CÂU CHUYỆN CUỐI TUẦN:

Lo “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược”!

(NTO) Có thể nói, một trong những thực trạng đến mức đáng lo ngại của ngành Nông nghiệp hiện nay là sự không “an toàn”, ổn định về đầu ra của sản phẩm. Và sự lo này đã được đại biểu Quốc hội chia sẽ tại kỳ họp thứ 3 Quốc hội vừa qua, thậm chí còn có ý kiến làm “nóng” cả nghị trường về tình trạng “được mùa mất giá, được giá thì lại mất mùa” và khả năng sẽ chưa có hồi kết!. Không đâu xa, ngay tại tỉnh ta gần như năm nào nông dân cũng “kêu” về giá cả hàng nông sản các loại bấp bênh, nhất là năm nào mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt thì giá cả “rớt” càng mạnh hơn. Đơn cử như 2 sản phẩm đặc sản đặc thù là nho và táo. Đến vụ thu hoạch rộ thì y như rằng giá cả xuống thấp. Riêng nho từ đầu năm đến nay do thời tiết biến đổi, mưa nắng thất thường nên sản lượng giảm đáng kể, ngược lại giá nho thì tăng lên gần gấp đôi so với cùng vụ năm trước nhưng lại không có nhiều để bán!. Hy vọng vụ nho tới sẽ cải thiện hơn về sản lượng và nhất là giữ được giá như hiện tại…

Nông dân xã Phước Hậu (Ninh Phước) thu hoạch táo cung ứng cho các chủ vựa thu mua. Ảnh: Sơn Ngọc

Đem suy nghĩ về chuyện giá cả nông sản trao đổi với một số doanh nghiệp thường “kết nối” làm ăn với bà con nông dân trong tỉnh với chủ đích tìm hiểu thực chất của vấn đề. Có nhiều nguyên nhân được đặt ra trong thực tế sản xuất của bà con, trong đó quan trọng nhất- theo người đứng đầu một số doanh nghiệp cho biết đó là do chưa có sợi dây liên kết ngay chính các nông hộ với nhau để sản xuất cùng sản phẩm, tạo ra sản lượng đủ để cung ứng cho nhu cầu doanh nghiệp; chưa sản xuất theo quy trình được doanh nghiệp khuyến cáo, nhất là sử dụng hợp lý theo nguyên tắc “4 đúng” trong sử dụng thuốc bảo vệ thực vật gồm : Đúng thuốc, đúng nồng độ liều lượng, đúng lúc và đúng cách để hạn chế tồn dư trong sản phẩm, gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng, chưa tạo thành chuỗi giá trị…Chung quy lại là hiện sản xuất nông nghiệp của phần lớn nông hộ đều riêng rẽ, manh mún… nên chưa đủ lực để “đối trọng” với doanh nghiệp hoặc người thu mua về giá. Một thực tế cũng rất đáng suy nghĩ là có doanh nghiệp không lo đầu ra cho sản phẩm, nhất là nho, táo mà lại lo ngược… đầu vào không ổn định để đáp ứng đơn hàng đã ký kết tiêu thụ với nhiều doanh nghiệp khác. Đơn cử như chủ doanh nghiệp “nổi tiếng” Ba Mọi không ít lần phàn nàn về tình trạng “phá ngang” liên kết cũng như hợp đồng bán sản phẩm của nông dân. Khi được giá thì chọn nho, táo tốt bán cho thương lái, còn loại xấu thì đem đến bán cho doanh nghiệp để gọi là thực hiện hợp đồng. Thế nhưng khi mất giá thì “kêu” doanh nghiệp không mua trong đó có lý do là sản phẩm không đạt yêu cầu cả về quy cách và độ “sạch” thuốc bảo vệ thực vật, chất tăng trưởng… Ông Ba Mọi cho rằng, chỉ với sản lượng nho, táo trên dưới 35.000 tấn/ năm trong toàn tỉnh thì cao lắm cũng chỉ mới đáp ứng một phần nhỏ nhu cầu ăn tươi của cả nước, chưa nói đến chế biến các sản phẩm khác từ nguyên liệu nho, táo này. Vậy thì có đáng lo đầu ra không?. Quả thật như vậy thì cánh cửa thị trường rất rộng mở mà chẳng phải lo lắng gì đầu ra cả, cái chính yếu đáng lo vẫn là cần thay đổi tư duy trong chính người sản xuất là phải nắm bắt thị trường, liên kết sản xuất cả trong nội bộ các nông hộ và doanh nghiệp để tạo ra sản phẩm tốt, chất lượng, áp dụng kỹ thuật cả trong quá trình chăm sóc cây trồng và khi thu hoạch… Có như vậy mới tạo được chuỗi giá trị bền vững chí ít với “hai nhà” là nhà nông và doanh nghiệp. Và chỉ có thông qua doanh nghiệp mới có thể giải quyết căn cơ đầu ra cho sản phẩm.

Từ thực tế nêu trên cho thấy doanh nghiệp thì lo… “ngược”- sợ không mua đủ sản lượng, còn nông dân lại lo… “xuôi” -sợ không bán được giá. Cái kiểu “trống đánh xuôi, kèn thổi ngược” này quả là khó gặp nhau. Cho nên rất cần vai trò của Nhà nước trong việc làm cầu nối để “hai nhà” gặp nhau, góp phần giải quyết đầu ra cho nông sản nói chung.