NHÌN LẠI 6 THÁNG ĐẦU NĂM 2017:

Ngành Ngân hàng tích cực đầu tư vào nền kinh tế của tỉnh

(NTO) Từ đầu năm đến nay, tuy còn nhiều khó khăn nhưng nền kinh tế của tỉnh tiếp tục có nhiều chuyển biến đáng ghi nhận. Sản xuất ở tất cả các ngành, lĩnh vực đạt được kết quả tích cực, nhất là sản xuất nông nghiệp, giống thủy sản, khai thác thủy sản, dịch vụ du lịch tăng cao so với cùng kỳ; sản xuất công nghiệp có tăng trưởng và ổn định; các chính sách an sinh xã hội tiếp tục được quan tâm và triển khai đầy đủ, kịp thời.

Theo dự ước, tổng sản phẩm nội tỉnh (GRDP) 6 tháng đầu năm 2017 tăng trên 7,7% so với cùng kỳ năm trước. Đóng góp quan trọng vào tăng trưởng chung của kinh tế tỉnh nhà, trong đó không thể thiếu vai trò của các ngân hàng trên địa bàn tỉnh.

Khách hàng giao dịch tại Agribank Chi nhánh Ninh Thuận.

Theo số liệu của Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, ước đến cuối tháng 6-2017, nguồn vốn huy động trên địa bàn đạt 9.500 tỷ đồng, tăng 1.040 tỷ đồng (tăng 12,29%) so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, huy động tiền nhàn rỗi từ gửi tiết kiệm dân cư vẫn là chủ lực, đạt trên 7.100 tỷ đồng, chiếm 74,74% trong tổng nguồn huy động, tăng 535 tỷ đồng (tăng 8,15%) so với cuối năm 2016. Từ nguồn vốn huy động đã nêu, các Ngân hàng thương mại (NHTM) đã đầu tư vào nền kinh tế của tỉnh với tổng doanh số cho vay 6 tháng đầu năm ước đạt trên 13.980 tỷ đồng, tăng 1.223 tỷ đồng (tăng 9,59%) so với cùng kỳ năm 2016. Trong số này, cho vay ngắn hạn đạt 11.800 tỷ đồng, chiếm 84,4%; trung và dài hạn đạt 2.180 tỷ đồng, chiếm 15,6%, góp phần nâng tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn đạt hơn 16.050 tỷ đồng, tăng 2.355 tỷ đồng (tăng 17,2%) so với cùng kỳ và tăng 1.240 tỷ đồng (tăng 8,37%) so với cuối năm 2016. Trong đó, dư nợ được đầu tư vào ngành nông nghiệp-thủy sản đạt trên 4.100 tỷ đồng, chiếm 25,55% trong tổng dư nợ, tăng 683 tỷ đồng (tăng 19,99%); ngành công nghiệp-xây dựng trên 2.580 tỷ đồng, chiếm 16,07%, tăng 17,01% so với cùng kỳ; riêng ngành thương mại, dịch vụ và hoạt động phục vụ cá nhân cộng đồng có doanh số cho vay lên đến trên 9.370 tỷ đồng, chiếm 58,38% trong tổng dư nợ, tăng 1.297 tỷ đồng (tăng 16,07%) so với cùng kỳ.

