từ ý thức giữ an toàn cho bản thân và cộng đồng. Đặc biệt, mỗi cử chỉ văn hóa giao thông không chỉ thể hiện nét đẹp trong văn hóa ứng xử, phản chiếu hình ảnh mỗi công dân, mà còn góp phần xây dựng hình ảnh, bộ mặt đô thị văn minh, hiện đại.