Đồng chí Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp thông qua nội dung “Khung kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Ninh Thuận”

(NTO) Ngày 28-8, đồng chí Lê Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp thông qua nội dung “Khung kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Ninh Thuận”. Tham dự có đại diện lãnh đạo các sở, ngành liên quan.

Trên cơ sở hướng dẫn của Bộ Thông tin và Truyền thông về xây dựng Khung kiến trúc Chính quyền điện tử cấp tỉnh và nhu cầu thực tế, Khung kiến trúc Chính quyền điện tử của tỉnh được xây dựng bao gồm các tầng kiến trúc thành phần như sau: Người sử dụng; Kênh; Dịch vụ cổng; Dịch vụ công trực tuyến; Ứng dụng và cơ sở dữ liệu; Dịch vụ chia sẻ và tích hợp; Hạ tầng kỹ thuật. Mô hình này giúp tăng cường kết nối liên thông, tích hợp, chia sẻ, sử dụng lại thông tin, cơ sở dữ liệu giữa các sở, ngành từ Trung ương đến địa phương; đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi trong việc giải quyết các thủ tục hành chính công cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

Đồng chí Lê Văn Bình, Phó chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp
thông qua nội dung "Khung kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Ninh Thuận". Ảnh: Uyên Thu

Phát biểu kết luận buổi làm việc, đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Việc xây dựng “Khung kiến trúc Chính quyền điện tử” rất quan trọng, góp phần tích cực giúp cho các cơ quan quản lý nhà nước nâng cao chất lượng, hiệu quả ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ cho sự phát triển kinh tế- xã hội của địa phương. Đồng chí yêu cầu các cơ quan chức năng và đơn vị tư vấn tiếp tục nghiên cứu, khắc phục những hạn chế, nhanh chóng hoàn thiện “Khung kiến trúc Chính quyền điện tử tỉnh Ninh Thuận” vừa bảo đảm chất lượng, không chỉ giải quyết vấn đề tương tác, chia sẻ thông tin, nghiệp vụ giữa các cơ quan quản lý nhà nước mà quan trọng hơn là nâng cao năng lực dịch vụ hành chính công, đạt được mục tiêu chuyển từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ, xây dựng chính quyền liêm chính, kiến tạo, phù hợp với xu thế phát triển, hội nhập; đồng thời, vừa bảo đảm tính khả thi phù hợp với điều kiện thực tế, nguồn lực của tỉnh. Trong quá trình xây dựng mô hình, cần chú ý đến các giải pháp, kế hoạch, mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn, để tỉnh có cơ sở chuẩn bị đào tạo, bồi dưỡng nhân lực và các nguồn lực khác. Phải luôn cập nhật, dự báo xu hướng ứng dụng công nghệ thông tin để lựa chọn ứng dụng phù hợp với điều kiện thực tiễn, không bị lạc hậu; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, khuyến khích, tạo thói quen cho người dân, doanh nghiệp sử dụng, ứng dụng công nghệ thông tin… để việc thực hiện mô hình đạt được hiệu qua cao, giúp tỉnh trở thành “tỉnh thông minh” trong tương lai.