Điều rất đáng ghi nhận là cùng với với việc “lo vốn” cho các hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tỉnh, các ngân hàng còn tích cực thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho khách hàng. Cụ thể là đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 64 hợp đồng tín dụng/13,86 tỷ đồng của khách hàng vay, lũy kế từ khi thực hiện Nghị quyết 13/NQ-CP từ tháng 5-2012 đến ngày 31-5-2017 là 5.660 hợp đồng tín dụng/1.875 tỷ đồng. Xem xét miễn, giảm lãi vay cho 42 hợp đồng tín dụng với số lãi được miễn giảm là 3,073 tỷ đồng (lũy kế từ tháng 5-2012 đến nay đạt 1.059 hợp đồng tín dụng/38,9 tỷ đồng). Đồng thời, cho vay ngắn hạn đối với ngành, lĩnh vực ưu tiên với doanh số trên 5.150 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp chiếm 54%, hộ vay chiếm 46%... Đặc biệt, ngành Ngân hàng đã chú trọng thực hiện đầu tư tín dụng theo các cơ chế chính sách của Chính phủ và của ngành trên địa bàn. Đơn cử như: Đầu tư tín dụng theo Nghị định 55/2016/NĐ-CP về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn doanh số cho vay ước đạt trên 3.650 tỷ đồng, tăng 110 tỷ đồng (tăng 3,11%), góp phần nâng tổng dư nợ ước đến ngày 30-6-2017 đạt 4.650 tỷ đồng/41.500 khách hàng, tăng 477 tỷ đồng (tăng 11,43%) so với cùng kỳ. Trong đó, dư nợ ngắn hạn 2.640 tỷ đồng, chiếm 56,8% dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn. Dư nợ cho vay xây dựng nông thôn mới đạt 3.240 tỷ đồng/102.400 khách hàng, tăng 140 tỷ đồng (tăng 4,51%) so với cùng kỳ. Trong số này, dư nợ ngắn hạn 1.160 tỷ đồng, chiếm 35,8% dư nợ cho vay nông nghiệp nông thôn; dư nợ trung và dài hạn 2.080 tỷ đồng, chiếm 64,2%. Cho vay hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ước đạt 2.510 tỷ đồng, tăng 115 tỷ đồng (tăng 4,8%) so với cùng kỳ... Một trong những kết quả nổi bật của ngành Ngân hàng đó là cho vay hỗ trợ ngư dân đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ. Tính đến nay, UBND tỉnh đã phê duyệt 8 đợt danh sách cho 33 ngư dân đủ điều kiện vay vốn hỗ trợ đóng mới, nâng cấp tàu cá theo Nghị định 67 và 89 của Chính phủ, trong đó huyện Ninh Hải có 10 chiếc, Tp. Phan Rang-Tháp Chàm 15 chiếc và huyện Thuận Nam 8 chiếc. Đã có 29 ngư dân đã ký hợp đồng tín dụng với số tiền cam kết cho vay là 243,747 tỷ đồng, đã giải ngân 204,33 tỷ đồng, đạt 83,83%. Từ nguồn vốn nói trên, hiện tại đã có 20 tàu hạ thủy đi vào hoạt động khá hiệu quả gồm 16 tàu khai thác và 4 tàu dịch vụ. Trong số này, các huyện Thuận Nam, Ninh Hải, mỗi địa phương có 4 tàu, riêng Tp. Phan Rang-Tháp Chàm có 12 tàu. Về chương trình kết nối Ngân hàng-Doanh nghiệp, trong 6 tháng đầu năm nay, ngành Ngân hàng tỉnh đã phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh tổ chức thành công Hội nghị gặp gỡ, đối thoại và kết nối Ngân hàng-Doanh nghiệp đầu năm 2017. Tại Hội nghị, 4 Chi nhánh NHTM trên địa bàn đã ký kết hợp đồng tín dụng với 14 doanh nghiệp, với số tiền cam kết cho vay 1.720 tỷ đồng. Trong đó, số tiền cam kết cho vay các dự án đầu tư trung dài hạn như Dự án Nhà máy Thủy điện Hạ Sông Pha 1 và 2, Dự án Nhà máy Thủy điện Thượng Sông Ông, Dự án Mở rộng công suất Nhà máy Thủy điện Đa Nhim giai đoạn 2… là 917 tỷ đồng, chiếm 53,3% tổng số tiền cam kết cho vay đợt I-2017. Đến nay, các NHTM đã giải ngân được 496,2 tỷ đồng, bằng 28,8% số tiền cam kết cho vay để đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án. Ngoài ra, các NHTM trên địa bàn tiếp tục đẩy mạnh tìm kiếm khách hàng, xác định đối tượng doanh nghiệp đang có khó khăn và có các biện pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ tín dụng với lãi suất hợp lý. Ngoài hoạt động của các NHTM, Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) cũng góp phần quan trọng trong lĩnh vực bảo đảm an sinh xã hội thông qua việc cho vay hộ nghèo, đối tượng chính sách theo các chương trình của Ngân hàng CSXH. Hiện nay, Ngân hàng CSXH tỉnh đang triển khai thực hiện 17 chương trình tín dụng ưu đãi của Chính phủ trên địa bàn tỉnh với tổng dư nợ ước đến cuối tháng 6-2017 đạt 1.700 tỷ đồng/94.870 khách hàng, tăng 219 tỷ đồng (tăng 14,79%) so với cùng kỳ. Trong đó, dư nợ cho vay cao nhất là hộ cận nghèo với trên 365 tỷ đồng/18.638 khách hàng, chiếm 21,47%; hộ nghèo với tổng mức trên 292 tỷ đồng/14.350 khách hàng, chiếm 17,18% dư nợ; hộ mới thoát nghèo 365 tỷ đồng/16.058 khách hàng, chiếm 21,47%; học sinh-sinh viên 270 tỷ đồng/11.058 khách hàng, chiếm 15,88%…

Theo đánh giá của lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, hoạt động tiền tệ, ngân hàng trên địa bàn tỉnh 6 tháng đầu năm nay ổn định và tăng trưởng. Tín dụng tập trung cho sản xuất, kinh doanh và các chương trình trọng điểm, nợ xấu được kiểm soát ở mức 1,2%. Các tổ chức tín dụng thực hiện nghiêm túc các quy định về lãi suất huy động và giảm dần lãi suất cho vay, chấp hành nghiêm các quy định về tỷ giá và hoạt động ngoại hối, hoạt động dịch vụ tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng phục vụ. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mức tăng trưởng 6 tháng đầu năm về vốn huy động và dư nợ tín dụng chưa cao so với kế hoạch đề ra (huy động vốn chỉ bằng 46,6% và dư nợ tín dụng bằng 46,5% kế hoạch); hoạt động các tàu cá theo Chương trình “67” chưa cao do kinh nghiệm, điều kiện trong đánh bắt xa bờ và hậu cần nghề cá với tàu có công suất lớn còn nhiều hạn chế. Một số tàu có công suất lớn khó khăn trong việc cập cảng, chủ tàu không phát huy hết tính năng, tác dụng của máy móc, trang thiết bị trên tàu dẫn đến hạn chế về hiệu quả sử dụng vốn; nợ xấu tuy thấp nhưng tiềm ẩn rủi ro phát sinh cao và nợ nhóm 4, nhóm 5 chiếm tỷ trọng lớn (trên 86%) do hoạt động một số doanh nghiệp có dư nợ lớn tiếp tục gặp khó khăn, công tác xử lý tài sản đảm bảo để thu hồi nợ chậm... Đây là những khó khăn, hạn chế cơ bản trong hoạt động ngân hàng của tỉnh 6 tháng đầu năm 2017 cần tập trung khắc phục có hiệu quả trong những tháng cuối năm. Cũng theo lãnh đạo Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh cho biết, một trong những giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của các NHTM trên địa bàn, đó là chỉ đạo tổ chức tín dụng đẩy mạnh triển khai Chương trình kết nối Ngân hàng-Doanh nghiệp, tập trung vốn cho lĩnh vực sản xuất kinh doanh; tháo gỡ những khó khăn vướng mắc, đẩy mạnh thực hiện các chính sách và chương trình tín dụng trọng điểm theo Nghị định 55/2016/NĐ-CP về chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp nông thôn, Nghị định 67/2014/NĐ-CP và 89/2016/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản. Đồng thời, chỉ đạo các tổ chức tín dụng kết hợp triển khai các giải pháp xử lý nợ xấu với các giải pháp phòng ngừa, hạn chế nợ xấu mới phát sinh và nâng cao chất lượng tín dụng; kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng tín dụng và chất lượng tín dụng, đặc biệt là đối với lĩnh vực phi sản xuất; phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, địa phương trong xử lý các khó khăn, vướng mắc về pháp lý liên quan đến xử lý nợ xấu và hỗ trợ tổ chức tín dụng trong việc hoàn thiện hồ sơ pháp lý, thu hồi nợ và xử lý tài sản bảo đảm, đặc biệt là đối với khách hàng vay chây ỳ, trốn tránh nghĩa vụ trả nợ...